Tính nguyên bản theo thông luật và dân luật: hội tụ hay phân kì?
Tính nguyên bản (originality) là khái niệm trung tâm trong copyright – đây là một “bài kiểm tra đầu vào” để xác định tác phẩm bảo hộ, ai là tác giả và đồng thời xem xét các khiếu nại vi phạm. Tuy nhiên, mặc dù cả hai hệ thống thông luật (common law) và dân luật (civil law) đều sử dụng khái niệm “originality”, thuật ngữ này mang ý nghĩa khác nhau ở từng khu vực tài phán. Đó là chưa kể, ngay cả trong cùng một khu vực pháp lý, mức độ “originality” thay đổi tuỳ theo bản chất của tác phẩm (work).
Đối với hệ thống common law, việc bảo vệ copyright xuất phát từ thuyết vị lợi xem quyền được sao chép là một công cụ để thúc đẩy lợi ích công cộng. Việc sản xuất các đối tượng văn hóa như sách báo, âm nhạc, nghệ thuật và phim ảnh rất tốn kém, mất thời gian nhưng việc sao chép chúng thì khá dễ dàng. Do đó, không có biện pháp bảo vệ thích hợp sẽ khuyến khích việc “ăn cắp” (free-riding) và kết quả là các nhà sáng tạo sẽ mất đi động lực đầu tư. Do đó, copyright được cấp để cho phép các tác giả thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận.
Với cách tiếp cận thực tế như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Vương quốc Anh đặt ra ngưỡng “originality” thấp (cấp quyền bảo hộ cho bản ghi lại từ một bài phát biểu Walter v Lane [1900] AC 539, một đề thi toán University of London Press Ltd v University Tutorial Press Ltd: ChD 1916 và các bức ảnh về đồ cổ Antiquesportfolio.com plc v Rodney Fitch & Co Ltd [2001] FSR 345). Để được bảo hộ, tính nguyên bản ở UK chỉ yêu cầu 1) tác phẩm có nguồn gốc từ tác giả (không sao chép từ tác phẩm của người khác), 2) là kết quả từ việc thực hiện “lao động, kỹ năng và phán đoán” (labour, skills and judgement), và 3) rằng lao động không đơn giản (trivial). Luật không áp đặt bất kỳ tiêu chuẩn nào khác về tính mới, tính hữu dụng, tính sáng tạo, giá trị thẩm mỹ, chất lượng hoặc giá trị để một tác phẩm đủ điều kiện bảo hộ.
Mặt khác, từ góc độ civil law, việc bảo vệ quyền tác giả bị ảnh hưởng bởi các triết lý luật tự nhiên (natural rights). Nó được hình thành dựa trên ý tưởng rằng tác giả có quyền nhân thân và tác phẩm chính là biểu hiện của tư cách con người tác giả. Các tác phẩm được bảo vệ hợp pháp không phải vì chúng phục vụ lợi ích công cộng mà vì chúng là phần mở rộng nhân cách của tác giả, là yếu tố cần thiết để tác giả thực hiện “quyền tự do sáng tạo hoặc biểu đạt” và là phương tiện thể hiện sự tự nhận thức của mỗi người.
(Có thể đọc thêm sự khác biệt giữa hai khu vực này tại đây)
Do đó, rất dễ hiểu khi Pháp yêu cầu các tác phẩm bảo hộ phải mang “dấu ấn cá nhân của tác giả” (imprint of the author’s personality) trong khi Đức giới hạn bảo hộ đối với “những sáng tạo trí tuệ cá nhân… đòi hỏi một tiêu chuẩn tối thiểu về sự sáng tạo của tác giả và đóng góp cá nhân, chỉ nỗ lực và đầu tư nguồn lực để sản xuất tác phẩm thì không đủ.” Mặc dù các cơ quan tài phán dân luật đặt tiêu chuẩn về tính nguyên bản cao so với Vương quốc Anh, các tác phẩm “kém sáng tạo hơn” như ảnh hoặc bộ sưu tập đơn giản vẫn có thể được bảo vệ ở mức độ thấp hơn (không có quyền nhân thân) và/hoặc trong thời gian ngắn hơn. Ngoài ra, vì các nền tài phán civil law theo đuổi quan niệm lấy con người làm trung tâm nên việc mở rộng bảo hộ đối với các tác phẩm như cơ sở dữ liệu và chương trình máy tính trở nên khó khăn hơn. Do đó, nước Pháp đã phải nới lỏng tiêu chuẩn “originality” bằng cách chỉ yêu cầu tác giả thể hiện “mức độ tối thiểu về lựa chọn sáng tạo không bị hạn chế bởi yêu cầu của nhiệm vụ hoặc đưa ra lựa chọn chủ quan về nội dung hoặc bố cục của tác phẩm”. Ngược lại, Đức yêu cầu “mức độ sáng tạo đáng kể trong việc lựa chọn, tích lũy, sắp xếp và tổ chức so với khả năng trung bình chung” để đủ điều kiện được bảo hộ.
Sự khác biệt giữa các khu vực tài phán dẫn đến việc EU đã ban hành ba chỉ thị để hài hòa hóa việc bảo vệ bản quyền đối với cơ sở dữ liệu, phần mềm và ảnh, miễn chúng đáp ứng điều kiện là “sáng tạo trí tuệ của chính tác giả” (author’s own intellectual creation – AOIC). Tuy nhiên, trong vụ việc Infopaq, toà án công lý EU (CJEU) đã mở rộng tiêu chuẩn độc đáo này cho tất cả các tác phẩm khác có quyền tác giả (authorial works). AOIC sau đó được hiểu là chỉ yêu cầu tác giả “thể hiện khả năng sáng tạo trong quá trình sản xuất tác phẩm bằng cách đưa ra các lựa chọn tự do và sáng tạo” và do đó “đóng dấu tác phẩm” bằng “dấu ấn cá nhân” của mình. Phán quyết này không chỉ hạ thấp tiêu chuẩn “originality” đối với các nước civil law mà còn bỏ đi yêu cầu tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn hoặc đề xuất mức độ bảo hộ thấp hơn đối với các tác phẩm “kém sáng tạo” hơn.
Quan điểm về bản quyền ở common law có tính thực dụng cao, dễ thích ứng đối với các loại hình tác phẩm mới như cơ sở dữ liệu và phần mềm máy tính. Ngược lại, quan điểm civil law lấy con người làm trung tâm giúp củng cố giá trị khác biệt của nghệ thuật và sự sáng tạo của con người. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của nó khó có thể đáp ứng đối với các thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Bên cạnh đó, khía cạnh “lựa chọn sáng tạo” (yêu cầu tác giả đưa ra các lựa chọn tự do và sáng tạo) của án lệ EU phần nào giống vương quốc Anh ở yêu cầu “đánh giá” (judgment) bởi các đánh giá này là gì nếu không phải là khả năng lựa chọn hoặc thực hiện quyền quyết định?
Liệu rằng tính phân kì giữa hai nền tài phán common law và civil law có lớn như chúng ta thường nghĩ?
Image: Tim Johnson on Unsplash
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.