Một ngày đẹp trời vào năm 2020, danh thủ người Thụy Điển Zlatan Ibrahimovic bỗng nhiên đăng đàn chỉ trích tựa game bóng đá nổi tiếng FIFA 21 trên mạng xã hội: “Ai đã cho FIFA EA SPORT quyền sử dụng tên và gương mặt của tôi?”. Là một danh thủ, Ibrahimovic hiếm khi mất phương hướng trên sân bóng. Nhưng bên ngoài sân, lần này anh đã lạc lối trong ma trận thỏa thuận pháp lý về quyền hình ảnh. Có lẽ anh không biết, anh vốn đã mất quyền tự quyết đối với hình ảnh của chính mình từ lâu lắm rồi.
Ai đang giữ quyền của Ibrahimovic và đồng nghiệp?
Quyền hình ảnh của một cầu thủ bóng đá không chỉ giới hạn ở khuôn mặt, mà còn bao gồm tên gọi, số áo, chữ ký, giọng nói, hình thể,…hoặc bất kỳ dấu hiệu gì đặc trưng của người đó. Tùy thuộc vào từng hệ thống pháp luật mà quyền hình ảnh có thể được bảo vệ bởi quyền riêng tư, quyền cá nhân, hay quyền chống mạo danh (passing-off). Cầu thủ càng nổi tiếng thì quyền hình ảnh của họ càng có giá trị.
Ban đầu, quyền này dĩ nhiên phải thuộc về chính chủ. Tuy nhiên, các câu lạc bộ chuyên nghiệp sẽ luôn đòi hỏi quyền sử dụng hình ảnh của cầu thủ thuộc biên chế để phục vụ cho các hoạt động quảng bá thương mại. Yêu cầu này thông thường được đưa vào ngay trong hợp đồng lao động; và từ đó, cầu thủ bước đầu mất kiểm soát với một phần quyền hình ảnh cá nhân. Xu hướng khác của nhiều cầu thủ nổi tiếng hiện nay đó là tự thành lập một công ty sở hữu và quản lý quyền hình ảnh của mình. Từ đó, mọi giao kết về quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ phải được xác lập với công ty kia, chứ không thể tích hợp trong hợp đồng lao động.
Câu lạc bộ chủ quản cũng chỉ là một điểm nối trong “bùng binh” sở hữu chéo về quyền hình ảnh của cầu thủ. Phần quyền mà câu lạc bộ nắm giữ sẽ được san sẻ với ban tổ chức giải đấu, liên đoàn bóng đá quốc gia, Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA),… Các nhà tài trợ giải đấu và câu lạc bộ tất nhiên cũng không muốn nằm ngoài cuộc chơi khi đã chi tiền tấn để xuất hiện tên trên bảng vàng.
Nếu thấy tình hình chưa đủ phức tạp, cần nhớ rằng bản thân mỗi cầu thủ cũng lại có những hợp đồng quảng cáo riêng, hay bị ràng buộc gián tiếp bởi các tổ chức nghề nghiệp khác mà tiêu biểu là Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPRO). Sử dụng hàng chục ngàn hình ảnh cầu thủ chuyên nghiệp, các tựa game bóng đá nổi tiếng như FIFA của EA Sports hay eFootball của Konami hiếm khi xác lập thỏa thuận cá nhân. Thay vào đó, họ thường sở hữu quyền thứ cấp đối với hình ảnh cầu thủ thông qua giao kết với FIFPRO, liên đoàn, giải đấu, hoặc chí ít là với câu lạc bộ.
Bài toán xung đột lợi ích
Khi mà bất kỳ câu lạc bộ hay cầu thủ có tiếng nào cũng được săn đón bởi hàng chục nhãn hàng quảng cáo khác nhau, sự xung đột lợi ích là khó tránh khỏi. Trường hợp vào năm 2016, khi HLV danh tiếng Jose Mourinho trở thành tân thuyền trường của Manchester United là một ví dụ. Trước thời điểm đó, Mourinho đang có hợp đồng quảng cáo với hãng xe Jaguar và đồng hồ Hublot. Thế nhưng, Chevrolet và Bulova lại đang là các nhà tài trợ chính của đội bóng mang biệt danh Quỷ đỏ. Nguyên tắc hiển nhiên là không bên nào được phép xuất hiện trước truyền thông với sản phẩm của thương hiệu cạnh tranh. Các bên liên quan được cho là phải trải qua quá trình đàm phán kéo dài và tốn kém mới đạt được thỏa thuận hợp lý, giúp Mourinho có thể cập bến Manchester United.[i]
Xung đột lợi ích diễn ra phổ biến nhất liên quan đến các “ông lớn” thời trang tài trợ áo đấu như Nike, Adidas, Puma,…Cặp kỳ phùng địch thủ vô tiền khoáng hậu lịch sử bóng đá thế giới là Messi và Ronaldo hóa ra không chỉ so kè trên sân bóng. Trong thời gian thi đấu tại Tây Ban Nha, Messi là đại diện hình ảnh cho Adidas, nhưng đội bóng chủ quản Barcelona lại được tài trợ bởi Nike. Ngược lại, nếu như Ronaldo ký hợp đồng cá nhân cùng Nike, thì Real Madrid của anh mang áo đấu với logo Adidas.
Với tình thế trớ trêu này, cả bốn bên chẳng còn cách nào khác ngoài … nở một nụ cười thật tươi. Thật vậy, hai siêu sao vẫn ăn mừng cuồng nhiệt từng bàn thắng với logo đối nghịch. Bên ngoài sân đấu, đội ngũ marketing của cả Nike và Adidas miệt mài tìm cách che đi logo đối thủ sao cho thật khéo léo mỗi khi sử dụng hình ảnh trên sân bóng của hai danh thủ này.
Luật cho, nhưng điều lệ cấm?
Trong khuôn khổ các giải đấu, điều lệ được ban hành phù hợp với quy định của pháp luật mới là “luật” tối thượng. Ban tổ chức thường đặt ra các quy định khắt khe hơn so với luật nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà tài trợ. Chẳng hạn, Hiến chương Thế vận hội Olympics cấm các vận động viên sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo cho các nhãn hàng không phải là nhà tài trợ chính thức của Olympics trong suốt thời gian diễn ra giải đấu. Quy định này gây tranh cãi trong suốt thời gian dài, trước khi nó được điều chỉnh (mặc dù vẫn rất hạn chế, và chỉ áp dụng với một số quốc gia) kể từ Olympics Tokyo 2020.[ii]
Mặc dù không liên quan đến hình ảnh cá nhân cầu thủ, giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V-league 2023 cũng vướng vào một rắc rối pháp lý tiền mùa giải về vấn đề nhà tài trợ. Chuyện là công ty tổ chức giải đấu VPF yêu cầu câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai không được sử dụng logo Carabao vì xung đột quyền lợi với nhà tài trợ chính giải đấu Sâm Ngọc Linh – chủ quản nhãn hàng nước tăng lực Night Wolf.
Căn cứ VPF đưa ra là Điều lệ mùa giải 2023 quy định các câu lạc bộ không được khai thác tài trợ cạnh tranh với ngành hàng của nhà tài trợ chính. Điều khoản trên có dấu hiệu mâu thuẫn nghiêm trọng với quy định của pháp luật cạnh tranh. Rất may là sau đó, các bên đã thỏa thuận thành công để giải đấu vẫn diễn ra thuận lợi.
Có thể thấy, một giải đấu chuyên nghiệp nếu như thiếu vắng các quy định chỉn chu về hình ảnh giải đấu, hình ảnh tổ chức/cá nhân tham gia thì đều dễ dẫn đến nguy cơ tranh chấp. Mặt khác, mọi vận động viên đều phải vạch ra chiến lược nhượng quyền hình ảnh bài bản thì mới đảm bảo tối ưu giá trị thương mại, cũng như tránh được các rắc rối pháp lý.
- Tác giả: Nguyễn Lương Sỹ
- Nguồn ảnh: Zlatan Ibrahimovic | Fernando Buigues-Argentina – Irancartoon
[i] Field Insider, Footballer Image Rights: How Do They Work?, https://fieldinsider.com/footballer-image-rights/
[ii] Reuters, Olympics-Sponsorship rules help, don’t hinder, athletes -IOC, https://www.reuters.com/article/olympics-ioc-idUKL8N29E479
Về tác giả
Nguyễn Lương Sỹ
Giảng dạy sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quản lý Singapore.