Sự khác biệt giữa các hệ thống bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên thế giới
Kiểu dáng (design) trong IP là hoạt động sáng tạo hướng đến hình thức bên ngoài của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo được chức năng chính. Kiểu dáng rất đa dạng, từ móc chìa khóa, bao bì, bật lửa, đèn, đến dao, kéo, ấm nước và cả thời trang.
Mặc dù Công ước Paris có đề cập đến kiểu dáng, nhưng không có chuẩn mực chung nào được thiết lập cho việc bảo hộ đối tượng này. Điều đó được phần nào khắc phục bởi Hiệp định TRIPS, tuy nhiên, khung pháp lý vẫn rất rộng và linh hoạt. Theo đấy, quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (industrial design), nhưng được tự do lựa chọn hình thức như quyền tác giả, bằng độc quyền kiểu dáng (design patent), hoặc quy định đối tượng bảo hộ riêng (sui generis). Đặc biệt, lĩnh vực thời trang cũng được nhắc đến trong TRIPS thông qua quy định đối với các thiết kế dành cho dệt may. Mặt hàng này vốn có nhu cầu rất lớn về kiểu dáng, trong khi thời gian khai thác một dòng sản phẩm thường không dài. Do vậy, TRIPS yêu cầu các nước, dù bằng cơ chế quyền tác giả hay KDCN, đều phải đảm bảo các mặt hàng này được bảo hộ bằng thủ tục nhanh gọn và ít tốn kém nhất.
Từ hệ quả của việc thiếu sự đồng nhất ở các điều ước quốc tế, pháp luật các quốc gia về KDCN thường rất khác nhau. Nhiều nước bảo hộ KDCN dưới dạng một đối tượng riêng biệt, thông qua đăng ký hoặc không. Ví dụ: Mỹ bảo hộ như là design patent trong hệ thống sáng chế và bắt buộc đăng ký. EU có hệ thống bảo hộ cả kiểu dáng đăng ký hoặc không đăng ký. Ở một số quốc gia, KDCN có thể được bảo hộ đồng thời bằng KDCN và quyền tác giả (tác phẩm mỹ thuật ứng dụng); nhưng một số quốc gia khác chỉ cho phép chọn 1 trong 2 hình thức. Trong một số trường hợp, KDCN còn có thể được bảo hộ bởi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.
Hệ thống 1 – Separatist theory of art (thuyết phân lập)
Phân biệt tuyệt đối giữa kiểu dáng công nghiệp và kiểu dáng nghệ thuật Khi đó, nếu đối tượng được xem là “công nghiệp” thì áp dụng quy định về KDCN, hoặc áp dụng quyền tác giả nếu được xem là “nghệ thuật”. Hệ thống này thường có các quy định để triệt tiêu sự chồng lấn giữa hai nhóm quyền. Ví dụ: UK, Nhật Bản.
Hệ thống 2 – Theory of the unity of art (thuyết đồng nhất)
Bảo hộ “cộng dồn” mà không cần xét đến mục đích của kiểu dáng. Chẳng hạn, một thiết kế thời trang có thể được bảo hộ quyền tác giả đồng thời với KDCN. Ví dụ: Pháp, Bỉ. Việt Nam không có quy định nào loại trừ giữa quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp, nên có thể xếp vào nhóm này.
Hệ thống 3 – Hybrid system
Bảo hộ quyền tác giả cho KDCN với một số điều kiện kèm theo. Khi đó, KDCN chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu đáp ứng tiêu chuẩn chủ yếu liên quan đến mức độ sáng tạo hoặc khía cạnh nghệ thuật chủ đạo của tác phẩm. Chẳng hạn, một cây bút làm bằng ebonite trang trí bởi một vài viên kim cương và đá quý được Tòa án Đức cho rằng yếu tố nghệ thuật vượt trên chức năng sử dụng, do đó được bảo hộ quyền tác giả. Sự khác biệt của hệ thống 2 và 3 ở chỗ, hệ thống này không bảo hộ quyền tác giả cho kiểu dáng một cách đương nhiên. Ví dụ: Đức, Ý, Brazil.
Như vậy, khác với sáng chế và quyền tác giả, cách tiếp cận bảo hộ đối với kiểu dáng có sự khác biệt lớn ở từng quốc gia. Điều này cũng tương tự với trường hợp của chỉ dẫn địa lý, do thế giới không đạt được sự đồng thuận tại các điều ước quốc tế quan trọng như Công ước Paris hay Hiệp định TRIPS.
Tác giả: Nguyễn Lương Sỹ
-
Bài viết sử dụng các tài liệu khóa học của WIPO.
-
Hình minh họa: KDCN “Áo khoác dài” được cấp bằng bảo hộ số 3-0022097-000 cho chủ đơn Vietnam Airlines
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
[…] Mời bạn tham gia Group Facebook IP LOVERS để cùng nhau chia sẻ, thảo luận các chủ đề sở hữu trí tuệ. Trước khi đóng góp bài viết, hoặc sử dụng lại nội dung của blog, xin vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền. […]
[…] Bạn có thể đọc thêm về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tai đây […]