Một tối cuối tuần rảnh rỗi lạ thường, khi đang vu vơ ngồi lướt máy tính, tôi chợt trầm ngâm vì nhận ra mình đã lãng quên thú vui chơi game từ lúc nào không hay biết. Lục lọi trong tài khoản cá nhân trên Steam – nền tảng phát hành trò chơi điện tử phổ biến nhất hiện nay, tôi bắt gặp lại con game thuần Việt hiếm hoi xuất hiện tại đây. Điều bất ngờ là chính tôi lại … không hề bất ngờ về sự thành công của nó sau tròn một năm ra mắt công chúng.

Ngành game Việt Nam: tăng trưởng mạnh, nhưng chưa đủ tốt

Nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là khoảng thời gian hứng khởi của ngành game Việt với những tựa game dành cho máy tính 100% “Make in Vietnam” được phát hành, tiêu biểu là Thần Trùng, hay Cỏ Máu. Mặc dù vẫn chỉ là những sản phẩm game Indie – thuật ngữ chỉ trò chơi điện tử được phát triển bởi các cá nhân hay nhà sản xuất nhỏ có kinh phí thấp, game thủ Việt vẫn vô cùng háo hức sau một khoảng thời gian dài làng game nước nhà im hơi lặng tiếng.

Gọi là im hơi lặng tiếng thực ra lại không chính xác. Bởi lẽ, Bloomberg thậm chí còn đánh giá Việt Nam đã vươn mình trở thành cường quốc trò chơi điện tử chỉ 10 năm sau hiện tượng toàn cầu Flappy Bird, đạt doanh thu năm 2022 xấp xỉ 800 triệu USD.[i] Tuy nhiên, đó chỉ là thành tựu riêng trong lĩnh vực trò chơi điện tử dành cho điện thoại di động (mobile game). Trên đấu trường thật sự của ngành công nghiệp game là máy tính (PC) và máy chơi game (console), hay dòng mobile game có độ phức tạp trung bình trở lên, Việt Nam hoàn toàn chưa tạo được dấu ấn gì đáng kể.

 “Con chim sợ cành cong” của làng game Việt

“Bom tấn” đầu tiên khẳng định năng lực làm game nhập vai phức tạp của các nhà sản xuất Việt Nam mang tên 7554, phát hành vào năm 2012. Đây là một tựa game đặc biệt ý nghĩa khi nó đặt theo ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 07-05-1954 lừng lẫy. Trò chơi này được đánh giá là có cốt truyện nhân văn, kịch tính, khắc họa đậm nét người lính cụ Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ; kết hợp với cơ chế chơi game hiện đại, dù chưa thể sánh với các tựa game AAA cùng thể loại như Battlefield hay Call of Duty.

Sản phẩm được Hiker Games đầu tư số vốn 17 tỷ đồng với rất nhiều kỳ vọng, nhưng chỉ thu về vỏn vẹn chưa đến 1 tỷ đồng sau hơn 4.000 bản bán ra. Bất chấp cộng đồng game thủ chờ đợi và săn đón, vấn đề bỏ tiền để mua trò chơi điện tử bản quyền ở Việt Nam lúc bấy giờ là quá “xa xỉ”. Thay vào đó, phần đông người chơi chọn trải nghiệm các phiên bản bẻ khóa (crack) miễn phí, dĩ nhiên là bất hợp pháp.

Cần biết rằng, việc cố ý hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được áp dụng để bảo vệ trò chơi điện tử bị xem là hành vi vi phạm pháp luật, vốn đã được quy định từ lâu trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các đạo luật khác. Mặc dù pháp luật đã thiết kế đầy đủ các chế tài dân sự, hành chính, hình sự, vấn đề xử lý vi phạm liên quan đến chương trình máy tính nói chung ở nước ta vẫn vô cùng nhức nhối cho đến tận thời điểm hiện nay. Chính điều này đã cản trở động lực đầu tư, hay thậm chí đã đem về khoản lỗ không nhỏ như trường hợp của Hiker Games kể trên.

Tín hiệu tích cực là ý thức tuân thủ bản quyền của người chơi bây giờ đã tăng lên đáng kể so với lúc 7554 ra mắt. Kết quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ chính sách, pháp luật, đến thu nhập đầu người và công nghệ. Việc mua trò chơi điện tử có bản quyền đã dễ dàng hơn rất nhiều với các nền tảng nổi bật như Steam, Epic, Origin,…Người chơi được tận hưởng những trải nghiệm khác biệt thông qua thanh toán tiện lợi, cài đặt nhanh chóng, giảm tối đa các rủi ro về an toàn thông tin. So với mười năm trước, khi bạn phải loay hoay để đặt mua các bản cài đặt vật lý (đĩa CD), công nghệ thực sự đã tạo ra bước đột phá trong việc thay đổi nhận thức của người chơi.

Cũng bởi vậy, nhiều người hâm mô bày tỏ tiếc nuối, giá như 7554 ra đời muộn hơn 10 năm. Nhưng cuộc đời không có giá như. Năm 2021, Hiker Games bất ngờ trở lại với dự án đầy tham vọng mang tên 300475, cũng là cách đặt tên quen thuộc để kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Lần này, họ không mạo hiểm tự đầu tư mà lựa chọn hình thức gọi vốn cộng đồng (crowfunding) với mức dự kiến là 20 tỷ đồng.

Sau một năm, họ chỉ kêu gọi được vỏn vẹn 1 tỷ đồng và buộc lòng thông báo hủy dự án, hoàn trả là vốn góp cho các nhà đầu tư. Người chơi game dù đã chịu chi hơn, nhưng rõ ràng không dễ để thuyết phục họ xuống tiền cho một sản phẩm chỉ mới nằm trên giấy. Còn về phía nhà sản xuất, họ như “con chim sợ cành cong”, trong một thị trường đầy rẫy rủi ro do không có cơ chế bảo đảm thực thi bản quyền có hiệu quả.

Thành công bằng thương hiệu cá nhân

Kinh doanh bằng thương hiệu cá nhân không phải là một chiến lược mới mẻ, nhưng đối với lĩnh vực trò chơi điện tử ở nước ta, dường như chưa ai lựa chọn hướng đi này cho đến khi tựa game kinh dị Thần Trùng xuất hiện. Theo thống kê không chính thức trên trang Game Stats, trò chơi này đã bán được ít nhất 50,000 bản, đạt tổng doanh thu ước tính khoảng 300,000 USD. Trong làng game offline (không cần kết nối mạng) trên máy tính ở Việt Nam, đây có lẽ là thương vụ thành công bậc nhất lịch sử.

Con số trên còn đặc biệt ấn tượng khi mà nhà sản xuất DUT Studio chỉ là một nhóm ba người nghiệp dư, kinh nghiệm làm game trước đó gần như là con số không. Thế nhưng toàn bộ chặng đường sản xuất trò chơi Thần Trùng lại được công chúng ủng hộ và theo dõi sát sao. Hóa ra, nhóm sản xuất này có xuất thân “không hề tầm thường”. Người thành lập nhóm chính là một trong những streamer nổi tiếng nhất Việt Nam, đạt được nhiều triệu người theo dõi trên các nền tảng xã hội và hàng chục ngàn người xem trực tiếp mỗi đêm.

Với tư cách là một khán giả lâu năm, bản thân người viết bài này đã mạnh dạn chi ra … hai bữa ăn sáng để mua một bản ủng hộ dù không có ý định chơi. Vậy nên, tôi không hề có phản ứng bất ngờ nào khi biết được sự thành công của sản phẩm. Tuy nhiên, dưới góc độ phát triển thương hiệu, hướng đi này là bất khả thi đối với phần lớn nhà sản xuất trò chơi điện tử khác. DUT Studio đã thành công dựa trên ba yếu tố cốt lõi: (1) sản phẩm tốt (điều bắt buộc cho mọi sự thành công), (2) uy tín cá nhân (điều không phải ai cũng có được), và (3) đúng thời điểm (khách hàng đã sẵn sàng chi trả cho bản quyền).

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Việt Nam có lẽ đã đi được một chặng đường đủ dài để cùng nhìn lại. Đã có những thành tựu vượt bậc mang tính hệ thống trong mảng điện thoại di động, cũng có thành công nhờ lối đi riêng đậm dấu ấn cá nhân, và dĩ nhiên không thể không tiếc nuối cho sự thất bại của một sản phẩm giàu lòng biết ơn lịch sử dân tộc hào hùng. Dù sao đi nữa, mỗi viên gạch đều góp phần xây nên thương hiệu Việt Nam trong tham vọng vươn ra thế giới bằng con đường công nghệ, miễn là đảm bảo được cơ chế thực thi bản quyền hiệu quả.


Tác giả: Nguyễn Lương Sỹ

  • Bài viết gốc được đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài gòn, chuyên san bảo vệ thương hiệu tháng 11/2023.
  • Nguồn ảnh: STEAM

[i] Bloomberg, Vietnam mobile games emerge as key tech export after flappy bird success, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-08-03/vietnam-mobile-games-emerge-as-key-tech-export-after-flappy-bird-success

Về tác giả

Previous post Mariah Carey vs Tinh thần Christmas
Next post Webinar 01/2024: Tri thức truyền thống – đứa trẻ vẫn sống
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products