Bản dịch này dựa trên bản gốc tiếng Anh “Why legal writing is so awful“ của báo The Economist, đăng ngày 31/05/2023.
Đừng bao giờ gán ác ý cho những gì có thể giải thích được chỉ bởi sự thuận tiện.
“Điều đầu tiên chúng ta cần làm là hãy giết tất cả luật sư”, đây là một trong những câu thoại đáng nhớ nhất của Shakespeare. Thật khó có thể tìm thấy câu như vậy trong bài viết của chính các luật sư – và không phải chỉ vì họ không đồng ý. Mặc dù một số thẩm phán có văn phong tinh tế, hầu hết ngôn ngữ pháp lý đều cầu kỳ, rối rắm và không có khả năng tạo ra bất cứ điều gì quá súc tích. (Chắc chắn đây là một trong những lý do khiến nhiều người muốn giết tất cả các luật sư.) Nhưng liệu có phải các luật sư viết như vậy vì họ muốn gây ấn tượng, tạo hoang mang — hay có lẽ họ phải làm vậy?
Nguồn: The.Ismaili
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ), Eric Martínez và các đồng nghiệp của ông từ Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Edinburgh đã cố gắng tìm hiểu vấn đề này. Họ đã đưa cho các luật sư và người bình thường ở Mỹ xem những hợp đồng được viết bằng “legalese” (ngôn ngữ pháp lý) và những phiên bản được đơn giản hóa để truyền tải các thuật ngữ tương tự. Sự thật là ngay cả các luật sư và khách hàng của họ cũng gặp khó khăn và không thích ngôn ngữ pháp lý.
Legalese rất chú trọng đến việc “thêm vào giữa” các câu, trong đó một số từ trong một câu sẽ bị phân tách bởi một đoạn thêm vào khá dài, ví dụ như trong câu sau: “It is understood by artist and company that comprehensive liability insurance, protecting against any claim or demand up to $300,000, including attorney’s fees, related to company’s actions under this venue agreement, shall be purchased and maintained throughout the agreement by company.” (Dịch là: Nghệ sĩ và công ty hiểu rằng bảo hiểm trách nhiệm toàn diện, thứ bảo vệ họ khỏi mọi khiếu nại hoặc yêu cầu lên tới 300.000 đô-la bao gồm phí luật sư, liên quan đến hành động của công ty theo thỏa thuận địa điểm này, phải được công ty mua và duy trì trong suốt thỏa thuận.) Điều này gây áp lực mạnh lên hoạt động của bộ não và trí nhớ. Từ “insurance” (bảo hiểm) phải được ghi nhớ trong đầu trong khi khoảng 20 từ khác trôi qua trước khi cụm động từ phụ “shall be purchased” (phải được mua) xuất hiện.
Một đặc điểm phiền phức khác của văn bản pháp lý là jargon (thuật ngữ): những từ không phổ biến như hereinbefore, mala fides và lessor. Nghĩa của những từ này không có khác biệt nhiều so với từ above, bad faith và landlord. Ngay cả khi hầu hết các luật sư và nhiều “laypeople” (người không chuyên) đều biết đến những thuật ngữ này thì chúng vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực để ghi nhớ so với những từ thông thường.
Với sự miệt thị gần như phổ quát đối với ngôn ngữ pháp lý, câu hỏi rõ ràng là tại sao nó vẫn tồn tại. Ông Martínez và các đồng nghiệp đã nghiên cứu một số giả thuyết để tìm ra câu trả lời. Một trong số đó là là “the curse of knowledge” (lời nguyền của kiến thức). Đây là khái niệm để miêu tả những người có học thức nhưng không biết cách viết làm sao để cho những người không chuyên cũng có thể hiểu được ý tưởng của mình. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các luật sư cũng gặp khó khăn với ngôn ngữ pháp lý. Họ thấy nội dung của các hợp đồng pháp lý khó hiểu và khó nhớ hơn. Tất nhiên, những người không chuyên cũng vậy, nhưng họ có thể nhớ và hiểu những hợp đồng đơn giản giống như các luật sư hiểu những hợp đồng phức tạp.
Một ý tưởng bi quan hơn là giả thuyết “it’s just business” (đó chỉ là công việc kinh doanh). Giả thuyết này cho rằng các luật sư cố tình viết mập mờ để dụ dỗ khách hàng trả nhiều tiền hơn cho chuyên môn của họ. Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn hợp lý vì các luật sư tin rằng khách hàng có khuynh hướng ký vào các hợp đồng đơn giản hơn so với các hợp đồng tiêu chuẩn.
Có lẽ legalese là một hình thức thể hiện “in-group signalling” (tín hiệu trong nhóm) – dấu hiệu được sử dụng để thể hiện sự thuộc về một nhóm nào đó (chẳng hạn như biểu tượng tôn giáo hoặc việc vẫy cờ tại các sự kiện thể thao) hướng đến các luật sư đồng nghiệp hơn là khách hàng chăng? Nhưng các luật sư tham gia nghiên cứu cho biết họ có xu hướng thuê người viết hợp đồng đơn giản hơn là người viết hợp đồng truyền thống rối rắm.
Ông Martínez (người được đào tạo thành luật sư trước khi chuyển sang khoa học nhận thức) cho rằng lý do phổ biến nhất để bào chữa cho legalese là nhu cầu về sự chính xác. Theo quan điểm này, ngôn ngữ pháp lý quá quan trọng để bị phó mặc cho sự mập mờ của văn phong thông thường. Nhưng lập luận này cũng bị bác bỏ: khi đọc các hợp đồng đơn giản, các luật sư đánh giá chúng có khả năng thực thi như những hợp đồng phức tạp.
Các nhà nghiên cứu đã rút ra được một kết luận đơn giản mà họ gọi là “copy-and-paste hypothesis” (giả thuyết cắt dán). Các luật sư bắt chước những gì luật sư trước đây đã làm. Suy cho cùng, một phần lớn công việc pháp lý theo lệ trình (như soạn thảo hợp đồng) có thể được bê y nguyên từ tài liệu này sang tài liệu khác.
Dù lý do là gì thì việc thay đổi sẽ rất khó khăn. Các chuyên gia pháp lý đã kêu gọi viết văn phong pháp lý rõ ràng hơn trong nhiều thập kỷ. Nhưng cơn đại dịch ngôn ngữ pháp lý vẫn còn tồn tại. Có lẽ bằng chứng ngoài ngành sẽ giúp thay đổi điều này—đặc biệt nếu nó được viết bằng ngôn ngữ đơn giản.