Sàn thương mại điện tử và nhãn hiệu theo pháp luật EU: Tuy rằng có bến, thuyền không dễ về

“Thuyền không bến, thuyền mãi lênh đênh…”. Đó là câu hát trending trong một ca khúc triệu view thời gian gần đây khi nói về sự mông lung vô định của tình yêu đôi lứa. Nhưng hóa ra những dở dang đấy cũng chưa là gì khi so với nỗi trớ trêu của ISP và sàn giao dịch thương mại điện tử giữa mối quan hệ phức tạp với quyền sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ, thà không bến thì đã đành, sàn thương mại điện tử dù có một “bến an toàn” trước nạn xâm phạm nhãn hiệu, không phải lúc nào họ cũng có thể dễ dàng cập bến trú ẩn.

1. Bến an toàn (safe harbour): Cơ chế miễn trách nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử

Cơ chế miễn trách nhiệm dành cho nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người dùng lần đầu tiên được ghi nhận trong Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số năm 1998 của Hoa Kỳ, nhưng chỉ áp dụng cho quyền tác giả. Sau đó, cơ chế này đã được kế thừa và phát triển thành một nguyên tắc chung ở nhiều quốc gia phát triển khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU). Cơ chế này đã tỏ ra vô cùng cần thiết cho sự tự do lưu thông của thông tin và hàng hóa trên môi trường Internet, nơi các ISP được xem là trung tâm luân chuyển và vận hành.[1]

Năm 2000, Liên minh châu Âu đã thiết lập cơ chế miễn trách nhiệm dành cho ISP thông qua Sắc lệnh về Thương mại điện tử 2000/31/EC. Sắc lệnh này không chỉ giới hạn việc miễn trách nhiệm đối với quyền tác giả, mà còn mở rộng ra các quyền sở hữu trí tuệ khác bao gồm nhãn hiệu.[2] Theo đó, một nhà cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng đặc quyền miễn trách nhiệm đối với hành vi của bên thứ ba nếu ISP: (1) hoạt động như là một đường dẫn thuần túy (mere conduit), hoặc (2) lưu trữ tạm thời trên hệ thống (caching), hoặc (3) lưu trữ trên máy chủ (hosting). Trong tất cả các trường hợp kể trên, ISP không có nghĩa vụ phải giám sát thông tin hay nội dung được truyền tải trên nền tảng của mình.[3] Các hoạt động cơ bản của một sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ xếp vào nhóm hosting, do đó sẽ được hưởng đặc quyền miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu của người dùng. [4] Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử tự mình thực hiện hoạt động bán hàng, khi đó họ không còn giữ chức năng trung gian thuần túy nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế trên.

Mặt khác, sàn giao dịch thương mại điện tử nói riêng và ISP nói chung không đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm. Quyền miễn trừ chỉ phát sinh nếu sàn giao dịch không biết về hoạt động hoặc thông tin bất hợp pháp đang diễn ra trên nền tảng; đồng thời, họ phải nhanh chóng gỡ bỏ, hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung ngay khi phát hiện ra (tự mình phát hiện hoặc thông qua khiếu nại của bên liên quan).[5] Các nghĩa vụ của sàn giao dịch thương mại điện tử để được hưởng quyền miễn trừ phần nào được giải thích sáng tỏ hơn thông qua vụ kiện nổi tiếng giữa hãng mỹ phẩm cao cấp L’Oreal và sàn giao dịch toàn cầu eBay.

Năm 2007, L’Oreal gửi đơn kiến nghị yêu cầu eBay giải quyết tình trạng mua bán trái phép sản phẩm mang nhãn hiệu của hãng này diễn ra trên sàn eBay. Mặc dù eBay đã tiến hành một số động thái khắc phục, nhưng LOreal cho rằng chưa thỏa đáng và khởi kiện eBay cùng một số nhà bán hàng trên eBay ra Tòa Tối thượng Công lý Vương quốc Anh. Tháng 5/2019, Tòa Tối thượng Công lý nhận định rằng eBay không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu do người dùng thực hiện, nhưng vẫn yêu cầu eBay phải hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn vi phạm tiếp tục diễn ra. Đồng thời, khi vụ kiện được tham vấn Tòa án công lý châu Âu (CJEU), Tòa này còn hướng dẫn rằng sàn thương mại điện tử hoặc phải tự mình giải quyết vấn đề xâm phạm, hoặc phải cung cấp công cụ cần thiết cho chủ sở hữu quyền can thiệp. Sàn thương mại điện tử cần hành động tích cực không chỉ để chấm dứt hành vi xâm phạm, mà còn để ngăn ngừa hành vi đó tiếp tục tái diễn.[6] eBay vẫn thắng kiện, không chỉ ở Anh, mà còn trong vụ kiện tương tự ở Bỉ. Nhưng chính L’Oreal cũng tuyên bố đã giành được những kết quả tích cực. Trên cơ sở hướng dẫn của Tòa CJEU, các sàn thương mại điện tử giờ đây không còn có thể núp sau danh nghĩa máy chủ trung gian để trốn tránh trách nhiệm đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu của người bán. Tòa Tối thượng Vương quốc Anh cũng yêu cầu eBay tiết lộ danh tính và địa chỉ người bán, đồng thời phải có cơ chế giải quyết khiếu nại từ người dùng, đặc biệt là chủ sở hữu nhãn hiệu.[7] Như vậy, vụ kiện đã buộc các sàn thương mại điện tử phải siết chặt quản lý hoạt động của người bán hàng trên nền tảng của mình.

2. Tuy rằng có bến, thuyền không dễ về…

Việc kiểm soát và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử là không hề đơn giản. Những lý do chính yếu là số lượng người bán quá lớn, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, dễ dàng chấm dứt hoạt động mua bán, ẩn danh để trốn tránh trách nhiệm. Cũng vì vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm thường không có động lực theo đuổi các vụ kiện kéo dài và tốn kém khi bên chịu trách nhiệm không đủ khả năng bồi thường tương xứng. Nhằm giải quyết chướng ngại đó, hệ thống thông luật đã vận dụng đến cơ chế trách nhiệm thứ cấp (secondary liability) trong luật bồi thường thiệt hại (tort law) để áp đặt trách nhiệm lên một chủ thể nhiều tiềm lực hơn là sàn giao dịch thương mại điện tử. Trách nhiệm thứ cấp được áp dụng đối với chủ thể không trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm hay gây ra thiệt hại. Trách nhiệm thứ cấp được áp dụng đối với chủ thể không trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm hay gây ra thiệt hại, trong phạm vi bài viết này là các ISP. Dưới góc độ kinh tế, việc buộc các bên trung gian phải chịu trách nhiệm cũng được xem là hợp lý. ISP là chủ thể có thẩm quyền tốt nhất, cả về mặt kỹ thuật, để ngăn chặn cũng như kiểm soát hành vi xâm phạm đã diễn ra hoặc nguy cơ diễn ra trong tương lai. Dịch chuyển một phần trách nhiệm sang cho ISP giúp tối ưu hóa hiệu suất kinh tế.[8]

Trên cơ sở phán quyết có lợi cho ISP của tòa CJEU trong vụ L’Oreal v. eBay, chế định trách nhiệm thứ cấp không dễ để áp đặt cho các sàn giao dịch thương mại điện tử. Năm 2014, Coty Germany phát hiện sản phẩm không được phép nhập khẩu song song mang nhãn hiệu “Davidoff” của mình được bán trên nền tảng trực tuyến Amazon. Coty Germany quyết định khởi kiện sàn Amazon vì cho rằng sàn này đã có các tác động tích cực và trực tiếp hơn đến hành vi xâm phạm so với vụ eBay nói trên. Cụ thể, phía bị đơn Amazon đã lưu trữ hàng hóa xâm phạm tại kho tập trung của mình, đồng thời đại diện cho người bán giao hàng cho bên vận chuyển. Tuy nhiên, tòa CJEU cho rằng việc tiếp nhận lưu trữ hàng hóa tại kho tập trung là chưa đủ để kết luận về mức độ nhận thức của Amazon đối với hành vi xâm phạm. Cần lưu ý thêm rằng, trong vụ này, hàng hóa được bán ra không phải là giả mạo nhãn hiệu, mà là sản phẩm chính hãng nhưng không được phép nhập khẩu song song vào thị trường châu Âu. Do vậy, Amazon chỉ bị truy cứu trách nhiệm nếu là bên trực tiếp bán hàng hóa ra thị trường.[9] Phán quyết trên một lần nữa củng cố quan điểm của EU về cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tuy vậy, một số tòa án quốc gia đã có cách tiếp cận khắt khe hơn dành cho chủ thể trung gian này, tiêu biểu là Pháp. Cũng trong vụ L’Oreal v. eBay được xét xử tại Pháp, Tòa cho rằng eBay có vai trò chủ động (active) dẫn tới hành vi xâm phạm, và nghĩa vụ của họ là phải đảm bảo hoạt động của nền tảng mình không phương hại đến quyền lợi của bất kỳ bên thứ ba nào cũng như tích cực hợp tác với chủ sở hữu quyền để hạn chế hành vi xâm phạm. eBay thất bại trong thực hiện các nghĩa vụ trên nên bị phán quyết phải chịu trách nhiệm đóng góp.[10] Trước đó, vào năm 2008, eBay cũng bị Tòa án Pháp xử thua trong các vụ kiện tương tự trước Hermes International (bồi thường 20,000 EUR) và LVMH – Louis Vutton (bồi thường 36,8 triệu EUR). Thế nhưng các vụ kiện trên đều được xét xử trước khi có quan điểm chính thức của Tòa CJEU. Trong vụ LVMH v. eBay, phán quyết phúc thẩm được tuyên tháng 3 năm 2012, gần một năm sau phán quyết của Tòa CJEU, mức bồi thường đã được giảm xuống chỉ còn 5,7 triệu EUR.[11]

Gần đây nhất, một thành viên EU khác là Hà Lan đã thiết lập một cách tiếp cận vẫn khắt khe với ISP nhưng có phần thận trọng hơn. PVH Europe là công ty quản lý các nhãn hiệu hàng đầu, như Tommy Hilfiger hay Calvin Klein, phát hiện ra rất nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của họ được quảng cáo có phí qua hệ thống của Facebook. Trong khi đó, chính sách quảng cáo của Facebook công bố rõ họ sẽ xem xét kỹ càng các quảng cáo nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật liên quan, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ. Theo yêu cầu của PVH Europe, tháng 12/2018, Tòa án Armsterdam ra một phán quyết lâm thời buộc Facebook phải tiến hành các biện pháp phù hợp hơn để ngăn chặn tình trạng nói trên. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo hàng giả mạo vẫn tiếp diễn bất chấp Facebook nhiều lần gỡ bỏ khiến PVH Europe một lần nữa đưa vụ việc ra tòa. Lần này, Facebook bị phạt 730,000 EUR, đồng thời còn bị áp đặt một mức phạt lên đến 4,000,000 EUR nếu tiếp tục tái phạm.[12] Trong vụ việc kể trên, Facebook không chỉ là mạng xã hội thuần túy, mà còn thực hiện các chức năng của một sàn giao dịch thương mại điện tử.[13] Có thể thấy, tòa án Hà Lan rất tôn trọng cơ chế miễn trách nhiệm dành cho sàn giao dịch thương mại điện tử; tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng áp đặt chế tài nếu tình trạng xâm phạm không được khắc phục.


  • Bài viết toàn văn được đăng trên Kỷ yếu hội thảo “Pháp luật về sở hữu trí tuệ trong môi trường số tại Việt Nam” do Trường Đại học Đà Lạt tổ chức, tháng 11/2022.
  • Photo by Dawn McDonald on Unsplash

[1] Xem thêm: Nguyễn Lương Sỹ, Nguyễn Thị Lan Anh (2021), Vụ VNG kiện TikTok: kinh nghiệm cho Việt Nam từ cơ chế ‘Safe harbour’ của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và New Zealand (lapphap.vn)

[2] Directive 2000/31/EC on electronic commerce

[3] Article 14, Directive 2000/31/EC on electronic commerce

[4] Simon Stokes, Digital copyright: law and practice, Oxford, UK, 5th ed., 2019, p.62.

[5] Article 14.3, Directive 2000/31/EC on electronic commerce

[6] Rachel Montagnon, Joel Smith, L’Oreal v. eBay: Good news for brand owners, https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/9-507-0026?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)&firstPage=true, truy cập lần cuối 01/11/2022.

[7] eBay wins L’Oreal UK court case, http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/8064066.stm truy cập lần cuối 01/11/2022.

[8] James L.Bikoff and others (2019), Contributory Trade Mark Infringement Liability: A Comparison of US and EU Law, Journal of Intellectual Property Law & Practice, Vol.14, Issue 11, p.842.

[9] Constantin Eikel, Eleonora Rosati, https://www.twobirds.com/insights/2020/global/cjeu-decision-in-coty truy cập lần cuối 01/11/2022.

[10] Beatrice Martinet, Reinhard J.Oertl (2015), Liability of E-Commerce Platforms for Copyright and Trademark Infringement: A World Tour, Landslide by the American Bar Association, Vol.7, No.5

[11] Beatrice Martinet, Reinhard J.Oertl (2015), tlđd.

[12] James L. Bikoff and others, tlđd, tr.7.

[13] Trên thực tế, nền tảng Facebook còn có phân mục Market Place với chức năng của một sàn giao dịch thương mại điện tử hoàn chỉnh.

Về tác giả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post Tổng thuật Webinar ngày 27/11/2022: “VÁN BÀI XÌ DÁCH TRONG TRADEMARK: LÁ BÀI MADRID HAY CÁC LÁ BÀI QUỐC TẾ KHÁC”
Next post Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine: “Bình mới rượu nhạt”?
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x