Bạn đã bao giờ nghe một bài hát lần đầu tiên và thề rằng bạn đã từng nghe nó ở một nơi khác bởi vì nó nghe rất là quen chưa? Rất có thể, bạn đã thực sự nghe bài hát này rồi hoặc giai điệu này rồi. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật trong đó các nhạc sĩ có thể liên tục lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhau, điều chỉnh nó theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, như một số vụ kiện bản quyền lớn nhất trong lịch sử âm nhạc đã chỉ ra, có một ranh giới nhỏ giữa cảm hứng và đạo nhạc.
Nhưng sự khác biệt giữa việc “học hỏi” tác phẩm của nhạc sĩ khác để làm cảm hứng và việc luật sư của họ cáo buộc bạn vi phạm bản quyền là gì?
Một vài triệu đô la, đôi ba đơn kiện, và yêu cầu hầu tòa – nghe thật rùng mình!
Các vụ kiện bản quyền trong ngành âm nhạc không còn mới tại Mỹ, và các ngôi sao tên tuổi nhất cùng đối diện với kiện tụng ngày một nhiều. Tuần vừa qua, Ed Sheeran mới nhận một phán quyết được cho là “khá đắng và khó nuốt” cho giọng ca nổi tiếng và trẻ tuổi này.
Một thẩm phán Hoa Kỳ ra phán quyết hôm thứ năm rằng ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh Ed Sheeran phải hầu tòa trong một trong ba vụ kiện cáo buộc rằng bản hit đình đám năm 2014 “Thinking Out Loud” của Ed Sheeran vi phạm tác phẩm kinh điển năm 1973 của Marvin Gaye “Let’s Get It On”.
Thẩm phán Quận Louis Stanton của Hoa Kỳ ở Manhattan đã từ chối nỗ lực của Sheeran để bác đơn kiện vi phạm bản quyền của Structured Asset Sales LLC (SAS), công ty sở hữu một phần tài sản với đồng biên kịch Ed Townsend của bài hát “Let’s Get It On”.
Stanton cho biết bồi thẩm đoàn phải quyết định xem hai bài hát có giống nhau về cơ bản hay không vì các chuyên gia âm nhạc của cả hai bên tranh chấp và không thể thống nhất quan điểm liệu bài hát của Sheeran có bắt chước “Let’s Get It On” hay không.
“Mặc dù hai tác phẩm âm nhạc không giống nhau, nhưng bồi thẩm đoàn có thể nhận thấy rằng sự trùng lặp giữa sự kết hợp giữa tiến trình hợp âm và nhịp điệu hài hòa của các bài hát là rất gần nhau,” Stanton nói.
Luật sư bản quyền của Structured Asset Sales LLC, Hillel Parness, nói với Reuters rằng công ty “hài lòng” với phán quyết của thẩm phán hôm thứ năm vừa qua. Trong khi đó, các luật sư của Sheeran đã không trả lời bất cứ câu hỏi hay bình luận với báo chí.
Thẩm phán Stanton cũng ra phán quyết rằng các bồi thẩm viên phải quyết định xem SAS có thể bao gồm doanh thu từ buổi hòa nhạc của Sheeran vào yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không, đồng thời ông bác bỏ lập luận của luật sư phía bên Sheeran rằng việc bán vé không gắn liền với cáo buộc vi phạm.
Theo ấn phẩm thương mại ngành âm nhạc Pollstar, chuyến lưu diễn 2014-2015 của Sheeran đã mang về 150 triệu đô la tổng doanh thu. “Thinking Out Loud” đạt vị trí thứ 2 trên Billboard Hot 100 vào tháng 2 năm 2015. “Let’s Get It On” đạt vị trí số 1 vào tháng 9 năm 1973.
Vấn đề lớn nhất trong các vụ kiện bản quyền âm nhạc là việc xác định một nghệ sĩ có sao chép một nhạc sĩ khác hay không. Và thường sự xác định này dựa trên hai bài kiểm tra. Thứ nhất, liệu họ có khả năng đã nghe bài hát trước khi viết phần của họ hay không, và thứ hai là liệu họ có nâng cao/thay đổi/ biến đổi đáng kể nó hay không, hoặc dung lượng phân đoạn mà nghệ sĩ “ học hỏi”. Trên thực tế, việc xác định này không hề dễ dàng. Tòa án Mỹ thường xuyên phải mời các chuyên gia âm nhạc của mỗi loại nhạc: Pop, Blue, Jazz, Souls… để giúp tòa định vị sự vi phạm, nếu có. Ngoài ra, các vụ kiện bản quyền âm nhạc tại Mỹ, đi kèm với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cao ngất ngưởng đang có tác động xấu tới người viết nhạc hoặc đội ngũ viết nhạc bởi sẽ làm họ “sợ”, đồng thời làm giảm “khả năng viết nhạc” và “ sự sáng tạo” của nhạc sĩ/ đội ngũ sản xuất âm nhạc.
Sự phát triển vượt trội của việc phát nhạc trực tuyến trên các nền tảng như Spotify và YouTube, kết hợp với đội ngũ tác giả lớn hơn đứng sau các bài hát nổi tiếng, đã dẫn đến sự gia tăng của các vụ vi phạm bản quyền nổi tiếng trong vài năm qua. Các nghệ sĩ tại các nước phát triển ngày một cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu về quyền tác giả và các vấn đề xung quanh quyền tác giả trong âm nhạc. Các nghệ sĩ Việt Nam càng ngày càng góp mặt đáng kể trên các nền tảng trực tuyến này, để tránh những vụ kiện bản quyền đắt đỏ và mệt mỏi có thể xảy ra, các nghệ sĩ nên chủ động tìm hiểu về quyền tác giả trong sở hữu trí tuệ và xin tư vấn của luật sư SHTT trong quá trình sáng tác, xây dựng, và phát nhạc trực tuyến.
- Bài viết tham khảo bản tin “https://www.reuters.com/legal/litigation/ed-sheeran-must-face-trial-thinking-out-loud-copyright-case-2022-09-29/”.
- Nguồn ảnh: Getty Images and Pexels.
Về tác giả
Min Min
Amy Nguyễn đang lãnh đạo IPGEEKLAB với vai trò CEO, một cơ sở nghiên cứu sở hữu trí tuệ (IP) và cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ 360 độ, với hai đầu cầu ở New York, Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh, Việt Nam. Amy tu nghiệp từ các chương trình IP cao cấp từ Đại học Pennsylvania, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), và Đại học Jagiellonian tại Ba Lan. Amy hiện đóng vai trò cố vấn chính trong Tiểu ban Chuyên gia IP của Ủy ban Pháp luật về Sở Hữu Trí Tuệ của Phụ nữ tại Hiệp hội Luật Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực IP số, tập trung vào khai thác dòng tiền từ IP, thương mại hóa IP và lập kế hoạch chiến lược, Amy là một cố vấn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nhà sản xuất trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, trò chơi điện tử, thương mại điện tử và thời trang cao cấp; cô giúp họ định hướng và bảo vệ quyền sáng tạo và thương mại của họ.