PHẦN 2: Hiệp định TRIPS: 4 vấn đề cốt lõi và tác động của chương trình “hài hoà hoá”
Tại phần 1 “Hiệp định TRIPS – Con dao hai lưỡi?”, người đọc đã được cung cấp một bức tranh tổng quan về những tác động chính của Hiệp định TRIPS đối với các Quốc Gia Thành Viên trong tổ chức WTO. Đến với Phần 2, câu chuyện về Hiệp định TRIPs sẽ được tiếp nối thông qua tìm hiểu 4 vấn đề cốt lõi cũng như đánh giá những tác động của chương trình “hài hoà hoá” đối với sự phát triển của toàn xã hội.
Một số vấn đề mà hiệp định TRIPS đặt ra
Hiệp định TRIPs không được coi là một văn bản pháp lý cố định, bởi vì các nhà đàm phán TRIPs đã cung cấp thêm một số quy định trong Hiệp định để tạo ra một kế hoạch hành động cho tương lai, được gọi là “built-in agenda“[1]. Việc thực thi Hiệp định TRIPs đòi hỏi các nước thành viên WTO phải tăng cường quá trình rà soát cũng như tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp định nhằm tối đa hóa khả năng bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển vẫn phải đối mặt với áp lực làm thế nào để áp dụng Hiệp định TRIPs sao cho phù hợp với các yêu cầu kinh tế và xã hội của họ. Một số vấn đề đã được nêu ra và thảo luận trong “built-in agenda“ bao gồm 4 vấn đề cốt lõi: Điều 27.3(b) của Hiệp định TRIPs, Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications), Tri thức truyền thống và Văn hóa dân gian (Traditional Knowledge and Folklore), và Khiếu nại không vi phạm (Non-Violation Complaints).
1. Điều 27.3(b) của Hiệp định TRIPs.
Theo Điều 27.3 (b), tất cả các Quốc gia Thành viên có thể loại trừ không cấp bằng sáng chế đối với các phát minh sinh học liên quan đến các đối tượng “thực vật và động vật không phải là các chủng vi sinh” và “các quy trình sản xuất thực vật hoặc động chủ yếu mang tính chất sinh học và không phải là các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh”. Tuy nhiên, Điều khoản cũng yêu cầu các Quốc gia Thành viên phải “phải bảo hộ giống cây bằng hệ thống bằng sáng chế hoặc bằng một hệ thống riêng hữu hiệu, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai hệ thống đó dưới bất kỳ hình thức nào“. Mặc dù là một phần của chương trình “built– in agenda“, nhưng quy định này được cho là đã gây nên nhiều tranh cãi và cần được tiến hành xem xét lại sau bốn năm kể từ khi Hiệp định TRIPs có hiệu lực. Hội đồng TRIPs đã thu thập dữ liệu từ các Quốc gia Thành Viên về cách mà các nước này tiếp cận vấn đề bảo họ giống cây trồng trong luật SHTT của từng quốc gia. Qua đó, các Quốc gia Thành viên đã nêu ra hai vấn đề chính như sau: (1) “khả năng được cấp bằng sáng chế của một số dạng sống nhất định và liệu có nên loại trừ bất kỳ phát minh nào như vậy hay không”; và (2) “làm thế nào để đạt được sự cân bằng trong việc bảo vệ các giống cây trồng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng cũng như các vấn đề khác như quyền của nông dân và duy trì đa dạng sinh học”[2].
Ngoài ra, giữa các quốc gia còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bằng sáng chế công nghệ sinh học. Cụ thể, quy định này được cho là thiếu sự hài hòa giữa Hiệp định TRIPs và Công ước về Đa dạng sinh học 1992 cũng như mối liên hệ giữa bảo hộ bằng sáng chế và tạo điều kiện chuyển giao, phổ biến công nghệ. Thứ nhất, có tồn tại mâu thuẫn giữa quy định của Hiệp định TRIPs và Công ước về Đa dạng sinh học hay không. Điều 8 Công ước về Đa dạng sinh học quy định điều khoản độc quyền về việc vi phạm bản quyền sinh học và buôn bán sinh học. Trong khi đó, Hiệp định TRIPs không cung cấp bất kỳ khung pháp lý nào quy định về cách tiếp cận bằng sáng chế đối với các phát minh sinh học. Trên thực tế khi các quốc gia trở thành Thành viên của WTO, nghiễm nhiên các quốc gia đó phải tuân thủ các thoả thuận của Hiệp định TRIPs. Tuy nhiên, không phải tất cả các Thành viên WTO đều tiến hành tham gia ký kết Công ước về Đa dạng sinh học. Do đó, khi một quốc gia cam đoan thực hiện Hiệp định TRIPs nhưng không phải là thành viên của Công ước Đa dạng sinh học thì quốc gia đó cũng sẽ không được hưởng các quyền miễn trừ pháp lý trong trường hợp quốc gia đó vi phạm các quy định về bản quyền sinh học. Thứ hai, việc chuyển giao công nghệ sinh học có gián tiếp tạo điều kiện cho vi phạm bản quyền sinh học hay không. Một trong những mục tiêu chính của Hiệp định TRIPs là chuyển giao và phổ biến công nghệ. Vấn đề này đã dấy lên nhiều cuộc thảo luận về cách thức làm sao để đảm bảo các điều khoản cấp bằng sáng chế trong khi không cản trở việc chuyển giao công nghệ sinh học. Tuy nhiên, có thể sẽ không có sự xung đột giữa Hiệp định TRIPs và Công ước về Đa dạng sinh học 1992 nếu các Quốc gia Thành viên tiến hành thông qua luật SHTT trong nước để xây dựng các quy định riêng sao cho vừa có lợi cho quốc gia vừa đảm bảo được sự hài hoà giữa Hiệp định và Công ước.
2. Chỉ dẫn địa lý (GI).
Theo Điều 22(1) của Hiệp định TRIPs, chỉ dẫn địa lý được định nghĩa là một chỉ dẫn được sử dụng trên hàng hóa ” bắt nguồn từ lãnh thổ của một Thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”. Rượu sủi tăm hay còn được gọi là rượu ‘Champagne” đến từ vùng Champagne của Pháp là một ví dụ điển hình về chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, khoai tây Hoàng gia Jersey đến từ Vương quốc Anh cũng là một trong những sản phẩm đầu tiên được gắn chỉ dẫn địa lý và được công nhận bởi Protected Designation of Origin vào năm 1996[3].
Có thể thấy phần lớn sản phẩm đểu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng chủ yếu lại tập trung ở các mặt hàng thực phẩm và đồ uống. Trên thực tế, Điều 23 Hiệp định TRIPs chỉ quy định bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh. Do đó, tại Tuyên bố Doha Ministerial một số Quốc gia Thành viên viên bao gồm các nước trong Liên minh châu Âu, Thuỵ Sĩ và một số quốc gia đang phát triển đã mở ra nhiều cuộc tranh luận liên quan đến khả năng mở rộng mức độ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm khác. Các quốc gia lập luận rằng việc mở rộng mức độ bảo hộ chỉ dẫn địa lý là phương pháp tối ưu cho việc đẩy mạnh marketing đối với các mặt hàng được sản xuất tại địa phương ví dụ như các sản phẩm dệt may, gốm… Ngoài ra, việc mở rộng chỉ dẫn địa lý sẽ khuyến khích sản xuất nội địa, từ đó góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy bản sắc dân tộc của từng quốc gia.
3. Tri Thức Truyền Thống và Văn Hóa Dân Gian.
Vấn đề về bảo vệ tri thức truyền thống và văn hóa dân gian là một trong những chủ đề quan trọng mà Hội đồng TRIPs nêu ra trong Tuyên bố Doha từ năm 2022[4]. Vấn đề đặt ra là cộng đồng quốc tế cần có những hành động quyết liệt nào để bảo vệ tri thức truyền thống và văn hóa dân gian. Mặc dù các vấn đề liên quan đến kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian không phù hợp lắm với bức tranh tổng thể được trình bày trong chương trình Hội nghị, nhưng ngày càng có nhiều Quốc gia Thành viên bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Đầu tiên và quan trọng nhất là mối quan tâm về việc cấp bằng sáng chế hoặc quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân hoặc cộng đồng không tạo ra cũng như không có quyền hợp pháp để kiểm soát tri thức truyền thống và văn hóa dân gian này. Thứ hai, lo ngại về tri thức truyền thống và văn hóa dân gian được sử dụng mà không có sự cho phép của người dân hoặc cộng đồng địa phương là những người đã tạo ra và có quyền hợp pháp để kiểm soát các tác phẩm này[5]. Mặc dù việc bảo vệ tri thức truyền thống và văn hóa dân gian là một phần trong “built-in agenda” của Hội đồng TRIPs, nhưng không thể phủ nhận rằng so với các quy trình khác, việc thảo luận về vấn đề này gần đây khá hạn chế. Ủy ban liên chính phủ của WIPO về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC) đã và đang xây dựng các cơ chế pháp lý liên quan để bảo vệ các nguồn tài nguyên toàn cầu quý giá này.
4. Khiếu nại không vi phạm (NVC).
Theo Điều 64.2, Hiệp định TRIPs áp dụng điều khoản tạm hoãn 5 năm đối với các khiếu nại không vi phạm kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực. Ngoài ra, Điều 64.3 cung cấp cho Hội đồng TRIPs các hướng dẫn để “nghiên cứu phạm vi và thể thức đơn kiện” có thể được thực hiện. Trong một số trường hợp, khiếu nại không vi phạm chỉ được đưa ra khi có sự đồng thuận của Hội nghị Bộ trưởng và mọi quyết định sẽ có hiệu lực đối với tất cả các Thành viên WTO. Tuy nhiên, trên thực tế, điều khoản tạm hoãn đối với khiếu nại không vi phạm của Hiệp định TRIPs đã được gia hạn nhiều lần trong các cuộc họp thường niên tại Doha Ministerial Conference, Ministerial Conferences in Hong Kong và Buenos Aires, và Đại Hội đồng lần lượt vào các năm 2001, 2005, 2017 và 2019[6].
Nhìn chung, đã có nhiều cuộc tranh luận giữa các Quốc gia Thành viên về việc liệu quy định liên quan đến khiếu nại không vi phạm có nên áp dụng cho Hiệp định TRIPs hay không. Quan điểm của một số Quốc gia Thành viên cho rằng trong tất cả các hiệp định của WTO, khiếu nại không vi phạm là một trong những bộ phận quan trọng của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Nó có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và cân bằng lợi ích trong quá trình đàm phán đa phương với các Thành viên WTO. Do đó, điều khoản tạm hoãn đối với khiếu nại không vi phạm trong Hiệp định TRIPs nên được loại bỏ. Mặt khác, một số khác lại cho rằng Hiệp định TRIPs không giải quyết trực tiếp các vấn đề về hiệp định tiếp cận thị trường và thuế quan. Do đó, những nỗ lực đưa khiếu nại không vi phạm vào hệ thống Hiệp định TRIPs có thể đi ngược lại các chính sách và mục tiêu chung của hệ thống SHTT ở mỗi quốc gia.
Các tác động đối với sự hài hòa hoá (harmonization) của Hiệp định TRIPs.
Nhìn chung, hài hòa hóa đã trở thành một trong những xu thế trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX[7]. Thông qua các điều ước đa phương như Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Công ước Paris) năm 1883[8] và Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Công ước Bern) năm 1886[9], phong trào hài hòa hóa quyền SHTT được thể hiện ở cả hai khía cạnh nội dung và thủ tục liên quan đến sáng tạo tác phẩm và các lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, Hiệp định TRIPs đã có tác động đáng kể đến các nỗ lực hài hòa hóa quyền SHTT ở các quốc gia. Rõ ràng, Hiệp định TRIPs thiết lập việc hài hòa hóa SHTT như một tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, các Quốc gia Thành viên, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, có thể gặp khó khăn trong nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền SHTT trong khi quá trình thích ứng và áp dụng bên trong mỗi quốc gia vẫn còn đang diễn ra. Kết quả là, mặc dù việc thực thi Hiệp định TRIPs rõ ràng đã được tất cả các Thành viên WTO chấp nhận, nhưng vẫn còn một số khiếu nại về khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPs[10]. Có những cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu chương trình hài hoà hoá của Hiệp định TRIPs đang thúc đẩy hay cản trở sự phát triển bền vững của các Quốc gia Thành viên.
Trên thực tế, để đạt được sự phát triển, mỗi quốc gia không chỉ tập trung thúc đẩy tài chính mà còn phải tăng cường tính đa dạng và quan tâm đến chất lượng của thành quả đạt được. Nhìn chung, phần lớn các điều khoản về quyền SHTT đều tập trung vào sự phát triển bền vững. Điều đó cũng có nghĩa là sự hài hòa của Hiệp định TRIPs phản ánh quá trình thích ứng văn hóa của mỗi quốc gia. Các quy tắc SHTT liên quan đến bản quyền, bằng sáng chế hoặc thương hiệu theo Hiệp định TRIPs có xu hướng ảnh hưởng đến việc phổ biến hoặc chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia đang và đã phát triển. Đặc biệt, sự hài hòa của nó còn có tác động đến các biện pháp kiểm soát của cộng đồng đối với việc bảo vệ kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian, hoặc đối với việc tiếp cận các loại thuốc và dược phẩm thiết yếu[11]. Ngoài ra, những nỗ lực hài hoà hoá của Hiệp định TRIPs là để nhằm thu hẹp các rào cản góp phần tạo ra một ranh giới mới đối với việc bảo hộ bằng sáng chế. Rõ ràng, để tạo ra sự kết nối trong môi trường toàn cầu, một số quốc gia đang phát triển có thể áp dụng Hiệp định TRIPs dựa trên sự đa dạng về pháp lý và văn hóa độc đáo của từng quốc gia, đồng thời xem xét lợi ích công cộng và sự phát triển chung của cộng đồng[12].
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chương trình hài hoà hoá của Hiệp định TRIPs có thể cản trở sự phát triển bền vững do thiếu linh hoạt trong việc thực thi Hiệp định TRIPs ở các Quốc gia đang phát triển. Do đó, nó cũng hạn chế quyền tự do của các Thành viên quốc gia này trong việc tùy chỉnh các chiến lược quyền SHTT sao cho phù hợp với từng nền kinh tế quốc gia. Cụ thể, Chương trình nghị sự phát triển Doha nhấn mạnh vai trò của thương mại toàn cầu trong việc đạt được sự phát triển bền vững trong hệ thống SHTT. Có nhiều ý kiến lo ngại cho rằng để tăng cường phát triển kinh tế, các quy định chính sách về quyền SHTT do các quốc gia phát triển đưa ra có thể làm ảnh hưởng đến những quy định ưu tiên khác trong chính sách phát triển của các quốc gia đang và chậm phát triển[13]. Hệ quả là, thay vì tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia đang và chậm phát triển, sự hài hòa hóa của Hiệp định TRIPs có thể cản trở sự phát triển cũng như làm gia tăng khó khăn trong việc điều chỉnh và thực thi Hiệp định TRIPs ở các quốc gia này.
Kết luận
Tất cả các Thành viên WTO bao gồm cả các nước đã và đang phát triển đều chấp thuận Hiệp định TRIPs là một trong những chính sách toàn cầu nhằm giảm những biến dạng và trở ngại đối với thương mại quốc tế, đồng thời thúc đẩy bảo vệ quyền SHTT một cách hiệu quả và toàn diện. Trên thực tế, Hiệp định TRIPs đang thực hiện hiệu quả vai trò của nó trong việc duy trì sự cân bằng và mang lại lợi ích lâu dài của các Quốc gia Thành viên.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khác đặt ra trong quá trình thực thi Hiệp định TRIPs mà các Thành viên phải đối mặt và giải quyết ví dụ như công nghệ sinh học, chỉ dẫn địa lý, hay bảo hộ tri thức truyền thống. Bên cạnh đó vẫn còn một số lo ngại về tác động của chương trình hài hòa hóa Hiệp định TRIPs đối với sự phát triển của các Quốc gia Thành viên. Rõ ràng, hệ thống quyền SHTT toàn cầu ngày càng phát triển, giống như “con dao hai lưỡi”, vừa có tác động kích thích vừa có tác động cản trở đối với toàn xã hội.
- Tài liệu tham khảo
[1] Antony Taubman, Hannu Wager, and Jayashree Watal, A Handbook on the WTO TRIPS Agreement (2nd edn, Cambridge University Press 2020) 216.
[2] Antony Taubman, Hannu Wager, and Jayashree Watal, A Handbook on the WTO TRIPS Agreement (2nd edn, Cambridge University Press 2020), 192.
[3] ‘Jersey Royal Potatoes’ (GOV.UK, 4 January 2021) <https://gov.uk/protected-food-drink-names/jersey-royal-potatoes> truy cập 20 tháng 4 năm 2023.
[4] WTO, Ministerial Declaration (20 November 2001) WT/MIN(01)/DEC/1, para 19.
[5] WTO, The Protection of Traditional Knowledge and folklore (9 March 2006) IP/C/W/370/Rev.1, para 8.
[6] Antony Taubman, Hannu Wager, and Jayashree Watal, A Handbook on the WTO TRIPS Agreement (2nd edn Cambridge University Press 2020), 196
[7] Sarah R. Wasserman Rajec, ‘The Harmonization Myth in International Intellectual Property Rights’ (2020) Arizona Law Review 62(735) 736, 750.
[8] Công ước Paris (thông qua năm 1883, có hiệu lực năm 1984).
[9] Công ước Bern Works (thông qua năm 1886, có hiệu lực năm 1984).
[10] Yusuf A. Abdulquawi, ‘TRIPS: Background, Principles and General Provisions’ in Intellectual Property and International Trade: The TRIPs Agreement (2016), 98.
[11] WIPO, Standing Committee on the Law of Patent Tenth Session (Geneva 2004) SCP/10/7 Add.
[12] Wei Shi, ‘Globalization and Indigenization: Legal Transplant of a Universal TRIPs Regime in a Multicultural World’ (2010) American Business Law Journal 47(3) 455, 469.
[13] South Centre, The TRIPS Agreement: A guide for the South: the Uruguay Round agreement on Trade- Related Intellectual Property Rights (South Centre 1997) 33.