Công nhận AI là nhà sáng chế: Chưa cần thiết và không phù hợp

Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số 11-2023. Đây là bài số 2 trong loạt bài về AI. Bạn đọc có thể đọc Phần 1 của tại đây

Ngày 4-12-2019, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) ban hành Quyết định BL O/741/19 từ chối bảo hộ cho hai đơn đăng ký sáng chế do DABUS tạo ra. Ông Huw Jones – người đại diện của UKIPO – lập luận rằng, nhà sáng chế phải là con người tự nhiên. Dựa vào ý định và mục đích lập pháp cũng như sự ủng hộ đến từ lịch sử xét xử và giải thích của hệ thống tòa án, cụm từ “person” luôn được hiểu là thể nhân và không có chủ thể nào ngoài thể nhân được dự định thuộc phạm vi của quy định này. Do đó, vì DABUS không phải là thể nhân, nên DABUS không phải là nhà sáng chế. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Stephen Thaler cũng không có quyền hợp pháp để nộp đơn đăng ký nếu chỉ dựa trên quyền sở hữu DABUS. Lập luận của ông Jones có thể được tóm tắt như sau: chức năng cơ bản của hệ thống sáng chế là khuyến khích sự đổi mới bằng cách cấp chứng nhận độc quyền có thời hạn cho người sáng tạo để đổi lấy việc công khai thông tin sáng chế với công chúng. Ông Thaler cũng thừa nhận trong đơn rằng, một máy AI sẽ không trở nên sáng tạo hơn bởi lời hứa hẹn độc quyền bảo hộ bằng sáng chế. Ngoài ra, vì AI không thể nắm giữ quyền tài sản, làm sao chúng ta có thể khuyến khích AI phổ biến thông tin về sáng chế?

Tiếp tục kháng cáo

Ngay sau đó, nhóm của Thaler đã đệ đơn khởi kiện ông Huw Jones và một trong ba căn cứ khởi kiện là điều 13 của Đạo luật Sáng chế 1977 của nước Anh (Patents Act – PA). Đây là điều khoản yêu cầu tên nhà sáng chế phải được nhắc đến trong đơn xin sáng chế và theo Thaler, đây là một điều khoản bất hợp pháp để từ chối một quyền mà Thaler lẽ ra sẽ có. Đó là quyền được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm (High Court) đã từ chối các yêu cầu khởi kiện của Stephen. Trong phán quyết Thaler v. The Comptroller – General of Patents, Designs And Trade Marks [1], tòa án đã bác bỏ các lập luận của Thaler và kết luận rằng DABUS không thể đáp ứng được các điều kiện của nhà sáng chế.

Liên quan đến điều 13, thẩm phán Michael Smith J lập luận, mặc dù Tiến sĩ Thaler thành thật tin rằng DABUS là nhà sáng chế và ông với tư cách là người sở hữu DABUS có quyền nộp đơn xin cấp sáng chế, nhưng điều này không cho phép Thaler bỏ qua điều 7 của PA 1977, là điều khoản xác định ai là nhà sáng chế thực sự. Tiến sĩ Thaler không có quyền được cấp bằng sáng chế vì DABUS với tư cách không phải là thể nhân hay pháp nhân, không thể nắm giữ quyền đó và chuyển giao nó cho ông. Dù vậy, phần giải thích và lập luận cho tư cách nhà sáng chế cũng chỉ được đưa ra một cách rất ngắn gọn.

Nhóm của Tiến sĩ Thaler đã tiếp tục đưa vụ kiện này đến giai đoạn phúc thẩm (Court of Appeal).

Trong bản án phúc thẩm [2], cả ba vị thẩm phán đều nhấn mạnh và tiếp tục khẳng định quan điểm của UKIPO và tòa sơ thẩm rằng DABUS không phải là nhà sáng chế, thông qua mục đích lập pháp và lịch sử án lệ. Kết luận cuối cùng của tòa phúc thẩm là từ chối toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nhóm Stephen và không công nhận DABUS là một nhà sáng chế.

Nhìn chung, việc nêu tên DABUS trong đơn đăng ký sáng chế do Tiến sĩ Stephen Thaler nộp đã không đáp ứng được các điều kiện trong các quy định tại: điều 7 về nhà sáng chế: không phải là con người thì không được xem là nhà sáng chế. Điều 13(2)(a) về nêu tên nhà sáng chế trong đơn: đòi hỏi người nộp đơn phải xác định rõ người mà người đó tin rằng là (các) nhà sáng chế. Quy định này cho phép người nộp đơn có thể mắc sai lầm khi người này có cơ sở tin rằng người mình nêu tên trong đơn chính là nhà sáng chế thực sự, mặc dù trên thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên, yêu cầu này được đưa ra khi có sự nhầm lẫn giữa các thể nhân với nhau chứ không phải giữa cỗ máy và con người. Điều 13(2)(b) về căn cứ xác lập quyền nộp đơn. Tiến sĩ Stephen Thaler không có quyền nộp đơn xin cấp sáng chế đối với sáng chế do DABUS tạo ra vì DABUS không thể chuyển giao quyền mà nó không có.

Không nản lòng, nhóm Thaler tiếp tục kháng cáo. Ngày 12-8-2022, Tòa án Tối cao (Supreme Court) Vương quốc Anh đã xem xét và chấp nhận quyền kháng cáo của phía nguyên đơn và việc xét xử sẽ diễn ra trong tháng 3-2023 này.

Nước Anh là một trong những nền tài phán mạnh về sáng chế; vì vậy đây sẽ là một trong những phán quyết đáng mong đợi của năm 2023. Tuy nhiên, với những lập luận trên, cùng lịch sử lập pháp lâu đời và sự giải thích rõ ràng trong hệ thống án lệ của mình, không khó để dự đoán quyết định của Tòa án Tối cao vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm không công nhận DABUS nói riêng, hay AI nói chung, là một nhà sáng chế, như đã từng trong các bản án trước đây.

Như vậy, lập luận lớn nhất mà các tòa án ở Vương quốc Anh sử dụng để từ chối bảo hộ sáng chế do AI tạo ra vẫn là nhà sáng chế phải là con người, và AI không phải là con người, do đó, AI không là nhà sáng chế theo PA 1977.

Liệu luật pháp có cần thay đổi?

Cần phải thừa nhận rằng, các đơn đăng ký sáng chế của Tiến sĩ Stephen Thaler không nhằm mục đích cuối cùng là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sáng chế này. Là một phần của dự án Articial Inventor Project, mục đích thật sự của các đơn này là để kiểm tra khả năng bảo hộ sáng chế do AI tạo ra và khả năng công nhận AI như một chủ thể sáng tạo với khung pháp lý hiện hành. Với bản chất là một cuộc khảo sát các nền tư pháp tại nhiều quốc gia khác nhau trong lĩnh vực sáng chế và mối tương quan với AI, dự án AIP không thể minh chứng được nhu cầu thật sự để công nhận AI như một nhà sáng chế.

Do đó, không có một nhu cầu công nhận AI là một nhà sáng chế nào được viện dẫn một cách hợp lý, hay thậm chí ngay cả DABUS – cái được cho là nhà sáng chế – cũng không có nhu cầu được công nhận là nhà sáng chế duy nhất cho các đơn đăng ký này.

Trên thực tế, pháp luật Anh cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã có một cơ chế bảo hộ dành quyền SHTT đối với các thành quả được tạo ra bởi máy móc. Theo đó, các tài sản trí tuệ được tạo ra bởi máy tính vẫn sẽ được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả/bản quyền. Điều này có nghĩa là, việc một cỗ máy tham gia vào quá trình sáng tạo của con người để hình thành nên tác phẩm sẽ không khiến cho tác phẩm đó mất đi khả năng bảo hộ. Trong trường hợp này, tác giả được xác định là người thực hiện các sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm.

Về thời hạn bảo hộ, các tác phẩm được tạo ra bởi máy tính có thời hạn bảo hộ ngắn hơn rất nhiều so với tác phẩm thông thường. Nếu một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trong suốt quãng đời của tác giả và 70 năm kể từ khi tác giả mất thì tác phẩm do máy tính tạo ra chỉ được bảo hộ trong 50 năm kể từ khi tác phẩm đó được hình thành. Ngoài ra, nhìn chung, cơ chế bảo hộ quyền quyền tác giả đối với tác phẩm do máy tính tạo ra không đạt được sự nghiêm ngặt và toàn diện như so với các tác phẩm khác.

Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật SHTT của Anh đã có sẵn một cơ chế bảo hộ cho tác phẩm do máy tính tạo ra. Tác giả của những tác phẩm này luôn là con người, và sẽ luôn là con người, theo đúng tinh thần và mục đích ra đời thật sự của luật SHTT, đó là bảo vệ thành quả sáng tạo của chủ thể sáng tạo thông qua góc nhìn rằng con người là trung tâm của lĩnh vực luật này. Do đó, việc thay thế một tác giả/ nhà sáng chế bằng một thực thể phi thể nhân là không phù hợp, đi ngược lại với dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển của luật SHTT, không chỉ tại Vương quốc Anh mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) rõ ràng đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi đã thể hiện được các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam cam kết trong quá trình đàm phán và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, chúng ta đã có một cơ chế bảo hộ có sẵn, đầy đủ và toàn diện đối với các sáng chế được công nhận bảo hộ. Do đó, với câu hỏi liệu chúng ta có phải thật sự thay đổi pháp luật sở hữu trí tuệ bằng cách công nhận thực thể phi thể nhân là một nhà sáng chế hay không thì câu trả lời là “không” khi cho đến hiện tại, hầu hết các quan điểm lập pháp và giải thích pháp luật vẫn cho rằng, tác giả/nhà sáng chế là con người, là thể nhân. Để có thể bảo hộ cho sáng chế do máy móc, hay trí tuệ nhân tạo, tạo ra, cần thiết phải xác định rõ (những) người nào đóng vai trò như một tác giả/nhà sáng chế theo các nguyên tắc xác định đã tồn tại hàng trăm năm qua. Do đó, việc tìm kiếm một giải pháp để công nhận tư cách tác giả/nhà sáng chế của AI, cho đến thời điểm hiện tại, là chưa cần thiết và không phù hợp.

[1] Thaler v The Comptroller-General of Patents, Designs And Trade Marks [2020] EWHC 2412 (Pat)

[2] (2) Thaler v The Comptroller-General of Patents, Designs And Trade Marks [2021] EWCA Civ 1374


Tác giả: Lê Vũ Vân AnhĐoàn Hồng Quân

Hình ảnh: The Artificial Inventor Project

Về tác giả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post Luật sáng chế và trí tuệ nhân tạo – hành trình bắt đầu từ những câu hỏi
Next post IP Tạp Bút Số 2
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x