Hôm trước tôi có cơ hội kết nối lại với một em tình nguyện viên mà chúng tôi có duyên quen biết từ năm 2013 ở một chương trình tình nguyện ở Hà Nôi. Chúng tôi rất vui vẻ hàn huyên nhiều chuyện cũ, em giờ là một tác giả viết báo, viết bài cho các website hoặc các công ty, cũng có tên tuổi; ngược lại với em, tôi vẫn đi làm công từ 9h sáng tới 5h chiều, không tên tuổi, và là con mọt sách chính hiệu.
Em rất hãnh diện khoe tôi một số bài em viết và tôi cũng háo hức đọc, nhưng lối hành văn của em trong các bài e viết có một số đoạn hơi lạ, nghe hơi “ không xuôi”, nhưng sống ở nước ngoài lâu, tôi nhận ra lối hành văn này. Tôi có hỏi em “ em chép từ nguồn nước ngoài nào hả?”, em cười cười bảo tôi “ em dịch từ bài trên blog của mấy người nước ngoài đó” , tôi nói “ sao em ko ghi nguồn?”, câu trả lời của em khiến tôi té ngửa “ ủa, sao phải ghi nguồn, người ta đâu có biết e dùng đâu mà ghi nguồn, bên đối tác cũng không biết, coi như em chưa nghe thấy chị nói nha, không biết ko có tội nha”.
Đức Phật nói nhân nào quả đó, chúng ta nếu lấy trộm lấy cắp của người khác, dù là tài sản hữu hình hay tài sản vô hình đều sẽ nhận quả báo, sớm hay muộn, sẽ có người ăn cắp tài sản của chúng ta, trí tuệ của chúng ta.
Nhưng quả báo sẽ đến muộn hơn những chia sẻ kiến thức trong bài này, để nếu các em tôi có đọc được hoặc ai đó đọc được sẽ dừng việc lấy sản phẩm của người khác làm của mình, và nói rằng “ không biết không có tội”.
Nhưng hẵng khoan nghĩ ngợi buồn phiền về lối suy nghĩ của em, hãy phân tích hành vi của em trước. Hành vi của em tình nguyện viên là đạo văn hay là vi phạm bản quyền? Hai khái niệm này khác nhau thế nào?
Theo từ điển Merriam-Webster, “đạo văn” có nghĩa là:
ăn cắp và chuyển giao (ý tưởng hoặc lời nói của người khác) thành của riêng mình để sử dụng mà không ghi nguồn, và trình bày dưới dạng mới dựa trên ý tưởng nguyên bản hoặc tác phẩm đã có. Đạo văn là một hành vi gian lận. Nó bao gồm việc ăn cắp tác phẩm của người khác và nói dối về nó sau đó.
Vậy còn vi phạm bản quyền thì sao?
Văn phòng bản quyền Mỹ định nghĩa “Bản quyền là một hình thức bảo vệ do luật pháp cung cấp cho các tác giả của “tác phẩm gốc có quyền tác giả” được ấn định trong bất kỳ phương tiện biểu đạt hữu hình nào” (USPTO).
Và vi phạm bản quyền là “Bất kỳ ai, mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền, thực hiện vào bất kỳ hành vi nào nằm trong một hoặc nhiều quyền độc quyền của chủ sở hữu bản quyền đều là hành vi vi phạm bản quyền trừ khi hành vi đó được chủ sở hữu bản quyền cho phép hoặc được phép bởi một ngoại lệ trong luật bản quyền. Hành vi vi phạm bản quyền được cấu thành mà không phụ thuộc vào ý định hoặc trạng thái của người vi phạm. Nói cách khác, không có gì khác biệt nếu người vi phạm biết hay không biết những gì họ đang làm cấu thành hành vi vi phạm bản quyền.“ (CopyrightAliance.org)
Có rất nhiều khúc mắc và nhầm lẫn xoay quanh hai hành vi này. Dù rằng chúng cùng được cho là hành vi sử dụng tác phẩm của người khác một cách sai trái, nhưng về mặt pháp lý mà nói, nếu tách chúng ra thành hành động riêng biệt thì: vi phạm bản quyền là bất hợp pháp trong khi đạo văn thì không.
Nếu đạo văn là vấn đề về lương tâm, về đạo đức thì vi phạm bản quyền được nhắc tới nhiều hơn về hậu quả pháp lý, kiện tụng, và bồi thường thiệt haị.
Hãy xem một số ví dụ về hai hành vi này:
- Một học sinh học bộ môn triết học sao chép 1000 từ trong cuốn sách triết hoặc bài luật triết của một giáo sư nhưng không trích dẫn nguồn, khiến các giáo viên nghĩ rằng những thông tin có được trong 1000 từ này là “hàng thật giá thật” mà cậu học sinh này tự sáng tạo ra/ tự viết ra. Tuy nhiên hành vi này không gây thiệt hại kinh tế cho giáo sư người viết cuốn sách, nên thường không suy xét là hành vi vi phạm bản quyền. Nhưng đây là đạo văn.
- Một học sinh khác sao chép cả cuốn sách văn học vào bài luận của mình, rồi đăng lên báo trường, dù có trích nguồn, nhưng chưa được sự đồng ý của tác giả mà sao chép 100%, hành vi này trong nhiều trường hợp, là vi phạm bản quyền, nhưng không phải đạo văn.
- Một cô gái thập phần xinh đẹp nhưng không quá thông minh sao chép tác phẩm của một tác giả nào đó không xinh bằng cô ( nhưng thông minh hơn cô), gửi cho nhà xuất bản và nói rằng tác phẩm này là cô viết 100%, hãy xuất bản nó đi và xuất bản dưới tên cô. Đây là hành vi đạo văn kết hợp hành vi vi phạm bản quyền.
Hành vi của em tình nguyện viên mà tôi quen, hành vi mà em nói “ không biết không có tội” rất nghiêm trọng, vì nó là vấn đề cả về đạo đức và vấn đề về pháp lý. Em sao chép bài của tác giả ở một nước xa xôi nào đó, không ghi nguồn, bán cho bên thứ hai, bên thứ ba, thứ tư và nhận rằng hoặc khiến họ ngộ nhận rằng đó là tác phẩm của em thì em vừa đạo văn vừa vi phạm bản quyền.
Hành vi đạo văn trong thế giới internet thường đi kèm với hành vi vi phạm bản quyền, bởi vì tài liệu dễ ăn cắp, dễ đaọ nhái, dễ vi phạm, lại khó truy vết vì vấn đề rào cản ngôn ngữ và biên giới đa quốc gia. Nhưng, chính bởi vì hành vi đạo văn và vi phạm bản quyền của nhiều cá nhân ở VN mà khi vụ việc lộ ra, với số lượng ngày một tăng, các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo, các nhà văn, và các nhà làm mảng nội dung truyền thông quốc tế rất dè dặt hợp tác với VN làm các dự án lớn. Đây là cái chúng ta gọi “ lợi ích cá nhân nhưng thiệt hại cộng đồng”
Nếu các nạn nhân không thể theo đuổi người vi phạm về mặt pháp lý, họ sẽ sử dụng ảnh hưởng cộng đồng để để lại cho người vi phạm hậu quả về lương tâm và tai tiếng trong một thời gian dài. Cách suy nghĩ “ không biết không có tội” không phù hợp với một xã hội coi trọng chất xám và nhìn nhận sở hữu trí tuệ là tài sản rất có giá trị như xã hội hiện nay.
Đạo văn hay thực hiện các hành vi phạm bản quyền không hề có ích, ngược lại làm thui chột khả năng sáng tạo và phát minh của mỗi cá nhân, và từ đó làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cộng đồng và quốc gia.
Vì thế, với xu hướng rõ rệt rằng VN đang tiến vào nền kinh tế tri thức, mong chúng ta sẽ tôn trọng không chỉ sản phẩm trí tuệ của bản thân mà còn của người khác, của cộng đồng; mong các cá nhân sẽ thực sự sử dụng chất xám của bản thân tạo ra sản phẩm hay và đặc sắc, góp phần vào sự đi lên của nền kinh tế nước nhà, và xin đừng lấy lí do “ không biết không có tội” để biện hộ cho hành vi đạo văn và vi phạm bản quyền của mình.
Tác giả: Tram Nguyen
- Bài viết tham khảo thông tin từ nguồn:CopyrightAlliance.org: https://copyrightalliance.org/differences-copyright-infringement-plagiarism/USPTO: https://www.uspto.gov/ip-policy/copyright-policy/copyright-basicsMeriam-Webster Dictionary: https://www.merriam-webster.com/dictionary/plagiarism
- Nguồn ảnh: https://www.pexels.com
© All rights reserved.
© 2022. Thông tin này hoặc bất kỳ phần nào trong đó không được sao chép hoặc phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào hoặc được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu điện tử hoặc hệ thống truy xuất mà không có sự đồng ý rõ ràng bằng văn bản của Iplovers hoặc chủ bản quyền.
Về tác giả
Min Min
Amy Nguyễn đang lãnh đạo IPGEEKLAB với vai trò CEO, một cơ sở nghiên cứu sở hữu trí tuệ (IP) và cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ 360 độ, với hai đầu cầu ở New York, Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh, Việt Nam. Amy tu nghiệp từ các chương trình IP cao cấp từ Đại học Pennsylvania, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), và Đại học Jagiellonian tại Ba Lan. Amy hiện đóng vai trò cố vấn chính trong Tiểu ban Chuyên gia IP của Ủy ban Pháp luật về Sở Hữu Trí Tuệ của Phụ nữ tại Hiệp hội Luật Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực IP số, tập trung vào khai thác dòng tiền từ IP, thương mại hóa IP và lập kế hoạch chiến lược, Amy là một cố vấn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nhà sản xuất trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, trò chơi điện tử, thương mại điện tử và thời trang cao cấp; cô giúp họ định hướng và bảo vệ quyền sáng tạo và thương mại của họ.