Giới hạn của quyền tác giả và quyền tự do cá nhân trong tác phẩm nhiếp ảnh?
Ngày nay, với sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số và smartphone, hàng triệu tác phẩm ra đời mỗi ngày chỉ bằng một nút bấm. Cùng với số lượng khủng khiếp đó, các tranh cãi về quyền tác giả đối với ảnh chụp vẫn luôn là đề tài nóng hổi. Một nghệ sỹ có tên là Richard Prince nhận về vô vàn tai tiếng khi triển lãm và rao bán các bức ảnh có giá lên đến 100.000 USD nhưng thực chất chỉ là ảnh chụp màn hình từ Instagram của nhiều người mà không hề xin phép. Một vụ kiện khác cũng từng tốn nhiều giấy mực ở Mỹ đó là giữa nhiếp ảnh gia Slater và chú khỉ Naruto (do hiệp hội bảo vệ động vật PETA đại diện) liên quan đến bức ảnh selfie của chú khỉ này. Chuyện là nhiếp ảnh gia sau khi bố trí thiết bị để chuẩn bị chụp ảnh thì chú khỉ vô tình tiến đến và bấm nút tạo ra bức ảnh selfie của mình. Các bức ảnh nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhưng Slater thì không được hưởng một đồng nào từ tác quyền nên đã dẫn đến kiện tụng. Tòa án Mỹ sau đó xác định bức ảnh nói trên không được bảo hộ quyền tác giả vì không do con người tạo ra.
Quyền tác giả thuộc về “người bấm nút”
Phán quyết trên không mang tính đại diện cho tác phẩm nhiếp ảnh nói chung. Mặc dù đóng góp của con người trong các tác phẩm nhiếp ảnh tưởng chừng như rất nhỏ bé, quyền tác giả vẫn được trao cho “người bấm nút”. Bởi lẽ, máy ảnh chỉ được xem là công cụ hỗ trợ, còn con người thể hiện sáng tạo trí tuệ qua việc lựa chọn bối cảnh, góc độ, thời điểm, thiết lập chế độ chụp,…Trong vụ chú khỉ Naruto, sở dĩ nhiếp ảnh gia Slater mất quyền tác giả là bởi vì các bức ảnh selfie đó vốn dĩ cũng không nằm trong ý định ban đầu của anh.
Có xâm phạm quyền tác giả khi chụp hình chứa hình ảnh tác phẩm của người khác?
Vấn đề càng phức tạp khi tác phẩm nhiếp ảnh lại chứa đựng hình ảnh của một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khác như vụ việc của Richard Prince. Vậy nếu bức ảnh chụp lại hình ảnh một tác phẩm điêu khắc thì có bị xem là xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm điêu khắc hay không? Về mặt nguyên tắc, để một hình ảnh có chứa đựng một tác phẩm được bảo hộ khác mà không xâm phạm quyền tác giả, người chụp ảnh phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm đó. Tuy nhiên, nếu nguyên tắc này được áp dụng một cách máy móc, quyền tiếp cận của công chúng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề xâm phạm quyền tác giả sẽ không được đặt ra nếu đó chỉ là hành vi ngẫu nhiên và không có giá trị quan trọng trong bức ảnh.
Một bức ảnh được xem là ngẫu nhiên khi nó không được chụp một cách có chủ ý hay sắp đặt. Đồng thời, tác phẩm của người khác xuất hiện trong ảnh phải là một vật thể phụ, không có giá trị đối với nội dung chính. Dù vậy, ranh giới giữa có hay không một bức ảnh xâm phạm quyền tác giả là rất mong manh. Chẳng hạn ở Hà Lan, một phóng viên khi chụp hình chân dung nhân vật phỏng vấn đã sắp đặt để bức tượng điêu khắc hình một cung thủ phía sau xuất hiện như thể đang nhắm bắn vào nhân vật chính. Sau đó, tác giả bức tượng đã khởi kiện vì cho rằng tác phẩm của mình bị xâm phạm. Tòa án tuyên hành vi của phóng viên không thể xem là sử dụng ngẫu nhiên bởi anh ta đã có sự can thiệp trong việc lựa chọn khung hình, khiến cho bức tượng xuất hiện ở vị trí quan trọng trong tấm ảnh. Do vậy, nếu một bức ảnh được chụp trong studio, mọi vật thể xuất hiện trong tấm ảnh đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng nếu không muốn bị kiện do sử dụng hình ảnh mà không xin phép.
Quyền tự do chụp hình toàn cảnh (freedom of panorama)
Một bức ảnh được chụp ngẫu nhiên trong không gian công cộng sẽ luôn có nguy cơ xuất hiện các vật thể mà hình ảnh của nó được bảo hộ quyền tác giả. Vì vậy, khái niệm quyền tự do chụp hình toàn cảnh ra đời, cho phép việc chụp ảnh các tòa nhà, công trình, tác phẩm điêu khắc trưng bày nơi công cộng mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, pháp luật về vấn đề này ở các quốc gia trên thế giới là rất khác nhau. Trong khi Hoa Kỳ, Anh, Đức hay Australia đều ghi nhận đây là một ngoại lệ của quyền tác giả, một số quốc gia như Pháp, Bỉ lại có cách tiếp cận dè dặt hơn. Ở những quốc gia này, một bức ảnh chụp bên ngoài các công trình nổi tiếng sẽ không được phép đăng tải lên mạng xã hội. Thậm chí, từng có một bức ảnh chụp kim tự tháp kính Louvre tại Paris buộc phải bôi đen công trình này mới được quyền xuất hiện. Mãi đến năm 2016, Bỉ mới thông qua quyền chụp hình toàn cảnh, còn Pháp vẫn chỉ chấp nhận quyền này với điều kiện không sử dụng cho mục đích thương mại.
Chụp hình người khác có bị xem là xâm phạm quyền cá nhân?
Dĩ nhiên, mỗi người đều có quyền cá nhân của mình, bao gồm các quyền về hình ảnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chụp hình người khác đều cần phải xin phép, mà còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và mục đích cụ thể. Quyền cá nhân đối với hình ảnh thường bị hạn chế nếu hình ảnh phục vụ mục đích đưa tin, phóng sự hay thời sự. Lúc này, quyền tiếp cận thông tin của công chúng được ưu tiên cao hơn quyền tự do cá nhân. Một trường hợp khác là hình ảnh của nhân vật công chúng. Những người nổi tiếng như chính trị gia, diễn viên, ca sĩ,…bị hạn chế về quyền hình ảnh hơn so với những người bình thường. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là đánh giá vai trò của hình ảnh cá nhân trong tổng thể bức ảnh? Nếu như đó là một bức ảnh tập thể, chụp tại nơi công cộng, những người xuất hiện ngẫu nhiên trong bức ảnh không thể đòi quyền cá nhân của mình. Tất nhiên, nguyên tắc này không thể áp dụng nếu người chụp chủ ý thực hiện bức hình cận cảnh một nhân vật trong đám đông. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng trong các loại hình tác phẩm khác. Chẳng hạn, trong văn học, tác giả có quyền tự do sáng tác tác phẩm dựa trên một câu chuyện có thật mà tác giả được truyền cảm hứng. Tuy nhiên, nếu tác phẩm đó làm người đọc liên hệ trực tiếp tới nhân vật ngoài đời thật, tác giả có thể bị kiện do xâm phạm quyền cá nhân.
Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các thợ ảnh đăng tải ảnh chụp người khác lên mạng xã hội như một cách để quảng cáo cho bản thân, mà không hề ý thức được rằng đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Mặc dù “người bấm nút” là tác giả của ảnh chụp, nhưng người thuê chụp ảnh mới là chủ sở hữu các quyền đối với tác phẩm đó. Khi đấy, chỉ có họ mới có toàn quyền khai thác tác phẩm, còn bất kỳ ai kể cả thợ chụp ảnh cũng phải xin phép nếu muốn sử dụng lại dưới bất kỳ hình thức nào. Không chỉ nhiếp ảnh gia mới cần cẩn thận, mà chính mỗi người dùng mạng xã hội cũng đều phải hết sức cân nhắc trước khi đăng tải các bức ảnh của người khác lên trang cá nhân của mình. Chúng ta đã quá quen với việc chụp ảnh “dìm hàng” bạn bè rồi đăng lên để trêu đùa vào các dịp đặc biệt như sinh nhật. Kể cả người đăng không có ý đồ xấu đi chăng nữa, nhưng nếu “khổ chủ” không hài lòng thì đó có thể sẽ là một rắc rối. Bởi lẽ, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý đều vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình.
Có thể thấy, những bức ảnh tưởng chừng đơn giản nhưng lại liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý khác nhau như quyền tác giả hay quyền cá nhân. Mỗi người, đặc biệt là doanh nghiệp, người làm dịch vụ phải lưu ý về việc sử dụng hình ảnh để quảng bá nếu không muốn vướng vào các rắc rối pháp lý không đáng có, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phổ biến như hiện nay.
- Bài viết được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 07/07/2022;
- Ảnh minh họa: Một bức ảnh chụp Kim tự tháp kính Louvre phải bị bôi đen để được đăng tải
Về tác giả
Nguyễn Lương Sỹ
Giảng dạy sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quản lý Singapore.