Bình luận điểm mới của luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật SHTT thông qua ngày 16/6/2022

  • Bài dự thi IP LOVER – ESSAY COMPETITION 2022
  • Tác giả: La Nhật Duy
Những thay đổi …
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT 2022 đã được thông qua gần một năm dự thảo và lấy ý kiến. Mục tiêu của việc sửa đổi là để pháp luật trong nước tương thích với những Hiệp định thương mại quốc tế. Tuy nhiên, chắc vì thời gian gấp rút nên Luật SHTT 2022 đã mắc phải một số lỗi kỹ thuật thật ba chấm. Mặc dù những lỗi kỹ thuật này có thể sẽ không gây tác hại nghiêm trọng, nhưng nó cũng có thể gây ra những khó khăn nhất định trong việc đọc, phổ biến và áp dụng pháp luật (trong khi Luật SHTT đã sẵn là một lĩnh vực mới và khó thì với những thiếu sót trên độ khó của Luật chắc sẽ còn tăng cao hơn nữa). Tuy những nội dung này nằm rải rác nhiều nơi trong Luật SHTT 2022, nhưng trong phạm vi của một bài viết ngắn mình sẽ chỉ nói đến hai nội dung dễ thấy trong phần quyền tác giả như sau:
1. Quy định tại khoản 10 Điều 4 về khái niệm sao chép
Khoản 10 Điều 4 Luật SHTT 2022 quy định sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. So với quy định hiện hành, quy định mới đã bỏ đi đoạn “bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử” và thay thế đoạn “tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm” bằng đoạn “tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm”.
Đồng thời với việc sửa đổi khái niệm sao chép, Luật SHTT 2022 cũng tiếp tục sửa đổi nội dung quyền sao chép tại điểm c khoản 1 Điều 20. Cụ thể, Luật SHTT 2022 đã quy định quyền tài sản bao gồm: sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
Như vậy, khi kết hợp hai sửa đổi trên thì điểm c khoản 1 Điều 20 Luật SHTT 2022 có thể được đọc lại như sau: Quyền tài sản bao gồm: Tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này!
Như vậy, ta có thể thấy quy định trên đã mắc phải lỗi kỹ thuật khi lập lại hai lần đối với một nội dung giống nhau (toàn bộ hoặc một phần, bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào). Hay có lẽ ý định của nhà làm luật là điều quan trọng phải được nói hai lần ?
Vấn đề cũng tương tự cho khái niệm quyền sao chép của người biểu diễn quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29, của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30, của tổ chức phát sóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật SHTT 2022.
Ngoài ra, khái niệm về phát sóng, truyền đạt đến công chúng quy định tại khoản 11, 11a Điều 4 và quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 cũng có tình trạng tương tự (nội dung bị trùng lắp là “bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác”). Điều thú vị là các quy định về quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình và bản định hình cuộc phát sóng quy định tại điểm e khoản 3 Điều 29 và điểm d khoản 1 Điều 30 Luật SHTT 2022 không mắc phải lỗi lặp từ này.
2. Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 về quyền sao chép tạm thời
Điểm a khoản 3 Điều 20 Luật SHTT 2022 đã bổ sung quy định để giới hạn quyền sao chép của chủ sở hữu ở việc sao chép tạm thời. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây: sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại.
Đoạn văn trên thật rối rắm, không rõ động từ, đối tượng của câu là gì. Nội dung “sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại” có phải là một giới hạn của quyền sao chép hay không, hay nó phải gắn liền với việc sao chép tạm thời. Nội dung “không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại” là quy định bắt buộc của sao chép tạm thời hay là nội dung chỉ gắn liền với việc sử dụng hợp pháp tác phẩm? Đâu sẽ là cách đọc đúng điều luật này?
Theo khoản 2 Điều 12.14 thuộc Chương 12 Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam – EU (EVFTA), quy định về các giới hạn và ngoại lệ của quyền tác giả, quyền liên quan có quy định rằng:
“Mỗi Bên phải quy định rằng các hành vi sao chép nêu tại các Điều từ 12.6 (Tác giả) đến 12.10 (Phát sóng và truyền đạt tới công chúng), nếu tạm thời hoặc ngẫu nhiên và là một phần thiết yếu không thể tách rời của một quy trình công nghệ và mục đích duy nhất là để cho phép:
(a) việc truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua một trung gian; hoặc
(b) việc sử dụng hợp pháp,
đối với tác phẩm hoặc đối tượng được bảo hộ khác và hành vi đó không có mục đích kinh tế độc lập, phải được miễn trừ quyền sao chép quy định tại các Điều từ 12.6 (Tác giả) đến 12.10 (Phát sóng và truyền đạt tới công chúng).”
Vì là một bên tham gia hiệp định, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ quy định nêu trên. Nếu so sánh nội dung, sẽ không khó để chúng ta có thể nhận ra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 là một quy định nội luật hóa Điều 12.14 của Hiệp định EVFTA. Như vậy, quy định về sao chép tạm thời quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 sẽ nên đọc như sau:
“Sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để:
(a) truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc
(b) sử dụng hợp pháp tác phẩm,
không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại.”
Ngoài quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20, cách đọc hiểu nói trên còn có thể áp dụng tương tự cho các quy định về giới hạn của quyền liên quan quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29, điểm a khoản 3 Điều 30 và điểm a khoản 3 Điều 31 Luật SHTT 2022.

Về tác giả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post Bình luận về câu nói: “It might be possible to treat an AI system as an inventor, but it would never be appropriate to treat such a system as an author.”
Next post Chủ đề: It might be possible to treat an AI system as an inventor, but it would never be appropriate to treat such a system as an author
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x