- Bài dự thi IP LOVERS – ESSAY COMPETITION 2022
- Tác giả: Nguyễn Thanh Anh
Nhân đọc bài viết “Tư cách tác giả của AI trong việc tạo ra sáng chế và tác phẩm” của anh/bạn Nguyễn Trần Hải Đăng trong group, cũng như từ một số bình luận của các anh chị, mình nhận thấy vấn đề vẫn chưa được thỏa mãn lắm nên mạn phép làm bài viết này, trước là để trao đổi, chia sẻ quan điểm và kiến thức, sau là để tham dự cuộc thi của group cho vui.
1. Sự đóng góp trong quá trình sáng tạo?
Theo đó, trong bài viết của bạn Đăng, AI không nên được xem là nhà phát minh (inventor) độc lập cũng như là tác giả (author) vì “AI chưa thể làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo mà không có sự tham gia của con người”, hay nói theo cách khác là việc sáng tạo của AI chỉ là “cánh tay nối dài, là bộ não mở rộng một cách vô tận của con người” (còn lý do của việc này là bởi vì chỉ có con người mới có được năng lực đồng cảm, thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tượng sáng tạo). Tuy nhiên, theo mình thì đây không phải là một yếu tố quyết định của vấn đề.
Bởi lẽ, nguyên tắc của luật sở hữu trí tuệ (của các nước và cả Việt Nam) thừa nhận rằng nhà phát minh hoặc tác giả vẫn có thể là người làm công (bao gồm người lao động và người được thuê làm dịch vụ), tức họ phải thực hiện việc nghiên cứu, sáng tạo của mình trong khuôn khổ và định hướng mà người chủ thuê đề ra. Nói theo cách khác, trong một số trường hợp nhất định mà phổ biến hơn cả là trường hợp nghiên cứu để tạo ra sáng chế, chính các tác giả và nhà phát minh đều không hoàn toàn làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo. Đồng thời, ở chiều ngược lại là, người cung cấp các thông tin làm nên cái sườn của tác phẩm (the basis of the work) [1]; hay đóng góp vào các cuộc tham vấn trước hoặc sau khi hình thành sáng chế cũng không được xem là tác giả/nhà phát minh[2].
Nhưng câu hỏi được đặc ra là: vậy thì đâu là tiêu chuẩn để xác định một tác giả hay nhà phát minh?
Vấn đề còn tùy thuộc vào phép thử của các nền tài phán khác nhau, nhưng nếu tạm quy nạp các phép thử thì chung quy đều hướng về cách xem thử người đã trực tiếp làm ra tác phẩm/nhà phát minh đã có sự tự do lựa chọn của mình trong quá trình sáng tạo hay không. Nghĩa là họ đã có không gian tự do để sử dụng sử dụng khả năng tư duy; kỹ năng và sự suy xét của mình (skill & judgment) nhằm làm ra tác phẩm/sáng chế hay không. Nếu có, họ sẽ là tác giả/nhà phát minh và ngược lại.
Vậy thì, rõ ràng việc AI cần có thông tin đầu vào không đồng nghĩa với việc AI không thể được công nhận là nhà phát minh/tác giả. Thực chất vấn đề phải là, liệu AI đã có đủ không gian sáng tạo và nó đã thực sự đã thực hiện việc lựa chọn ra một trong số những phương án khả dĩ hay không? Đây là một vấn đề mà mình nghĩ là thuộc về mặt sự kiện thực tế mà các kỹ sư công nghệ mới có thể xác định được, và vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều[3].
Tóm lại, nếu chỉ dựa vào nguồn dữ liệu thông tin nguyên liệu đầu vào thì chưa đủ để khẳng định vấn đề. Tương tự, việc AI có được năng lực đồng cảm, thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tượng sáng tạo hay không cũng không phải là yếu tố quyết định, ít nhất là trong các phép thử về khả năng bảo hộ tác phẩm/ sáng chế.
2. Vấn đề tư cách con người?
Vấn đề khác cũng thường được đề cập là: vì AI chưa có tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật – hay tư cách con người (person), nên chưa thể công nhận AI là nhà phát minh/tác giả. Tuy nhiên, lập luận này cũng không hẳn mang tính quyết định trong trường hợp sáng chế. Vì AI hiện tại thường được xem là “một công cụ” của một chủ thể nhất định nên để đơn giản, mình chỉ xét đến trường hợp tác phẩm/ sáng chế được làm ra trong khuôn khổ của một hợp đồng lao động[4].
Theo đó, việc công nhận tư cách con người hay chủ thể của quan hệ pháp luật gắn liền với một hệ quả quan trọng là việc công nhận cho “đối tượng” ấy các quyền và nghĩa vụ độc lập (và tách biệt khỏi chủ thể sở hữu nó, nếu có). Trong khi đó, nhà phát minh và tác giả là những người có quyền lợi nhất định đối với sáng chế và tác phẩm của mình, ngay cả khi quyền khai thác chúng thuộc về người chủ thuê.
Ở đây cần phải tách biệt trường hợp nhà phát minh và tác giả. Đối với tác giả, đa số hệ thống pháp luật đều thừa nhận cho tác giả ít nhất hai quyền nhân thân tuyệt đối và bất khả xâm phạm là quyền được công nhận là tác giả (được thể hiện qua quyền được nêu tên trong Luật VN) và quyền bảo vệ sự toàn vẹn (ở Hoa kỳ, quyền nhân thân của tác giả chỉ được công nhận cho một số loại hình tác phẩm). Tương tự, đối với nhà phát minh thì luật các nước (như Anh và Việt Nam) cũng thừa nhận cho họ quyền được nêu tên (Luật Việt Nam xem đây là một quyền nhân thân) và quyền hưởng thù lao (hoặc lương). Tuy nhiên, quyền hưởng thù lao ở đây chỉ là một nguyên tắc của luật và các bên có thể tự do thỏa thuận khác. Vậy thì chung quy lại, nhà phát minh chỉ có mỗi quyền được nêu tên để “làm của”.
Ta có thể dễ dàng nhận thấy, sẽ không có nhiều trở ngại và khó khăn cho việc gọi tên AI như là một nhà phát minh (thậm chí là tác giả). Và nếu vấn đề chỉ xoay quanh việc công nhận cho AI là nhà phát minh/tác giả thì việc này cũng đồng thời phải đi liền với công nhận cho AI tư cách chủ thể vì Luật chỉ cần áp đặt nghĩa vụ đề tên AI khi sáng chế/ tác phẩm được sử dụng. Vấn đề chỉ khác đi trong phạm vi quyền nhân thân của tác giả, vì ngoài quyền được nêu tên, tác giả còn một quyền nhân thân khác. Tuy nhiên, để công nhận cho AI quyền được bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm thì chắc chắn là một vấn đề có thể gây tranh cãi, ít nhất là ở chỗ làm sao xác định được tiêu chí “sự cắt xén, sửa chữa tác phẩm làm tổn hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Tóm lại, dưới góc độ hệ quả pháp luật, việc công nhận cho AI tư cách của một nhà phát minh sẽ không đồng nghĩa với việc phải trao tư cách chủ thể cho AI, cũng như không đem đến nhiều hậu quả, thay đổi đáng kể so với việc công nhận AI là một tác giả. Cũng chính tại điểm này mà mình đã nhận thấy rằng câu nói chủ đề của bài viết cũng có phần là hợp lý, rằng AI cũng có thể được công nhận là một nhà phát minh hơn là một tác giả.
3. Vấn đề mục đích bảo hộ?
Theo mình thấy, việc xem xét mục đích bảo hộ dựa trên các học thuyết cũng có thể làm sáng tỏ một phần vấn đề. Thực tế mà nói, ở mỗi hệ thống pháp luật khác nhau, người ta đều dựa theo những học thuyết nhất định, vì lý do lịch sử, bối cảnh xã hội và tư duy pháp lý đặc thù. Như Luật Hoa kỳ, dựa theo quy định của Hiến Pháp[5], thì có thể phần nào suy đoán được pháp luật SHTT của họ được xây dựng dựa trên học thuyết khuyến khích. Hoặc theo Luật của Pháp nơi Điều L-111 Bộ luật SHTT đã long trọng tuyên bố rằng tác giả có một quyền sở hữu vô hình đối với tác phẩm chỉ bằng việc sáng tạo ra nó, đã thể hiện tư tưởng quyền tự nhiên hình thành bởi sự lao động trong lý thuyết của John Locke.
Tuy nhiên, một mặt vấn đề này có vẻ không mấy trọng lượng ở Việt Nam, nơi mà không học thuyết nào mạnh hơn quan điểm chính sách của nhà nước – vì nhận thức rằng luật chính là ý chí của giai cấp thống trị cơ mà.
Mặt khác, các học thuyết cũng không đóng vai trò tuyệt đối vì nhà lập pháp luôn có thể thay đổi quan niệm hay tạo ra ngoại lệ. Điển hình như việc xem các pháp nhân như là tác giả nữa mặc dù pháp nhân không thể trực tiếp suy nghĩ và tư duy. Ví dụ như tác giả một bộ phim được Luật của Anh xem là nhà sản xuất[6]. Ngoại lệ này làm cho ta thấy rằng nhà lập pháp vẫn có thể công nhận việc một đối tượng không trực tiếp thực hiện hoạt động sáng tạo vẫn có thể được xem là tác giả.
Vậy thì rốt cuộc, theo mình nghĩ chính quan điểm lập pháp, mục tiêu chính sách mới là vấn đề chính yếu quyết định, các vấn đề học thuyết, hệ quả pháp luật chỉ là một trong các tiêu chí nhằm làm rõ cách tiếp cận chứ không phải là điểm mấu chốt./.
- Nguồn ảnh: Lấy từ trang: https://www.reddit. com/r/comics/comments/94m70b/philosibear/.
[1]David I Bainbridge, Intellectual Property, 1st edition, Pitman Publishing, 1992, p.58.
[2] Patrick G. Gattari, Determining Inventorship for US Patent Applications, Intellectual Property & Technology Law Journal, Volume 17, 2005, p.16.
[3] Như bạn Min Min có đề cập trong phần bình luận bài viết của bạn Đăng, thì theo tác giả John Searle thì đây chỉ là một “logical results” – tức không thể hoặc ít có sự sáng tạo; nhưng theo một công trình nghiên cứu khác như bạn Nguyễn Thái Hải Lâm có dẫn thì vấn đề vẫn có khả năng khác.
[4] Thực chất khi công nhận tư cách chủ thể của AI thì vấn đề khác lại bật ra là khi đó AI đã trở thành một chủ thể độc lập và không thuộc sở hữu của bất kỳ ai, khi đó lý do nào để coi AI là người lao động cũng là một vấn đề khó khăn.
[5] Section 8, clause 8, Article 1
[6] Section 9(2)(b) the Copyright, Designs and Patent Act 1988