Bài viết này là bản lược dịch từ bài nghiên cứu Fashion law: A new approach? của tiến sĩ Joanna Buchalska hiện đang công tác tại Đại học Kozminski, Ba Lan. Bài viết đăng trên tập san Queen Mary Law Journal năm 2016 đã được khách mời đồng ý cho IP Lovers dịch sang tiếng Việt và tóm tắt ngắn gọn hơn. Bản gốc tiếng Anh với đầy đủ footnotes có thể download tại đây.
I. GIỚI THIỆU
Khái niệm luật thời trang đã xuất hiện và phát triển trong thời gian vừa qua. Các tổ chức hàn lâm cũng đang bắt đầu tập trung nghiên cứu hiện tượng pháp lý này, ví dụ bằng cách thành lập Viện Luật thời trang (Fashion Law Institute) ở New York. Ngoài ra, ngành công nghiệp thời trang có một tác động lớn đến nền kinh tế của chúng ta. Chỉ trong năm 2012, ngành thời trang Hoa Kỳ đã tạo ra doanh thu hơn 330 tỷ đô la, với giá trị tăng lên mỗi năm. Thị trường hàng may mặc của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng từ 225 tỷ đô la vào năm 2012 lên 285 tỷ đô la vào năm 2025, và của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tăng từ 350 tỷ đô la vào năm 2012 lên 440 tỷ đô la vào năm 2025.
Ngành công nghiệp thời trang cho ra đời một ngành luật mới. Tuy nhiên, luật thời trang không thể được định nghĩa đơn giản là một nhánh luật, mà là một hiệu ứng liên ngành, bao gồm nhiều ngành luật khác nhau, như luật sở hữu trí tuệ (SHTT) và luật lao động, phân phối sản phẩm, sử dụng chúng cho mục đích thương mại, cũng như in 3D. Luật thời trang có khía cạnh đa quốc gia trong các hợp đồng quốc tế, cách thức giao hàng và sản xuất các sản phẩm.
II.LUẬT THỜI TRANG LÀ GÌ?
Có rất nhiều định nghĩa về luật thời trang. Ví dụ theo S. Scafidi: “Luật thời trang không chỉ là một chủ đề mang tính thời thượng, mà còn là một môn học. Các thuật ngữ “thời trang” và “luật” không được liên kết với nhau và luật thời trang đã không được xem là một lĩnh vực chuyên môn pháp lý được công nhận. Trong một vài năm trở lại đây, đây là một ngành luật quốc tế phát triển để đo lường hoạt động kinh doanh thời trang.” Một giải thích khác, theo Guillermo C.Jimenez: “Luật thời trang là chuyên ngành pháp lý giải quyết các vấn đề pháp lý thường phải đối mặt của các công ty và nhà thiết kế thời trang… Luật thời trang thực sự là một tập hợp các quy phạm pháp luật. Vì vậy, luật thời trang kết hợp các với các khái niệm liên quan, từ sở hữu trí tuệ, hợp đồng, luật doanh nghiệp, thương mại hàng hóa, bất động sản, việc làm, luật quảng cáo và thương mại quốc tế, hải quan.”
Tóm lại, thuật ngữ “luật thời trang” có thể hiểu một cách rộng rãi, liên quan đến tất cả các khía cạnh của thời trang, từ giai đoạn sáng tạo ban đầu đến giai đoạn cuối cùng là bán cho người tiêu dùng. Luật Thời trang có thể được chia thành luật bản quyền và luật sở hữu công nghiệp. Trong một bối cảnh rộng hơn, nó cũng bao hàm mối quan hệ giữa kinh doanh và tài chính. Tuy nhiên, các nhà thiết kế thời trang không được hưởng mức độ bảo vệ như các đồng nghiệp trong thế giới nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh và khiêu vũ, với lý do thiết kế thời trang là một loại tài sản có tính chất phức tạp hơn so với các loại hình nghệ thuật khác.
III.LUẬT THỜI TRANG Ở US
Luật Bản quyền
Theo U.S. Copyright Act, 17 U.S. Code § 102:
“(a) […. Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm các thể loại sau:
(1) Tác phẩm văn học;
(2) Tác phẩm âm nhạc bao hàm tác phẩm kèm theo bất kỳ một từ nào;
(3) Tác phẩm sân khấu bao hàm các tác phẩm kèm theo bất kỳ âm thanh nào;
(4) Tác phẩm kịch câm và múa ba lê;
(5) Tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc;
(6) Tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm nghe nhìn khác;
(7) Bản ghi âm, và
(8.) Tác phẩm kiến trúc
[…].”
Dựa vào danh mục nêu trên, chỉ một đối tượng trong ngành thời trang có khả năng bảo hộ là (5) các tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc. Tuy nhiên, theo quyết định của Tòa án tối cao Mỹ (Supreme Court) trong vụ Mazer v Stein, các tác phẩm “nghệ thuật ứng dụng” (bao gồm tất cả các tác phẩm hình ảnh, đồ họa và điêu khắc) gốc được xem là vật dụng hữu ích (useful articles).
Cũng theo U.S. Copyright Act, 17 U.S. Code § 101, thiết kế của một vật hữu ích sẽ được coi là một tác phẩm hình ảnh, đồ họa, hoặc tác phẩm điêu khắc khi và chỉ khi các tính năng [hình ảnh, đồ họa hoặc điêu khắc] có thể được xác định riêng biệt và tồn tại độc lập với các khía cạnh hữu ích của vật.”
Một vật hữu ích có chức năng thực dụng nội tại (an intrinsic utilitarian function) không chỉ đơn thuần là để miêu tả sự xuất hiện của bài báo hoặc để truyền đạt thông tin.
Kết hợp những quy định này lại với nhau, có thể thấy rằng hình dáng của một sản phẩm công nghiệp có thể đáp ứng về mặt thẩm mỹ và có giá trị. Tuy nhiên, ý định của các nhà làm luật là không bảo vệ bản quyền cho hình dạng nói trên vì rất khó để tách rời hình dạng một đồ vật hay bất kỳ sản phẩm công nghiệp khỏi các khía cạnh hữu ích của vật đó.
Do đó, chỉ có rất ít trường hợp tòa án sử dụng luật bảo vệ bản quyền trong ngành công nghiệp thời trang. Ví dụ, luât bảo vệ bản quyền đã được cấp cho trang phục hóa trang như nghệ thuật ứng dụng và một bộ áo tắm trưng bày phi chức năng như một tác phẩm nghệ thuật vì nó nhằm mục đích trưng bày và không phải là một mặt hàng quần áo hữu ích. Tuy nhiên, như một nguyên tắc chung trong ngành công nghiệp thời trang, hầu như luôn luôn không thể tách rời các thành phần biểu đạt (có thể được đăng ký bản quyền), từ các thành phần hữu ích (có thể không được đăng ký bản quyền), theo yêu cầu của quy chế này.Theo luật pháp Hoa Kỳ, các mặt hàng thời trang không thể được bảo vệ bởi luật bản quyền, chủ yếu là do tính chất hữu ích tự nhiên (useful nature) của quần áo. Vì vậy các các nhà thiết kế tìm kiếm sự bảo hộ ở các loại hình SHTT khác như thiết kế, nhãn hiệu và hình ảnh tổng thể thương mại (trade dress).
Thiết kế
Theo Copyright Act, 17 U.S. Code § 1302, các dạng thiết kế sau đây không được bảo hộ:
(1) không phải bản gốc;
(2) đồ vật thông dụng, chẳng hạn như một hình học tiêuchuẩn, một biểu tượng quen thuộc, hoặc họa tiết, hoặc hình dạng, vật mẫu hoặc cấu hình khác đã trở thành tiêu chuẩn, phổ biến, thịnh hành hoặc thông thường;
(3) khác với thiết kế bị loại trừ bởi điều (2) chỉ ở những chi tiết không đáng kể hoặc là các biến thể thông thường được sử dụng trong ngành;
[…]
Dựa vào quy định này có thể nói các mặt hàng thời trang không được bảo hộ bằng thiết kế theo Bộ luật Hoa Kỳ.
Hình ảnh tổng thể thương mại (trade dress)
Có rất nhiều định nghĩa về trade dress, hầu hết đều nhấn mạnh rằng đây là hình dáng bên ngoài hoặc bao bì đặc trưng của một sản phẩm.
Các bản án của tòa án định nghĩa bao bì thương mại như sau:
· (1) là một “thiết bị” có khả năng chuyển tải ý nghĩa; (Qualitex Co. v. Jacobson Prods. Co., 514 U.S. 159, 162 (1995))
· (2) là bao bì và thiết kế sản phẩm; (Standard Terry Mills, Inc. v. Shen Mfg. Co., 803 F.2d 778 (3d Cir. 1986))
· (3) là tổng thể hình ảnh của một sản phẩm (John H. Harland Co. v. Clarke Checks, Inc., 7,11 F.2d 966,980 (1 th Cir. 1983); ) và
· (4) là cấu hình sản phẩm (LeSportsac, Inc. v. K Mart Corp., 754 F.2d 71, 75 (2d Cir. 1985)).
Để trade dress được bảo hộ, bao bì phải có tính phân biệt tự thân (inherently distinctive) hoặc công chúng đã phải học cách liên kết hình thức bên ngoài của sản phẩm với nguồn cụ thể (nhà sản xuất/cung cấp). Trong những trường hợp đó, trade dress có thể bảo vệ “vẻ ngoài” tổng thể của một dòng thời trang, với điều kiện đó là dòng sản phẩm không có chức năng thông thường (nonfunctional) và đã tạo ra được ý nghĩa thứ hai (secondary meaning).
Nhãn hiệu
Đây là loại hình SHTT được sử dụng nhiều nhất bởi ngành công nghiệp thời trang. Hơn nữa, khác với luật bản quyền, thời hạn của bảo vệ nhãn hiệu là vô thời hạn, có nghĩa là nó sẽ không bao giờ là một phần của bộ phận công cộng.
Kết luận
Theo luật Hoa Kỳ, luật bản quyền, nhãn hiệu và bao bì thương mại không cung cấp sự bảo hộ rộng rãi đối với các mặt hàng thời trang. Do đó, quyền lợi hợp pháp của các nhà thiết kế thời trang ít được bảo hộ theo luật hiện hành.
IV.LUẬT THỜI TRANG Ở LIÊN MINH CHÂU ÂU
Bản quyền
Một sản phẩm thời trang có thể được bảo vệ bởi pháp luật quốc gia của các Quốc gia Thành viên. Cho đến nay EU đã thất bại trong việc hài hòa luật bản quyền. Do đó, luật pháp quốc gia cung cấp bảo hộ rộng hơn so với luật EU.
Kiểu dáng thiết kế cộng đồng (community design)
Điều 3 (a) của Council Regulation (EC) số 6/2002 ngày 12 tháng 12 năm 2001 về Community designs OJ L3/1 định nghĩa thiết kế cộng đồng là: “hình dáng của toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm, là kết quả của các tính năng, cụ thể là các đường nét, màu sắc, hình dạng, kết cấu và/hoặc vật liệu của chính sản phẩm và/hoặc sự trang trí”.
Để một kiểu dángthiết kế được đăng ký ở EU, nó cần đáp ứng tính mới và có đặc điểm riêng. Tính mới của một thiết kế được xác định rằng chi tiết vật liệu phải khác thiết kế đã công bố trước đó. Một thiết kế sẽ được coi là có một đặc điểm riêng, theo Điều 5 nếu ấn tượng tổng thể mà nó tạo ra trên người dùng khác với ấn tượng tổng thể tạo ra bởi bất kỳ thiết kế công bố trước đó. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp thời trang, người dùng (informed user) có thể được định nghĩa là “người dùng cuối cùng của sản phẩm hoặc là nhà thiết kế thời trang, hoặc là người sưu tập các mặt hàng thiết kế hoặc là bất kì ai có mối quan tâm mạnh mẽ với thời trang” (Compere U. Suthersanen, Design law in Europe, London: Sweet & Maxwell 2000, p. 39,).
Khi đánh giá đặc điểm riêng biệt, mức độ tự do của nhà thiết kế trong việc phát triển thiết kế phải được xem xét. Do đó, đặc điểm cụ thể của hàng thời trang cần được nhấn mạnh, nơi mà nguồn cảm hứng được cho phép nhiều hơn ở các lĩnh vực khác.
Ở nước Anh, thiết kế không đăng kí cũng được bảo hộ nhưng ở mức độ thấp hơn, theo quy định áp dụng cho Thiết kế cộng đồng chung không đăng ký (UCD). Theo đó, thay vì được bảo hộ với thời hạn 70 năm sau khi tác giả qua đời, thời gian bảo hộ sẽ ngắn hơn nhiều (10 đến 15 năm). Và sự bảo hộ đối với UCD cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là sự từ chối bảo hộ đối với trang trí bề mặt.
Nhãn hiệu
Một điều rất quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang là nhiều nghệ sĩ người sáng tạo, đăng ký họ của chính mình để làm nhãn hiệu và thương mại hóa chúng, như Dior, Chanel và Jimmy Choo. Hơn nữa, bản thân nhãn hiệu có thể bảo vệ các sản phẩm thời trang, chẳng hạn như giày và quần áo. Tuy nhiên, việc sử dụng bảo hộ nhãn hiệu có một số giới hạn như trường hợp để một nhãn hiệu được đăng ký, nhãn hiệu đó phải có tính phân biệt được đánh giá của người tiêu dùng thông thường.
V.KẾT LUẬN
Luật Thời trang nên được coi là một cách tiếp cận mới, đặc biệt là chúng ta có thể thấy sự thiếu đồng bộ trong việc bảo hộ cho mặt hàng thời trang. Có một sự khác biệt đáng kể giữa Châu Âu và Quy định của Mỹ về Luật thời trang trong lĩnh vực luật bản quyền. Tác giả đề xuất chúng ta nên coi các nhà thiết kế như một nhóm nghệ sĩ (nhà văn hoặc nhà sản xuất phim) và không chỉ tạo ra một ngành luật mới mà còn có thể tập hợp những quy định có thể áp dụng cho lĩnh vực này và đặt tên là luật thời trang.
Người dịch: Nguyễn Thị Như Ý và Lê Vũ Vân Anh
Bạn có thể đọc thêm về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại đây