Chủ đề: “The trademark acquires a life of its own, making a statement […] about quality, reputation and even, in certain cases, a way of seeing life”’ Arsenal Football Club plc v Reed Case C206/01[ECR] I-10273.
- Bài dự thi IP LOVERS – ESSAY COMPETITION 2022
- Tác giả: Ngo Thi Quynh
I. Dẫn nhập: Trong phạm vi giới hạn của bài viết, em xin phép chỉ phân tích (i) các chức năng của nhãn hiệu theo nhận định của Ruiz-Jarabo Colomer trong vụ việc giữa Arsenal Football Club plc và Reed. cũng như (ii) một số liên hệ về nhãn hiệu và các chức năng của nhãn hiệu theo pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam.
“Nhãn hiệu có cuộc đời của riêng nó, khẳng định […] chất lượng, danh tiếng và thậm chí phản ánh cả câu chuyện (về vòng đời nhãn hiệu và chủ sở hữu nhãn hiệu) trong đó.”
Em hiểu rằng nhận định trên nêu ra các chức năng cơ bản của nhãn hiệu và đặc biệt là các nhãn hiệu đã đạt được danh tiếng nhất định với người tiêu dùng, bao gồm các chức năng: (i) Phân biệt sản phẩm/dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và (ii) Khẳng định chất lượng sản phẩm cũng như danh tiếng và uy tín của chủ sở hữu nhãn hiệu.
1. Chức năng phân biệt sản phẩm/dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau
Đây được xem là chức năng nguyên thủy và cơ bản của nhãn hiệu, cũng được quy định là định nghĩa thống nhất về nhãn hiệu trong luật nhãn hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm tại Việt Nam: Theo Điều 4.16 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (“Luật SHTT”), “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Các nhãn hiệu đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện từ thời cổ đại (tuy rằng chưa có hệ thống pháp luật và các cơ quan đăng ký cụ thể), nhưng các nhãn hiệu đã thực hiện được chức năng phân biệt sản phẩm/dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, khoảng 3000 năm trước, các thợ thủ công Ấn Độ đã sử dụng các chữ ký khắc trên các sản phẩm nghệ thuật của mình để chỉ ra nguồn gốc sản phẩm (từ thợ thủ công Ấn Độ) trước khi xuất sang Iran. [1]
Tuy đã xuất hiện, hình thành và bắt đầu thực hiện chức năng phân biệt từ lâu, nhãn hiệu thực sự đóng vai trò quan trọng kể từ sau các mạng công nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế thị trường tự do. Ở đó, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích sản xuất và cạnh tranh để cung cấp cho người tiêu dùng đa dạng các sản phẩm và dịch vụ trong cùng phân khúc, và lúc đó, các nhãn hiệu thực hiện chức năng phân biệt sản phẩm, dịch vụ một cách triệt để.
Đến nay, nhãn hiệu đã bổ sung cho mình rất nhiều các chức năng khác bên cạnh chức năng ban đầu, bao gồm nhưng không giới hạn tại chức năng khẳng định chất lượng sản phẩm/dịch vụ, chức năng quảng cáo sản phẩm/dịch vụ, chức năng đầu tư, chức năng tương tác với người tiêu dùng, chức năng biểu lộ câu chuyện về nhãn hiệu và chủ sở hữu nhãn hiệu, v.v. [2]
2. Chức năng khẳng định chất lượng sản phẩm cũng như khẳng định danh tiếng và uy tín của chủ sở hữu nhãn hiệu
Thực ra, theo em chức năng này chỉ xuất hiện khi nhãn hiệu đã phát triển tới một mức độ mới trong vòng đời của mình và đạt được một danh tiếng nhất định. Kể từ thời điểm đó, nhãn hiệu không chỉ có khả năng phân biệt nguồn gốc sản phẩm/dịch vụ mà còn có thể khẳng định chất lượng của sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu cũng như danh tiếng và uy tín của chủ sở hữu. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nhãn hiệu còn độc lập hoàn toàn với chủ sở hữu nhãn hiệu, khẳng định được chất lượng và uy tín của sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu.
Ví dụ như với nhãn hiệu của các tập đoàn đa quốc gia như Procter & Gamble (P&G) hay Unilever, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng thậm chí không biết rằng sản phẩm mang nhãn hiệu Downy hay Ariel thuộc tập đoàn nào, nhưng ngay khi nhắc tới các nhãn hiệu này, người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng về chất lượng sản phẩm.
Hiểu một cách nôm na và tượng hình, nhãn hiệu như một “đứa con” của chủ sở hữu, ban đầu được sinh ra và gắn liền với chủ sở hữu, nhưng lâu dần chúng được nuôi dưỡng, lớn lên và có cuộc sống, khả năng phân biệt riêng, quay lại hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình cho “bố mẹ”, khẳng định chất lượng của các sản phẩm cũng như đóng góp vào danh tiếng của chính chủ sở hữu ban đầu.
Và vì có cuộc sống riêng nên nhãn hiệu đôi khi cũng có vòng đời của nó, đến một mức độ nhất định khi đã “quá nổi tiếng”, nó có thể sẽ trở thành một từ dùng chung/tên gọi thông thường cho sản phẩm/dịch vụ, khi đó vòng đời của nhãn hiệu có thể sẽ kết thúc, nhưng, ở một mức độ nhất định, nhãn hiệu đó đã từng là huyền thoại. Có hai ví dụ điển hình mà em nhớ nhất chính là case của Honda và Google. Ở Việt Nam mà cụ thể là thành phố Hồ Chí Mình, người tiêu dùng sử dụng thuật ngữ xe Honda thay cho xe máy và vì vậy, nhãn hiệu này cũng phải đối mặt với nguy cơ bị chấm dứt vòng đời. Trên toàn cầu, trong tương lai, mọi người có khả năng sẽ dùng Google như một động từ, thay vì nói, hãy tra cứu, người ta có thể sẽ nói: Hãy “google”.
Xét về mặt tích cực, các chức năng và vòng đời của nhãn hiệu cũng được xem là thúc đẩy sáng tạo, để những nhãn hiệu mới có khả năng phân biệt mới được ra đời.
3. Một số liên hệ về nhãn hiệu và các chức năng của nhãn hiệu theo pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam
Thực tiễn Luật SHTT Việt Nam cũng công nhận các loại nhãn hiệu dựa trên chức năng của nhãn hiệu, bao gồm: nhãn hiệu (thông thường), nhãn hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, và nhãn hiệu nổi tiếng.
Và với mỗi loại nhãn hiệu nêu trên, Luật SHTT dành các quy định riêng về việc xác lập quyền, điều kiện bảo hộ cũng như các biện pháp và phạm vi thực thi quyền khác nhau. Trên thực tế, việc công nhận một nhãn hiệu là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi hay mạnh hơn là nhãn hiệu nổi tiếng thực sự vẫn còn phụ thuộc vào từng vụ việc và tương đối khó khăn.
Đáng chú ý, việc chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam có một số lưu ý liên quan đến chức năng của nhãn hiệu em muốn bàn đến trong bài viết này. Theo đó, nếu nhãn hiệu được chuyển nhượng có chứa thành phần trùng hoặc tương tự với thành phần tên riêng trong tên thương mại của Bên chuyển nhượng, Cục SHTT sẽ từ chối ghi nhận việc chuyển nhượng.
Theo đó, xem xét trên góc độ chức năng của nhãn hiệu trong bài viết này, việc từ chối của Cục SHTT dường như dựa trên các chức năng của nhãn hiệu hoàn toàn gắn liền với chủ sở hữu mà không dự liệu chức năng độc lập của nhãn hiệu so với chủ sở hữu. Nói cách khác, với các nhãn hiệu đã đạt được danh tiếng nhất định và thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, việc chuyển nhượng nhãn hiệu do đó sẽ được người tiêu dùng biết đến. Và kết quả của việc chuyển giao quyền giữa các chủ sở hữu nhãn hiệu, sẽ không làm ảnh hưởng đến danh tiếng độc lập của nhãn hiệu và vì vậy, không thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
II. Tổng kết
Trên đây là một số quan điểm của em liên quan đến nhãn hiệu, các chức năng và vòng đời của nhãn hiệu cũng như một số lưu ý trong thực tiễn của Việt Nam (góc nhìn vẫn khá lý thuyết). Rất mong nhận được sự chia sẻ cũng như trao đổi, đóng góp ý kiến từ anh chị trong group ạ. Em xin chân thành cảm ơn.
III. Tài liệu tham khảo
[1] WIPO Intellectual Property Handbook 2004 Second Edition. ISBN 978-92-805-1291-5, Charpter 2 – Fields of Intellectual Property Protection, Trang 67-68
[2] Kien, T. Politics as a function of trademark: A new perspective from the historical development of trademark law in colonial and socialist Vietnam. J World Intellect Prop. 2021;24:122–151. https://doi.org/10.1111/jwip.12182
Về tác giả
Theo dõi
Đăng nhập
0 Comments