• Nhập đề: Như trong Tờ Trình dự án luật đã đề ra, đạo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở Hữu Trí Tuệ năm 2022 hứa hẹn sẽ đem lại những giải pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hiện đang tồn tại. Vậy thì chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu một số giải pháp khắc phục vướng mắc mà Đạo luật này đã đưa ra.

Phần I: Quy định chung về đồng tác giả

  • Nguyên tắc xác định tác giả: Chính sách đầu tiên trong tờ trình dự thảo đã đề cập đến việc làm rõ quy định về tác giả, tương ứng với đó là việc bổ sung Điều 12a. Đây là quy định kế thừa từ các quy định cũ (từ Điều 745 Bộ luật Dân sự 1995 cho đến Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP), vốn đã nhất quán xác định rằng: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm; còn người hỗ trợ, góp ý kiến không phải là tác giả, đồng tác giả.

Ngoài quy định trên, Điều 12a còn bổ sung thêm hai điểm mới như sẽ được làm rõ ngay sau đây. Lưu ý: để đơn giản hóa, những phân tích sau sẽ giả định rằng tác giả cũng đồng thời cũng là chủ sở hữu quyền tác giả.

Điểm mới thứ nhất: Làm rõ tư cách đồng tác giả

  • Nội dung quy định: Điều 12a.2 đã quy định chỉ những người “cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh” thì mới được xem đồng tác giả. Quy định này đưa ra hai yếu tố: (i) cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm và (ii) chủ ý về một sự kết hợp tổng thể hoàn chỉnh.

Yếu tố (i) hiển nhiên hợp lý vì đồng tác giả cũng là một tác giả, vậy trước hết họ cũng phải đủ điều kiện của một tác giả, tức phải trực tiếp thực hiện việc sáng tạo. Do đó, điểm mới quan trọng của quy định này nằm ở yếu tố thứ (ii). Cần lưu ý rằng, mặc dù câu từ không rõ ràng, nhưng ta có thể hiểu rằng chủ ý được đề cập phải là chủ ý của các tác giả chứ không thể là chủ ý đơn phương của một người.

  • Lợi ích của sự thay đổi: Có thể thấy rằng, yếu tố (ii) đã giúp loại trừ một số trường hợp có khả năng gây nhầm lẫn với tác phẩm phái sinh – tác phẩm được sáng tạo mà không cần đến chủ ý hợp tác hoặc chỉ có chủ ý đơn phương của một người. Với quy định này, các tác phẩm được một người đơn phương sáng tác trên nền của một tác phẩm khác (ví như việc một bài hát được tạo ra bằng cách thêm lời cho các bản giao hưởng của Mozart) sẽ không còn được tranh cãi rằng đó có phải là tác phẩm đồng tác giả hay không.
  • Rủi ro: Điều luật hiện hành dường như không đưa ra bất kỳ ràng buộc nào thời điểm sáng tạo của các tác giả cũng như thời điểm thể hiện chủ ý hợp tác này, rằng ý định phải xuất hiện tại thời điểm sáng tạo hay có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào? Ví dụ như tác giả một bài báo đã xuất bản năm 1990, có trở thành đồng tác giả một cuốn sách xuất bản năm 2022 vì nội dung cuốn sách có in lại bài báo và người này cùng những tác giả còn lại đã thống nhất rằng: “sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh”?
  • Góc so sánh: Ở Hoa Kỳ, các đồng tác giả không bắt buộc phải sáng tạo ra tác phẩm trong cùng thời điểm, nhưng ý định hợp tác của họ bắt buộc phải có tại thời điểm thực hiện sáng tạo[1]. Dựa theo nguyên tắc này, tác giả bài báo của ví dụ kể trên sẽ không có được tư cách của một đồng tác giả.

Điểm mới thứ hai: Nguyên tắc khai thác tác phẩm đồng tác giả

  • Nội dung quy định: Theo đó, Điều 12a.3 đã minh thị khẳng định nguyên tắc thỏa thuận của các đồng tác giả trong việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản, kèm theo đó là hai ngoại lệ: khi (i) tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác; và khi (ii) luật khác có quy định khác.
  • Lợi ích của sự thay đổi: Đạo luật hiện hành chỉ có một số chỉ dấu rằng việc công bố, phân phối tác phẩm (§28.4); chuyển nhượng (§45.3); cho phép sử dụng (§47.3); đăng ký (§50) quyền tác giả phải được sự đồng ý của các đồng tác giả/chủ sở hữu. Luật không nhắc đến sự thỏa thuận trong việc đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm; cũng như liệu một trong số các đồng tác giả có quyền tự khai thác tác phẩm hay không? Song, ngày nay vấn đề trên đã được giải quyết: tất cả phải dựa trên thỏa thuận. Nguyên tắc trên thoạt trông có vẻ hợp lý nhưng vẫn có thể gây tranh cãi.
  • Rủi ro thứ nhất: Đầu tiên, quy định tại Điều 47.3 và 45.3 hiện hành về việc chuyển nhượng và cho phép sử dụng quyền tác giả không đề cập đến vấn đề “phương hại đến phần của đồng tác giả khác”. Vậy thì mối tương quan giữa hai quy định này và nguyên tắc tại Điều 12a là gì? Liệu ý đồ của nhà lập pháp là việc tự mình thực hiện quyền của mình phải không gây ảnh hưởng đến những người còn lại, nhưng khi chuyển giao các quyền này thì không cần quan tâm đến việc có gây ảnh hưởng hay không?

Một cách hợp lý, quy định tại Điều 12a phải là nguyên tắc chính và bao hàm cả Điều 47.3 và 45.3, song nội dung này vẫn chưa được khẳng định và vẫn có thể tạo ra xung đột.

  • Rủi ro thứ hai: Liệu có hợp lý khi một đồng tác giả muốn sao chép tác phẩm cho riêng mình thì cũng phải có sự đồng ý của những tác giả? Hay nói theo cách khác là liệu có trường hợp ngoại lệ nào cho sự thỏa thuận, một khi các tác giả không thể thống nhất với nhau hay không? Và việc bảo vệ quyền có bao hàm trong khái niệm thực hiện quyền, cụ thể như trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và việc xử lý việc xâm phạm các quyền tài sản có phải cần sự thỏa thuận hay không? Liệu một đồng tác giả có thể tự bảo vệ quyền của mình hay không? Quy định trên chưa đưa ra một đáp án rõ ràng.

Song, nếu dựa theo Bộ luật dân sự thì có thể câu trả lời là không cần sự thỏa thuận vì nguyên tắc tại Điều 11 Bộ luật này đã nêu rõ: Khi quyền dân sự của cá nhân (không phân biệt là quyền đó thuộc của chung hay riêng) bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ …

  • Rủi ro thứ ba: Một sự bổ sung đáng chú ý của Điều 12a.3 nằm ở ngoại lệ thứ (i). Điều này có nghĩa là tác giả phần lời của một bài hát (như một ví dụ điển hình) sẽ chỉ được sử dụng quyền của mình một cách độc lập nếu người này chứng minh được rằng việc sử dụng của họ đáp ứng điều kiện “không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác”. Song, hiểu như thế nào là phương hại? Và đối tượng bị phương hại ở đây là gì: là các quyền tài sản và nhân thân của các đồng tác giả? hay là danh dự, uy tín của người này? Nói theo cách khác, vì thiếu rõ ràng, ngoại lệ trên có khả năng không áp dụng được trên thực tế và do đó gây cản trở việc thực hiện quyền của các đồng tác giả.
  • Rủi ro thứ tư: Ngoài các vấn đề trên, quy định của Điều 12a.3 còn có một lỗi kỹ thuật lập pháp. Cụ thể hơn là quy định trên không đưa ra các ngoại lệ nào cho trường hợp các đồng tác giả không còn là chủ sở hữu quyền tài sản. Do đó, nếu bám sát câu chữ của quy định thì khi các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là những người khác nhau, và chủ sở hữu muốn sử dụng các quyền tài sản của mình thì người này cũng buộc phải xin phép từ sự thỏa thuận của các đồng tác giả (vốn chỉ còn nắm giữ các quyền nhân thân).

Tuy nhiên, có thể hiểu rằng đây là một lỗi lập pháp mà nhà làm luật không mong muốn. Bởi lẽ, nếu áp dụng nguyên tắc phải xin phép các đồng tác giả, bất kể những người này có phải là chủ sở hữu quyền hay không, thì sẽ dẫn đến sự bất hợp lý về nhiều điểm:

(i)     Trước hết là tạo ra sự bất nhất, vì chỉ đặt ra yêu cầu với trường hợp tác phẩm có đồng tác giả mà không đặt ra đối với các trường hợp thông thường (khi tác phẩm chỉ có một tác giả); trong khi đồng tác giả cũng chỉ là một trường hợp cá biệt nằm trong quy chế về tác giả nói chung. Nói theo cách khác, quyền của đồng tác giả cũng phải tương tự quyền của một tác giả trong trường hợp bình thường. Điểm khác biệt giữa hai trường hợp chỉ đặt ra trong quan hệ nội bộ giữa những người có quyền. Do đó, nếu một tác giả thông thường không có quyền can thiệp khi người này không còn là chủ sở hữu quyền tác giả thì theo người viết, các đồng tác giả cũng phải chịu cùng cảnh ngộ.

(ii)    Về mặt nguyên tắc (lý thuyết), một người không có quyền thì không thể ngăn cản người khác thực hiện các hành vi bị quyền đó hạn chế. Đồng thời, nếu không có quyền thì cũng sẽ không có tố quyền (quyền khởi kiện và quyền tự bảo vệ nói chung) vì không tồn tại lợi ích được nhà nước thừa nhận sự bảo vệ. Vì vậy mà, các đồng tác giả khi chuyển giao quyền tài sản (theo ý chí của mình, hay bị luật áp đặt) thì cũng đồng thời làm chấm dứt khả năng chi phối việc khai thác tác phẩm. Khi đó, tác giả chỉ có thể can thiệp trong một số trường hợp hạn hữu khi việc khai thác làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân của mình.

(iii)   Về mặt tương quan giữa các quy định, thì quyền tài sản (thuộc quyền tác giả) là các “độc quyền” mà điều 20 đã công nhận cho chủ sở hữu. Do đó, việc thực hiện các quyền này chỉ phải xin phép chủ sở hữu quyền mà thôi.

Do đó, có thể hiểu rằng nguyên tắc nêu tại Điều 12a.3 chỉ được áp dụng trong các trường hợp các đồng tác giả vẫn còn nắm giữ các quyền tài sản mà thôi. Nói theo cách khác, nguyên tắc phải được hiểu là: khi có nhiều người cùng có quyền đối với tác phẩm, thì việc sử dụng quyền đó phải được sự thống nhất của các chủ thể quyền.

  • Góc so sánh: Ở Hoa Kỳ, cả hai trường hợp đồng chủ sở hữu quyền tác giả và đồng tác giả đều được áp dụng chung dưới chế định về “joint work”[2]. Theo đó, các đồng tác giả cũng như đồng chủ sở hữu quyền tác giả có quyền tự mình khai thác tác phẩm (và do đó cũng có quyền tự bảo vệ), với điều kiện phải chia sẻ một phần lợi nhuận cho các đồng chủ sở hữu/tác giả còn lại và việc khai thác này không được làm giảm đi giá trị của tác phẩm[3].

Phần II: Các trường hợp đồng tác giả đặc biệt – Tác phẩm Điện ảnh và Sân khấu

  • Nhập đề: Bên cạnh việc bổ sung các quy định chung cho phép xác định tác giả/đồng tác giả và nguyên tắc khai thác tác phẩm đồng tác giả, Luật SHTT sửa đổi còn chỉnh sửa một số quy định khác có liên quan đến trường hợp đồng tác giả, mà một trong số đó là quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu (§21). Nhưng liệu các quy định tại Điều 21 có tương thích với các quy định chung về đồng tác giả ở Điều 12a? Chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu nhé.
  • Tổng quan về Điều 21: Điều 21 Luật SHTT hiện hành được quy định thành ba khoản, trong đó: khoản 1 quy định về các đồng tác giả hay những người được hưởng quyền nhân thân (trừ quyền công bố) đối với tác phẩm điện ảnh và tác phẩm sân khấu; khoản 2 quy định về chủ sở hữu hay những người được hưởng quyền tài sản và quyền công bố; và khoản 3 quy định về nguyên tắc chủ sở hữu phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho các đồng tác giả.

Trong khi đó, Điều 21 theo Luật sửa đổi chỉ còn lại hai khoản: khoản 1 quy định về tác phẩm điện ảnh và khoản 2 quy định về tác phẩm sân khấu. Song, về thực chất nguyên tắc chi phối của hai điều khoản này là tương nhau cả về cấu trúc và nội dung, sự khác biệt chủ yếu chỉ nằm ở mặt kỹ thuật thuộc về bản chất của các tác phẩm chứ không nằm ở nguyên tắc pháp lý. Ví dụ như: nếu khoản 1 đề cập đến biên kịch thì ở khoản 2 sẽ gọi là tác giả kịch bản sân khấu; hay như nếu khoản 1 đề cập đến việc sản xuất tác phẩm điện ảnh thì tại khoản 2 sẽ gọi là xây dựng tác phẩm sân khấu. Do đó, để đơn giản, các phân tích sau đây sẽ chỉ đề cập đến một khoản trong Điều 21, và trừ các trường hợp đặt biệt được nêu rõ, các phân tích này cũng có thể được áp dụng cho khoản còn lại.

  • Những sửa đổi cơ bản: Về tổng thể quy định tại Điều 21 sửa đổi đã kế thừa và làm rõ hơn các quy định tại Điều 21 hiện hành. Trước hết, các nguyên tắc tại khoản 2 và 3 của quy định cũ, nay đã được gộp lại thành một điều khoản duy nhất – điểm c. Ngoài ra, thay vì quy định chung chung những người được xem là đồng tác giả tác phẩm điện ảnh, Điều 21 sửa đổi đã tách bạch hai nhóm tác giả: một nhóm được hưởng đủ quyền nhân thân, trừ quyền công bố (điểm a) và một nhóm chỉ được hưởng quyền đứng tên trên tác phẩm (điểm b). Kế đến, Điều 21 còn bổ sung quy định về việc chủ sở hữu có thể thỏa thuận với các tác giả (có đủ quyền nhân thân) về việc đặt tên và sửa đổi tác phẩm (điểm d). Và, cuối cùng là bổ sung quy định về việc khai thác độc lập các tác phẩm có trong tác phẩm điện ảnh (điểm đ).

Như vậy, có thể xem Điều 21 sửa đổi đã đưa ra 03 điểm mới đáng chú ý. Song, điểm mới về việc thỏa thuận đặt tên và sửa đổi tác phẩm (điểm d) vốn là một quy định làm rõ nội dung của Điều 19 sửa đổi. Vì vậy, sẽ phù hợp hơn khi nội dung này được phân tích trong mối tương quan với Điều 19 sửa đổi – điều mà chúng ta sẽ làm trong một dịp khác. Do đó, trong phần tiếp theo chúng ta sẽ chỉ đề cập đến hai điểm mới tại Điều 21 sửa đổi.

Điểm mới thứ nhất: Làm rõ tư cách tác giả/đồng tác giả

  • Nội dung quy định: Điều 21.1(a) nói rằng chỉ có biên kịch và đạo diễn được hưởng gần như đầy đủ các quyền nhân thân, còn người quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh chỉ có quyền được nêu tên (điểm b).

Ở đây có một sự khác biệt giữa tác phẩm sân khấu và tác phẩm điện ảnh. Theo đó, trong tác phẩm sân khấu, người hưởng trọn quyền nhân thân chỉ có mỗi tác giả kịch bản (§21.2(a)), còn đạo diễn sân khấu thì chỉ được hưởng quyền nêu tên (§21.2(b)). Song, không chỉ dừng lại đó Điều 21.2(b) còn nói rằng tác giả tác phẩm văn học – có thể hiểu là tác phẩm nguồn mà từ đó được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu – cũng có quyền được nêu tên.

Bên cạnh đó, cũng có một điểm cần phải lưu ý thêm rằng Điều luật không đưa ra bất kỳ quy định nào xác định tư cách tác giả tác phẩm điện ảnh/sân khấu. Vậy thì liệu ai sẽ là tác giả, là những người được quy định tại điểm a hay điểm b hay là cả hai?

  • Tác giả của tác phẩm điện ảnh/sân khấu? Theo đó, mặc dù không được Luật SHTT nói rõ, nhưng có thể hiểu rằng tác giả phải luôn là người nắm giữ những quyền nhân thân không thể chuyển giao (quyền đặt tên, đứng tên và bảo vệ sự toàn vẹn). Thực chất, đây cũng là một nghĩa vụ theo Điều 6bis Công ước Berne – một nghĩa vụ mà Việt Nam không bảo lưu khi tham gia Công ước. Song, cũng chính vì đặc tính không thể chuyển giao được, nên cũng có thể suy luận ngược lại rằng: nếu một người nắm giữ một cách đầy đủ các quyền nhân thân không thể chuyển giao này, thì họ ắt phải là người có tư cách tác giả.

Do đó, một cách hợp lý, chỉ những người được nêu tại Điều 21.1(a) mới được xem là các tác giả thực sự của tác phẩm điện ảnh. Áp dụng cách suy luận tương tự cho Điều 21.2(a) thì ta có thể kết luận rằng chỉ có tác giả kịch bản mới được xem là tác giả của tác phẩm sân khấu (nói cách khác, tác phẩm sân khấu giờ đây chỉ còn duy nhất một tác giả).

  • Độ vênh giữa quy định chung và riêng: Vấn đề đặt ra là liệu Điều 21 có tương thích với Điều 12a trong việc xác định tư cách tác giả hay không? Theo Điều 12a, được xem là đồng tác giả – và do đó cùng nắm giữ các quyền nhân thân – là những người “cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh”. Trong khi đó, Điều 21 lại đưa ra một quy định cứng trong việc xác định đồng tác giả và khác hẳn với nguyên tắc kể trên: chỉ có những người được nêu tại điểm a (đạo diễn, biên kịch) mới được xem là tác giả do hưởng đủ quyền nhân thân, còn những người khác, dù có thực hiện các công việc sáng tạo đối với tác phẩm và có cùng một chủ ý về việc kết hợp thành một tổng thể, cũng chỉ có quyền được nêu tên nên sẽ không được xem là tác giả.

Rõ ràng, với quy định cứng như trên, Điều 21 đã không đi theo nguyên tắc mà Điều 12a đặt ra. Và, mặc dù Điều 12a đã không minh thị đặt ra ngoại lệ, nhưng dưới bối cảnh của một đạo luật thống nhất, Điều 21 phải được xem là một ngoại lệ của Điều 12a.

  • Ảnh hưởng của sự thay đổi: Không thể phủ nhận rằng, với việc quy định rõ các chủ thể được hưởng quyền, cũng như nội dung các quyền được hưởng, đã làm cho việc thực thi quyền trở nên được rõ ràng và khả thi hơn. Bên cạnh đó, việc giới hạn lại các chủ thể có quyền nhân thân, ít nhiều cũng làm cho việc thỏa thuận về việc đặt tên tác phẩm, trả tiền nhuận bút, thù lao và sửa đổi tác phẩm điện ảnh/sân khấu trở nên dễ dàng hơn trước.

Đối với tác phẩm điện ảnh, thì về mặt thực tế, việc chỉ thay đổi quy định trong việc xác định tư cách đồng tác giả cũng không gây ra ảnh hưởng đáng kể đến việc bảo hộ và khai thác loại hình tác phẩm này. Lý do là vì tác phẩm điện ảnh đã luôn chịu sự chi phối bởi một quy chế riêng so với các tác phẩm khác, từ nội dung quyền tài sản, thời hạn bảo hộ, cho đến các trường hợp giới hạn quyền. Nguyên nhân sâu xa của việc có một quy chế riêng xuất phát từ tính cách đặc biệt của tác phẩm điện ảnh: một loại hình tác phẩm bao hàm trong đó là sự kết hợp sáng tạo của nhiều tác phẩm khác nhau để tạo thành một thể thống nhất[4], nhưng trong hầu hết trường hợp người nắm giữ quyền khai thác tác phẩm luôn là nhà sản xuất (như được đề cập trong Điều 14bis Công ước Berne).

Còn về tác phẩm sân khấu, Điều 21 sửa đổi còn đem lại một hệ quả đáng chú ý ở việc rút ngắn thời hạn bảo hộ. Theo đó, thời hạn bảo hộ các quyền tài sản đối với tác phẩm sân khấu cũng được xác định như bao tác phẩm thông thường khác vốn đều dựa trên năm tác giả hoặc đồng tác giả sau cùng chết. Trong khi đó, với quy định mới, tác giả tác phẩm sân khấu từ trạng thái có đồng tác nay chỉ còn lại duy nhất một tác giả. Rõ ràng, tương ứng với việc giảm số lượng tác giả thì thời hạn bảo hộ tác phẩm sân khấu cũng sẽ bị giới hạn lại.

  • Vấn đề chưa rõ: Có một điểm được đặt ra là tại sao đối với tác phẩm sân khấu, người đạo diễn lại không được công nhận là tác giả? Nguyên tắc chung là người sáng tạo ra tác phẩm phải được công nhận là tác giả. Vậy nếu đạo diễn sân khấu là người dàn dựng tác phẩm sân khấu, chịu trách nhiệm về dàn cảnh, âm thanh, ánh sáng, các phương tiện kỹ thuật[5], … nói cách khác là người thực hiện việc kết hợp một cách sáng tạo các tác phẩm rời rạc thành một tác phẩm sân khấu thống nhất thì họ cũng phải được công nhận là tác giả. Vậy thì lý do nào làm cho quy định mới trực tiếp loại trừ đạo diễn khỏi tư cách tác giả tác phẩm sân khấu?

Thực chất, tác phẩm sân khấu hay đúng hơn là tác phẩm kịch – dramatic work, được hiểu là một tác phẩm chuyển động (work of action) có nội dung phù hợp để có thể được biểu diễn[6]. Tác phẩm sân khấu, vì vậy, không phải là bản thân vở diễn được trình bày trên sân khấu và cũng không đặc trưng bởi sự kết hợp các yếu tố sáng tạo như tác phẩm điện ảnh. Thay vào đó, tác phẩm sâu khấu được đặc trưng bởi sự kết hợp chuỗi các tình huống tạo thành chủ đề hay cốt truyện[7]. Chính ở đặc điểm này mà tác phẩm sân khấu thường được định hình dưới hình thức kịch bản và cũng có thể được xem là một loại tác phẩm viết[8]. Song, bởi bản chất đặc thù của mình, không phải lúc nào tác phẩm sân khấu cũng có thể được thể hiện bằng kịch bản, điển hình như là tác phẩm vũ đạo (dance – choreography). Tóm lại, với cách hiểu như trên, ta có thể phần nào hiểu được vì sao tư cách tác giả tác phẩm sân khấu chỉ thực sự thuộc về tác giả kịch bản.

  • Góc so sánh: Theo tìm hiểu riêng của người viết, vấn đề xác định tác giả của tác phẩm sân khấu – dramatic work trong luật của nhiều nước (như Anh, Pháp và Nhật) không được đề cập trong một điều luật riêng. Điều này có nghĩa là vấn đề tác giả sẽ được xác định theo nguyên tắc chung: tức là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Song, đến lượt mình, vấn đề xác định như thế nào là một tác phẩm sân khấu lại là một vấn đề riêng thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia và đã vượt quá phạm vi giới thiệu của bài viết này.

Đối với tác phẩm điện ảnh, vấn đề đối chiếu pháp luật nước ngoài có vẻ sẽ không mang lại nhiều ích lợi vì việc xác định tác giả tác phẩm điện ảnh ở các nước khá là khác nhau. Ví dụ như, ở Pháp, sau khi đưa ra nguyên tắc chung rằng tác giả là những người sáng tạo ra tác phẩm nghe nhìn, Điều L113-7 Bộ luật SHTT 1992 còn đưa ra quy định về việc suy đoán các đồng tác giả của tác phẩm điện ảnh, bao gồm trong đó: đạo diễn, tác giả của kịch bản, của bản chuyển thể, của lời thoại, của phần âm nhạc. Trong khi đó, tác giả một bộ phim theo luật của Anh lại chỉ bao gồm: đạo diễn chính (principal director) và nhà sản xuất (§9(2)(ab), Đạo luật về Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế năm 1988). Còn ở Nhật, Điều 16 Luật Bản quyền quy định tác giả là người có đóng góp sáng tạo vào tổng thể tác phẩm thông qua việc chịu trách nhiệm sản xuất, chỉ đạo, dàn dựng, quay phim, chỉ đạo nghệ thuật, v.v., mà không phải là tác giả của tiểu thuyết, kịch bản, âm nhạc, trừ các trường hợp tác phẩm được giao trên cơ sở giao nhiệm vụ.

Điểm mới thứ hai: Nguyên tắc khai thác độc lập các tác phẩm

  • Nội dung quy định: Điều 21(đ) nói rằng nếu kịch bản, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm văn học trong tác phẩm điện ảnh/sân khấu được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của những đối tượng đó được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
  • Lợi ích của sự thay đổi: Điều luật trước hết đã làm rõ ý tưởng về việc bảo hộ và khai thác độc lập các tác phẩm (có tính độc lập) được sử dụng, kết hợp để tạo ra tác phẩm điện ảnh/sân khấu. Thoạt trông, nguyên tắc này có vẻ giống với quy định tại Điều 12a(3) về việc sử dụng độc lập các phần trong tác phẩm đồng tác giả. Song, cần phải làm rõ rằng, nguyên tắc này khác hẳn với nguyên tắc tại Điều 12a.

Theo đó, Điều 12a chỉ áp dụng cho trường hợp tác phẩm đồng tác giả, và phần được sử dụng độc lập là phần sáng tạo của các đồng tác giả. Trong khi đó, phần được sử dụng độc lập trong tác phẩm điện ảnh/sân khấu (trừ kịch bản) lại là phần sáng tạo của những cá nhân không phải là đồng tác giả. Nói theo cách khác, vì không có tư cách đồng tác giả, những người góp phần sáng tạo vào tác phẩm điện ảnh/sân khấu mà không phải là đạo diễn, biên kịch sẽ không chịu sự chi phối của Điều 12a, thay vào đó quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ theo các nguyên tắc chung về quyền tác giả.

Có một vấn đề đặt ra là Điều 21.1(đ) có nhắc đến kịch bản, trong khi đó, tác giả kịch bản lại là một đồng tác giả tác phẩm điện ảnh. Vậy thì liệu có sự xung đột giữa Điều 21.1(đ) và Điều 12a(3) hay không? Câu trả lời có thể là không vì chính Điều 12a(3) cũng đưa ra ngoại lệ cho phép luật quy định khác. Vì vậy cũng có thể hiểu rằng Điều 21.1(đ) là một trong những ngoại lệ mà Điều 12a(3) đã đề cập. Thực chất việc sử dụng kịch bản trong trường hợp này cũng không gây ảnh hưởng đáng kể đến việc khai thác tác phẩm điện ảnh, vì về bản chất kịch bản khác với bộ phim cả trong hình thức thể hiện và khách hàng tiêu thụ.

Như vậy, về mặt tổng quát, Điều luật thực chất chỉ làm rõ cái nguyên tắc đang có trong việc bảo hộ quyền tác giả chứ không đưa ra những nội dung, nguyên tắc mới.

  • Rủi ro: Điều 21(đ) chỉ nhắc đến tác phẩm âm nhạc và tác phẩm văn học, vậy còn những tác phẩm khác như tác phẩm mỹ thuật, thiết kế trang phục, … thì sao? Liệu các tác phẩm này có thể được bảo hộ độc lập hay không? Điều luật không cho câu trả lời rõ ràng và cũng có thể gây ra những tranh cãi nhất định.

Song, nếu dựa theo các nguyên tắc chung thì việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm này vốn đã phát sinh tự động khi tác phẩm được định hình (§6). Vậy thì nếu không có bất kỳ giới hạn nào đối với nguyên tắc chung, cũng như công việc sáng tạo các tác phẩm được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh/sân khấu không luật được công nhận là đã góp phần tạo ra một tác phẩm đồng tác giả, thì hiển nhiên, các tác giả phải được bảo hộ một cách độc lập đối với sản phẩm sáng tạo của mình./.


[1] Marshall. A Leaffer, Understanding Copyright law, 7th edition, Carolina Academic Press, 2019, no.506 [B].

[2] Ibid, no.506 [D],

[3] Ibid, no.506 [E].

[4] Nguyễn Vân Nam, Quyền tác giả: Đường hội nhập không trải hoa hồng, NXB Trẻ, 2017, số 376, tr.99.

[5] Tham khảo https://saigonact.edu.vn/products/dao-dien-san-khau, truy cập ngày 19/7/2022; và Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11 tháng 12 năm 2015 Quy định về quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh.

[6] Charlotte Waelde, Abbe Brown, Jane Cornwell, Smita Kheria, Contemporary Intellectual Property: Law and Policy, 4th, Oxford University Press, 2016, no.2.66, p.69; Mihály Ficsor, Guide to the copyright and related rights treaties administered by WIPO and glossary of copyright and related rights terms, WIPO, 2003, no.BC-2.26, p.26.

[7] Seltzer v. Sunbrock, 22 F. Supp. 621 (U.S.: District Court, S.D. California, 1938) dẫn lại từ David Vaver, Principles of Copyright: Cases and Materials, WIPO, 2002, p.61.

[8] Mihály Ficsor, supra note 6.

 

Về tác giả

Previous post XĂM “SAI” HAY XĂM “ ĐÚNG”
Next post Tính nguyên bản theo thông luật và dân luật: hội tụ hay phân kì?
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products