GI – Chỉ dẫn địa lí: tâm sự ngọn hải đăng
Ngoài nhãn hiệu và quyền tác giả, em thấy Chỉ dẫn địa lý/GI cũng là một chủ đề được nhóm mình rất quan tâm. Em cũng từng có gần 03 năm tham gia các dự án đăng ký Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận, Chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương nên có rút ra được một số vấn đề bất cập của hoạt động đăng ký, quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam như sau:
-
Rất nhiều người tiêu dùng lẫn người sản xuất còn bị nhầm lẫn giữa truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Khi nghe đến chỉ dẫn địa lý, họ chỉ nghĩ đơn thuần là thông tin chỉ dẫn thương mại về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm chứ không nghĩ đến việc phải bảo hộ hay phải đăng ký để sử dụng. Cũng chính tâm lý này mà khi hỏi một chủ doanh nghiệp sản xuất hạt điều ở Bình Phước rằng anh đã đăng ký sử dụng CDĐL Hạt điều Bình Phước chưa, anh này liền tự tin khẳng định là có và chỉ tay vào dòng chữ địa chỉ với chữ “tỉnh Bình Phước”.
-
Doanh nghiệp gặp nhiều bối rối khi sử dụng CDĐL cùng với nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp, chưa kể nhiều doanh nghiệp còn có nhãn hiệu riêng cho từng dòng sản phẩm. Rồi còn các thể loại nhãn hiệu chứng nhận về chất lượng của VN, của Mỹ, của EU, của Nhật, chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, rồi Vietnam Value, rồi nhãn hiệu chứng nhận của từng ngành hàng cùng hàng hà sa số dấu hiệu khác cùng xuất hiện trên bao bì sản phẩm. Cái gì nhiều quá cũng không tốt!
-
Đặc thù tư duy của cơ quan quản lý ảnh hưởng đến quá trình đăng ký và quản lý. Điều khác biệt với các đối tượng SHCN khác như nhãn hiệu, KDCN hay sáng chế là CDĐL ở Việt Nam hầu như do cơ quan nhà nước quản lý (như Sở KHCN, Sở NN&PTNT, UBND các cấp…), nhưng đối tượng sử dụng lại doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa những gì thể hiện trên văn bản và những gì diễn ra trên thực tế. Rồi nảy sinh thêm tình trạng xin – cho như một thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý CDĐL với doanh nghiệp. Một chức năng dân sự đã vô tình được giao cho những tổ chức có chức năng quản lý hành chính.
-
Tâm lý thi đua giữa các địa phương. Địa phương nào cũng tự hào mình có sản vật này, món ngon nọ nên nếu tỉnh bạn đăng ký thành công CDĐL thì tỉnh mình cũng phải có CDĐL. Điều này đôi khi dẫn đến việc nóng vội khi lập hồ sơ đăng ký, chọn sản phẩm không phù hợp, không có phương án quản lý hiệu quả. Cuối cùng, VBBH nhận về thì được báo cáo hoành tráng sau đó cất vào tủ.
Chính vì vậy, việc tạo ra một biểu trưng chung cho GI Việt Nam là một giải pháp hay nhưng để nó phát huy tác dụng trên thực tế lại phụ thuộc quá nhiều vào tư duy, nhận thức của cơ quan quản lý. Trong khi đối tượng trực tiếp làm ra sản phẩm và đối tượng trực tiếp sử dụng sản phẩm lại còn quá mù mờ về GI.
Tự nhiên em thấy hơi buồn vì GI là một công cụ rất hiệu quả để một nước có nhiều thế mạnh về nông nghiệp như VN có thể vận dụng trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm trên thị trường :(((
—
Một vài dòng đánh vội khi lướt ngang thấy tin này trên trang chủ của Cục SHTT ạ!
- Tác giả: Hải Đăng, Author tại page chia sẻ kiến thức “Trạm Đèn“, có trải nghiệm hơn 5 năm trong lĩnh vực IP ở các tỉnh phía Nam, tập trung vào nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
- Ảnh minh họa: Facebook Hải Đăng và Pixelimage.com
- © All rights reserved.*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
Về tác giả
Theo dõi
Đăng nhập
0 Comments