EU ra đề bài khó cho AI
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) – loại hình gây hoang mang cho công chúng toàn thế giới khoảng hơn một năm trở lại đây – không thể thoát khỏi tầm ngắm của Đạo luật Trí tuệ nhân tạo. EU xếp loại hình này vào nhóm hệ thống trí tuệ nhân tạo đa chức năng (general – purpose AI). Theo đó, khi sử dụng bất kỳ nội dung được bảo hộ quyền tác giả nào cũng đều cần có sự cho phép của chủ sở hữu. Và có người mừng, cũng có kẻ lo.
Ngày 13-3-2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua Dự thảo về Quy chế đặt ra các quy tắc hài hòa về trí tuệ nhân tạo (còn được gọi là Đạo luật Trí tuệ nhân tạo) đầu tiên trên thế giới với 523 phiếu thuận, chỉ 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng. Mặc dù vẫn còn giai đoạn đệ trình sang Hội đồng Liên minh châu Âu, dự luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước tiến đáng kể trong tiến trình lập pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Thiết chế về trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của EU được khởi động từ năm 2021 với kỳ vọng kiểm soát các mối hiểm họa từ công nghệ AI đến nhân quyền, pháp quyền, dân chủ; qua đó, thúc đẩy khối EU trở thành lá cờ đầu trong lĩnh vực này.
EU đã ban hành một hệ thống các quy định tương đối toàn diện và bao quát trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là liên quan đến các yếu tố sinh trắc học. Về nguyên tắc, đạo luật trên cấm các ứng dụng AI đe dọa quyền công dân, bao gồm hệ thống phân loại dựa trên các đặc điểm nhạy cảm như chủng tộc, đảng phái, quan điểm chính trị, tôn giáo, khuynh hướng tính dục… Nguyên tắc trên chỉ được miễn trừ trong một số trường hợp thực thi pháp luật như tìm kiếm người mất tích, nạn nhân bị bắt cóc, hay ngăn chặn tội phạm, nguy cơ tấn công khủng bố.
Các hành vi khác cũng bị đưa vào “danh sách đen” có thể kể đến là hoạt động thu thập hình ảnh khuôn mặt không có chủ đích từ Internet, hay camera an ninh để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng; hay ứng dụng AI để chấm điểm, phân loại xã hội gây bất bình đẳng…
Thông qua đạo luật này, một số ứng dụng của AI liên quan đến cơ sở hạ tầng, giáo dục, dịch vụ công, y tế, ngân hàng… có thể bị xem như là nguồn nguy hiểm cao độ do có khả năng gây hại đáng kể đến sức khỏe, an toàn hay các quyền cơ bản của con người. Từ đó, EU yêu cầu phải có báo cáo minh bạch đánh giá và giảm thiểu rủi ro, lưu trữ lịch sử sử dụng; đồng thời, cần có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại phù hợp. Ngoài ra, các nội dung có sử dụng công nghệ deepfakes (giả mạo) cần phải được dán nhãn công khai đến người dùng(1).
Tìm lời giải cho bản quyền
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) – loại hình gây hoang mang cho công chúng toàn thế giới khoảng hơn một năm trở lại đây – dĩ nhiên không thể thoát khỏi tầm ngắm. Trong thời gian qua, nhiều vụ kiện đã nổ ra giữa các nền tảng này với chủ sở hữu quyền tác giả, tiêu biểu như vụ New York Times kiện Microsoft và OpenAI xoay quanh hoạt động của ChatGPT.
Quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu cho “trí tuệ” của ChatGPT cũng như các nền tảng khác không thể tránh khỏi việc thu thập số lượng khổng lồ các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Từ đó, chủ sở hữu quyền cho rằng AI tạo sinh đang sao chép và sử dụng trái phép tác phẩm của họ. Về phía các nhà phát triển AI, họ khẳng định hoạt động này là quyền sử dụng hợp lý (fair use), phù hợp với chế định ngoại lệ của hệ thống bản quyền.
EU xếp loại hình trên vào nhóm hệ thống trí tuệ nhân tạo đa chức năng (general – purpose AI). Theo đó, khi sử dụng bất kỳ nội dung được bảo hộ quyền tác giả nào cũng đều cần có sự cho phép của chủ sở hữu, trừ một số trường hợp ngoại lệ theo Sắc lệnh 2019/790 về bản quyền kỹ thuật số. Ngoại lệ đó cho phép sao chép hoặc trích xuất tác phẩm nhằm mục đích khai phá văn bản và dữ liệu (text and data mining), với một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, chủ sở hữu có thể chọn bảo lưu quyền đối với tác phẩm của mình để ngăn chặn hoạt động nói trên, trừ khi thực hiện vì mục đích nghiên cứu khoa học. Trong trường hợp này, các nhà phát triển AI cần phải được chủ sở hữu cho phép nếu họ muốn thực hiện khai phá văn bản và dữ liệu trên các tác phẩm đó.
Như vậy, tấm lá chắn quyền sử dụng hợp lý có thể sẽ bị gỡ bỏ bởi các chủ thể quyền nếu như họ lựa chọn bảo lưu. Các hệ thống AI đa chức năng phải đáp ứng các yêu cầu nhất định về tính minh bạch, bao gồm việc tuân thủ luật bản quyền của Liên minh Châu Âu và công bố các bản tóm tắt chi tiết về nội dung được sử dụng cho hoạt động huấn luyện AI.
Người mừng, kẻ lo
Sau khi thông qua bởi Nghị viện châu Âu, dự thảo luật đã nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Người phát ngôn của Amazon tuyên bố ủng hộ đạo luật, đồng thời “cam kết hợp tác với Liên minh EU và toàn ngành công nghiệp nhằm hỗ trợ việc phát triển công nghệ AI an toàn, bảo mật và có trách nhiệm”. Trong khi đó, công ty mẹ của Facebook là Meta lại lo ngại về sự can thiệp quá mức sẽ ảnh hưởng tới “tiềm năng to lớn của AI đối với thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở châu Âu, mà sự thông thoáng (về hành lang pháp lý) chính là chìa khóa”(2).
Đại diện Hiệp hội công nghiệp máy tính và truyền thông châu ÂU (CCIA) đánh giá đạo luật mới được thông qua quá vội vàng, thiết lập các nghĩa vụ nghiêm ngặt lên nhà phát triển AI, có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám nhân tài trong lĩnh vực này(3).
Bất chấp việc có nhiều quan điểm trái chiều, đạo luật toàn diện về trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới đã ở rất gần với việc thực thi. Các tác động to lớn của AI lên nền kinh tế, cũng như xã hội toàn cầu là không thể phủ nhận. Vì vậy, việc luật hóa trí tuệ nhân tạo là điều tất yếu. Cả thế giới sẽ cùng dõi theo “canh bạc” này của Liên minh châu Âu.
(1) https://artificialintelligenceact.eu/high-level-summary/