Một số vấn đề về nguyên tắc hết quyền tác giả trong không gian ảo

Bài viết được đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 3, Số 1b(2017) 148-156. Bản hoàn chỉnh gồm các tài liệu trích dẫn có thể tải về tại đây.


  1. Đặt vấn đề

Pháp luật Sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về quyền tác giả nói riêng được xây dựng dựa trên nền tảng là mối quan hệ cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền và lợi ích công cộng, hay nói cách khác, sau khi lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả đã được đảm bảo ở mức độ hợp lý nhà nước hạn chế quyền của các cá nhân/nhóm cá nhân để nâng cao khả năng tiếp cận của công chúng đối với tác phẩm cũng như các tài sản trí tuệ khác. Sở dĩ tồn tại mối tương quan nói trên là bởi, mặc dù quyền tác giả trước hết được thiết kế để khuyến khích sáng tạo, bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ sở hữu nhưng cũng đồng thời dẫn tới nguy cơ độc quyền, gây bất lợi cho tính cạnh tranh lành mạnh trong phát triển xã hội. Từ đấy, sự xuất hiện của các biện pháp giới hạn quyền tác giả đã đảm bảo quyền tự do biểu đạt cũng như thỏa mãn nhu cầu sử dụng tác phẩm vì lợi ích chung của cộng đồng. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu nói trên trong lĩnh vực quyền tác giả, các nhà làm luật cố gắng thực thi nhiều phương thức như bảo hộ có thời hạn, cung cấp quyền sử dụng hạn chế cho các chủ thể không phải là chủ sở hữu và đặc biệt là áp dụng nguyên tắc hết quyền tác giả.

Như chúng ta đã biết, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng đặc quyền lớn lao trong việc độc quyền sao chép, phân phối hay trình diễn, truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Điều này được hiểu là chủ thể có quyền được tự do lựa chọn phương thức, hình thức, thậm chí là cả đối tượng công chúng để phân phối tác phẩm, hoặc chuyển giao các quyền của mình cho bên thứ ba thông qua hình thức ủy quyền hay hợp đồng chuyển giao. Tuy nhiên, kể từ sau lần bán đầu tiên, tức là thời điểm bản sao tác phẩm được đưa ra thị trường một cách hợp pháp, chủ sở hữu mất quyền kiểm soát trong việc tái phân phối và khai thác thương mại đối với chính sản phẩm đó-nên học thuyết hết quyền còn có tên gọi khác là “học thuyết lần bán đầu tiên” (Diriyai 2014: 4). Chính nguyên tắc này đã đảm bảo cho tính cạnh tranh lành mạnh và khả năng lưu thông của hàng hóa trên thị trường sau khi chủ sở hữu tác phẩm đã được bù đắp tương xứng với thành quả lao động trí tuệ của mình. Trong trường hợp này, lợi ích vật chất mà chủ sở hữu quyền tác giả nhận được sau khi bán sản phẩm đến tay khách hàng đầu tiên được xem là mức giới hạn hợp lý để đảm bảo sự cân bằng cần có.

Kỷ nguyên kỹ thuật số đã mở ra thời kỳ phát triển vượt bậc của công nghệ, kiến tạo các loại hình tiếp cận tác phẩm hoàn toàn mới mẻ cho công chúng, bao gồm cả những loại hình không được thể hiện dưới dạng vật chất-vốn là đối tượng truyền thống được pháp luật hướng đến. Tác phẩm được sáng tạo, lưu trữ thông qua các phương tiện kỹ thuật số; Internet xuất hiện và nhanh chóng trở thành không gian chủ đạo kết nối giao dịch giữa chủ thể có quyền đối với tác phầm và người dùng, thay thế cho hoạt động mua bán thông thường. Bởi vậy, bản thân pháp luật sở hữu trí tuệ cũng phải tự thích nghi để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Để cập nhật sự phát triển của quyền tác giả và quyền liên quan dưới tác động của Internet, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ban hành Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn, bản ghi âm (WPPT) năm 1996, qua đó chính thức thừa nhận những chuyển biến của quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số.

  1. Khái quát về nguyên tắc hết quyền tác giả

Ở cấp độ quốc tế, vấn đề hết quyền không được đề cập trong hai điều ước đặt nền móng cho quyền tác giả cùng quyền liên quan là Công ước Bern về “Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật” và Công ước Rome về “Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất ghi âm, tổ chức phát sóng”. Một văn kiện pháp lý quan trọng khác là Hiệp định TRIPS cũng khẳng định rõ về việc không điều chỉnh vấn đề hết quyền; theo đó, Điều 6 Hiệp định này quy định như sau:

“Điều 6: Trạng thái đã khai thác hết

Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, phù hợp với quy định của các Điều 3 và Điều 4, không được sử dụng một quy định nào trong Hiệp định này để đề cập đến trạng thái đã khai thác hết của quyền sở hữu trí tuệ”.

Có thể thấy, Hiệp định TRIPS không ngăn cấm việc lựa chọn áp dụng nguyên tắc hết quyền cũng như áp dụng theo cơ chế nào. Do vậy, các quốc gia thành viên được trao quyền tự do xây dựng pháp luật về vấn đề hết quyền sở hữu trí tuệ miễn là nhà nước đó vẫn đảm bảo tối đa nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc.

Tuy nhiên, ở cấp độ khu vực, quá trình phát triển của pháp luật Liên minh châu Âu lại dần thừa nhận và phát triển các quy định liên quan đến vấn đề hết quyền sở hữu trí tuệ nói chung và hết quyền tác giả nói riêng. Ban đầu, khái niệm này được xuất hiện trong các phán quyết của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu, mà ở thời điểm đó, do chưa có quy định cụ thể, Tòa án đã phải viện dẫn từ các văn bản liên quan, đặc biệt là cơ sở pháp lý quan trọng được nêu tại Điều 30 Hiệp ước thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu về nguyên tắc tự do lưu thông hàng hóa. Cụ thể, Điều 30 này nghiêm cấm việc áp đặt hạn chế đối với xuất khẩu, nhập khẩu nhằm bảo hộ tài sản thương mại và công nghiệp.

Một trong những vụ kiện sớm nhất, được cho là đã có sự chi phối mạnh mẽ đến pháp luật Cộng đồng châu Âu về vấn đề hết quyền tác giả/quyền liên quan đó là vụ việc liên quan đến hãng băng đĩa nhạc Đức Deutsche Grammophon (sau đây gọi tắt là “DG”) vào năm 1971 (Diriyai 2014). Trong vụ việc này, công ty của Đức là chủ sở hữu quyền tác giả của đĩa ghi âm được phân phối tại Pháp bởi Polydor-công ty con của DG. Do thất bại trong việc đạt được thỏa thuận chuyển giao quyền với Polydor, đồng thời nhận thấy giá bán đĩa ghi âm tại Pháp thấp hơn giá bán ở Đức, một công ty khác là Metro đã mua sản phẩm tại Pháp và nhập khẩu vào Đức để tái tiêu thụ, cạnh tranh trực tiếp với nhà phân phối được ủy quyền. Trước động thái đó, DG đã đáp trả bằng cách khởi kiện Metro vì hành vi xâm phạm quyền độc quyền phân phối được pháp luật Đức bảo hộ. Vụ việc sau đó được phán quyết bởi Tòa án Công lý Liên minh châu Âu, theo đó, Tòa nhận định rằng: việc ngăn cản tiêu thụ sản phẩm-đã được phân phối hợp pháp bởi chủ sở hữu quyền tác giả hoặc theo sự chấp thuận của chủ thể đó-tại một quốc gia thành viên khác là hành động làm tách biệt thị trường quốc gia, đi ngược lại với mục tiêu của Hiệp ước Cộng đồng Kinh tế châu Âu (nay là Hiệp ước về hoạt động của Liên minh châu Âu hay Hiệp ước Lisbon) về việc hợp nhất các thị trường quốc gia thành một thị trường chung duy nhất. Do đó, yêu cầu khởi kiện của DG bị Tòa này bác bỏ.

Tinh thần của phán quyết do Toà án Công lý Liên minh châu Âu đưa ra nói trên về sau đã được pháp điển hóa trong các văn bản dưới luật, tạo nên một chế định được thừa nhận và áp dụng thống nhất về nguyên tắc hết quyền tác giả. Chẳng hạn, Điều 4 Chỉ thị 2009/24/EC về bảo hộ chương trình máy tính quy định: “…Lần bán đầu tiên trong Cộng đồng của bản sao chương trình máy tính được thực hiện bởi chủ sở hữu quyền hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền sẽ làm hết quyền phân phối trong Cộng đồng đối với bản sao đó…”. Nhìn chung, trong phạm vi Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), một khi sản phẩm được đưa ra thị trường dưới sự đồng ý của chủ sở hữu quyền, sản phẩm đó sẽ được tự do tiếp tục lưu thông trên thị trường EEA. Như vậy, có thể thấy Liên minh châu Âu đã áp dụng cơ chế hết quyền khu vực, nghĩa là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực không được ngăn cẩm lưu thông sản phẩm kinh doanh hợp pháp trong phạm vi khu vực. Tức là, nếu một quyển sách đã được xuất bản hợp pháp tại một quốc gia thuộc Cộng đồng châu Âu, hành vi nhập khẩu song song sản phẩm sách đó đến một quốc gia khác cũng thuộc Cộng đồng châu Âu được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Hàng hóa áp dụng nguyên tắc hết quyền phải đảm bảo được hai điều kiện gồm: một là, đã được phân phối trên thị trường; hai là hành vi phân phối đó do chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc được chủ sở hữu quyền cho phép bên thứ ba thực hiện thông qua ủy quyền hoặc hợp đồng chuyển giao. Do áp dụng cơ chế hết quyền khu vực nên chủ thể này vẫn có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm đó từ thị trường bên ngoài vào Cộng đồng châu Âu.

  1. Nguyên tắc hết quyền tác giả trong không gian ảo theo pháp luật châu Âu

Từ những năm cuối thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các phương thức mã hóa thông tin ra đời mang đến nhiều loại hình lưu trữ mới phi vật chất trong một môi trường điện tử. Cũng bởi đặc tính đó, sản phẩm và dịch vụ trên xa lộ thông tin cần những cơ chế điều chỉnh riêng biệt, khác với các nguyên tắc trong thế giới vật chất thông thường. Trước xu thế đó, Liên minh châu Âu đã ban hành Sách xanh về Quyền tác giả và Các quyền liên quan trong xã hội thông tin vào ngày 20 tháng 11 năm 1996, trong đó, tại đoạn 4 chương 2 văn kiện bổ sung khẳng định: “…đạt được sự đồng thuận lớn về việc vấn đề hết quyền không xảy ra đối với các tác phẩm được khai thác trực tuyến (online)-được xem là dịch vụ.”(EU Commission 1996: 18).

Dựa trên tinh thần đó, Chỉ thị 2001/29/EC về vấn đề hài hòa các khía cạnh của quyền tác giả và quyền liên quan trong xã hội thông tin (còn gọi là Chỉ thị InfoSoc) ra đời chưa đầy hai năm sau đó đã tiến một bước xa hơn trong việc hạn chế áp dụng nguyên tắc hết quyền trong môi trường internet. Đối tượng điều chỉnh mà Chỉ thị hướng tới đó là quyền tác giả và quyền liên quan trong khuôn khổ thị trường nội địa-châu Âu-đặc biệt chú trọng đến môi trường xã hội thông tin. Điều 4 (2) của Chỉ thị này quy định: “Quyền phân phối không bị hết quyền trong Cộng đồng đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, ngoại trừ nơi bán lần đầu hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác của vật thể đó trong Cộng đồng do chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc đồng ý cho thực hiện.”. Chỉ thị nói trên không phải là văn bản duy nhất quy định giới hạn phạm vi áp dụng hết quyền tác giả/quyền liên quan trong không gian ảo, mà một số văn bản khác tiêu biểu như Chỉ thị 2009/24/EC về việc bảo hộ chương trình máy tính cũng “chỉ áp dụng nguyên tắc này đối với việc kinh doanh bản sao là hàng hóa, chứ không điều chỉnh loại hình dịch vụ trực tuyến” (Szubarga 2003:8). Nhìn chung, pháp luật châu Âu thực thi nguyên tắc hết quyền dành cho các tác phẩm có bản sao hữu hình (vật chất), không phải với các bản sao kỹ thuật số (phi vật chất).

Tuy nhiên, không phải loại hình kinh doanh nào liên quan đến không gian ảo cũng đều được miễn trừ nguyên tắc hết quyền. Trên thực tế, thế giới internet tồn tại nhiều phương thức dịch vụ trực tuyến khác nhau, mà phải căn cứ vào mức độ và đối tượng mua bán cụ thể mới xác định được việc có áp dụng vấn đề hết quyền hay không. Thông thường, có hai cách kinh doanh trực tuyến gồm: (1) Giao dịch hàng hóa thông thường bằng hình thức trực tuyến, (2) Giao dịch hàng hóa điện tử bằng hình thức trực tuyến.

Trước hết, hàng hóa thông thường tác giả đề cập ở đây là loại sản phẩm hữu hình, được chứa đựng trong các phương tiện vật chất. Như chúng ta đã biết, bản thân quyển sách hay đĩa CD tiêu thụ trên thị trường không phải là tác phẩm, mà chỉ là các bản sao của vật mang tải, thể hiện nội dung tác phẩm. Trước khi không gian ảo ra đời, hàng hóa nói trên được đưa đến tay người dùng bằng cách thức truyền thống, thông qua các hệ thống cửa hàng, đại lý. Ngày nay, công nghệ phát triển cho phép con người tiết kiệm thời gian, công sức thay vì trực tiếp mua hàng thì chỉ cần kết nối internet và lựa chọn hàng hóa, thanh toán qua các website thương mại điện tử như  www.amazon.com, www.alibaba.com, …Trong trường hợp này, không gian ảo chỉ là môi trường thực hiện dịch vụ phân phối, còn hàng hóa lưu thông trên thị trường vẫn là hàng hóa hữu hình, do vậy vẫn áp dụng nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên.

Trong khi đó, hàng hóa điện tử được lưu trữ qua phương tiện kỹ thuật số không thể nhìn thấy hay nhận biết bằng mắt thường mà phải sử dụng bằng trung gian là phương tiện máy móc hiện đại như điện thoại, máy tính. Một số loại hàng hóa điện tử thông dụng ngày nay là phần mềm máy tính và sách điện tử ebook. Đối với các sản phẩm vừa nêu, người mua thực hiện giao dịch trực tuyến sau đó được nhà cung cấp trao quyền truy cập để sử dụng online hoặc tải về thiết bị trung gian. Lúc này, sản phẩm mua bán trên thị trường không còn dưới hình thái vật chất nữa, do vậy không thể áp dụng nguyên tắc hết quyền đối với hàng hóa điện tử. Sở dĩ đưa ra được kết luận này là nhờ xem xét hai căn cứ:

Thứ nhất, Điều 4 (2) Chỉ thị 2001/29/EC về quyền tác giả quy định về trường hợp ngoại lệ vẫn áp dụng nguyên tắc hết quyền, trong đó, văn bản này sử dụng từ “object” (vật thể) thay vì từ “copy” (bản sao). Theo đó, “phần đông các học giả châu Âu đồng thuận với quan điểm rằng, từ “object” được sử dụng để chỉ hàng hóa hữu hình, ám chỉ rằng chỉ chủ sở hữu quyền đối với hàng hóa hữu hình mới mất quyền phân phối sau lần bán đầu tiên” (Cementarov 2011: 64).

Thứ hai, việc chủ sở hữu đưa tác phẩm lên không gian ảo được pháp luật châu Âu xem là “hành vi thực hiện quyền truyền đạt đến công chúng (Right of Public Communication) chứ không phải là quyền phân phối tác phẩm (Right to Distribution)” (Szubarga 2003: 18). Điều 3 (1) Chỉ thị 2001/29/EC quy định tác giả được hưởng “độc quyền ủy quyền hoặc ngăn cấm bất kỳ sự truyền đạt nào đến công chúng tác phẩm của họ bằng vô tuyến hay hữu tuyến, bao gồm cả việc đưa tác phẩm của họ đến công chúng theo cách thức mà những thành viên trong xã hội có thể tiếp cận tác phẩm đó tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”. Do hành động phân phối là việc chuyển giao sản phẩm hữu hình từ người này sang người khác nên quyền truyền đạt được áp dụng hiển nhiên trong môi trường kỹ thuật số, nơi mà khách hàng chỉ ngồi trước màn hình máy tính, không nhận bất kỳ sản phẩm hữu hình nào mà chỉ là các tín hiệu điện tử được truyền tải từ máy chủ sang bộ nhớ máy tính/thiết bị cá nhân.

Ví dụ: Người dùng tải nhạc với định dạng mp3 từ Itunes-trình đa phương tiện, thư viện quản lý ứng dụng di động do hãng Apple phát triển-về máy tính. Do pháp luật không áp dụng nguyên tắc hết quyền đối với các bài nhạc được tải về, người dùng không có quyền bán lại bài nhạc cho người khác bằng cách ghi ra đĩa CD lẫn chuyển giao trực tuyến. Trong khi đó, nếu người dùng mua đĩa CD nhạc tại các cửa hàng truyền thống, họ có quyền định đoạt việc tiếp tục sử dụng, bán lại hoặc từ bỏ sở hữu đối với đĩa CD đó.

Trên cơ sở không áp dụng nguyên tắc hết quyền đối với tác phẩm được truyền đạt đến công chúng qua không gian ảo, Internet dần xuất hiện phương thức “Thỏa thuận cấp phép cho người dùng cuối” (End User License Agreement) đối với hàng hóa phi vật chất, thay thế cho loại hình giao dịch mua bán thuần túy. Một phương thức vô cùng phổ biến hiện nay nếu muốn tiếp cận sản phẩm, chẳng hạn tải phần mềm về máy tính cá nhân, đó là người dùng phải xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý vào một bản thỏa thuận cấp phép do nhà cung cấp soạn sẵn. Có thể xem đây là một hình thức của hợp đồng mẫu mà người dùng không được quyền chỉnh sửa. Khác với giao dịch mua bán, việc xác nhận vào thỏa thuận cấp phép nói trên không xác lập và làm phát sinh quyền sở hữu của khách hàng đối với sản phẩm. Trong trường hợp này, người dùng chỉ được chuyển giao quyền sử dụng một bản sao của tác phẩm, còn bản sao gốc vẫn thuộc sở hữu của tác giả hoặc chủ thể hợp pháp khác.

Ví dụ: Người dùng mua bản quyền sử dụng phần mềm diệt virus Kapersky Internet Security của hãng Kapersky bằng hình thức trực tuyến hoặc giao dịch truyền thống (đĩa CD chứa phần mềm và thẻ hướng dẫn kích hoạt bản quyền), họ đều không có quyền bán lại sản phẩm đó. Bởi lẽ, giao dịch này là hoạt động cấp phép sử dụng sản phẩm nên người dùng chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền định đoạt.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải trong mọi trường hợp chương trình máy tính đều không được xem là chuyển giao sang cho bên thứ ba, mà ngược lại, pháp luật luôn có các quy định về những trường hợp ngoại lệ. Vụ kiện UsedSoft v Oracle kéo dài trong nhiều năm đã gợi mở những hướng phát triển mới liên quan đến nguyên tắc hết quyền tác giả đối với chương trình máy tính (Judgment of the Court 2012).

Oracle là một công ty phần mềm, sáng tạo ra phần mềm ngân hàng dữ liệu theo mô hình Client-Server. Sản phẩm này được Oracle đưa ra thị trường và kinh doanh theo hình thức “thỏa thuận cấp phép” có thời hạn vĩnh viễn với chỉ một lần thanh toán cho từng nhóm 25 người dùng. Sau khi hoàn tất thủ tục thanh toán, nhóm người dùng được cấp phép tải một bản sao của phần mềm từ website của Oracle, lưu trữ tại máy chủ để từng thành viên có thể truy cập và tải về ổ cứng cá nhân. Đồng thời, việc cấp quyền sử dụng còn đi kèm với thỏa thuận bảo hành, cho phép người dùng tải các bản vá và phần mềm cập nhật do Oracle cung cấp trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, không phải nhóm nào cũng triệu tập đủ 25 người dùng hoặc do nhiều người dùng không tiếp tục sử dụng sản phẩm, dẫn đến xuất hiện tình trạng dư thừa giấy phép (User License). Nắm bắt tình hình đó, UsedSoft GmbH (gọi tắt là “UsedSoft”)-một công ty chuyên kinh doanh phần mềm secondhand-đã mua các giấy phép dư thừa nói trên để bán lại cho người dùng khác có nhu cầu. Lúc này, người dùng vẫn tiến hành tải phần mềm từ nhà sản xuất Oracle và sử dụng giấy phép mua từ UsedSoft để kích hoạt, đương nhiên người dùng “second-hand” vẫn được hưởng đầy đủ quyền sử dụng và bảo dưỡng vận hành đối với sản phẩm.

Phát hiện cách thức kinh doanh vừa nêu, Oracle đã tiến hành khởi kiện UsedSoft ra Tòa án Khu vực tại Munich (Đức) về hành vi vi phạm quyền độc quyền “phân phối chương trình gốc hoặc bản sao đến công chúng” và hành vi “tái sản xuất chương trình máy tính” theo các Điều 4 (1) (c) và Điều 4 (1) (a) của Chỉ thị 2009/24/EC về bảo hộ chương trình máy tính. Sau khi bị xử thua kiện, UsedSoft nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Liên bang Đức và Tòa này quyết định tham vấn ý kiến của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu.

Trước tiên, Tòa án xem xét liệu hình thức kinh doanh của Oracle là hoạt động bán hàng (sale) hay là hoạt động cấp phép sử dụng. Khái niệm “bán hàng” được Tòa định nghĩa là “một thỏa thuận mà theo đó một người được thanh toán để chuyển giao cho người khác quyền sở hữu của mình đối với một mặt hàng là tài sản hữu hình hoặc vô hình”(Judgment of the Court 2012: đoạn 42). Trên thực tế, mặc dù lựa chọn hình thức cấp phép sử dụng, nhưng trên thực tế, việc Oracle trao cho khách hàng quyền sử dụng vô thời hạn, đi kèm với dịch vụ bảo hành trọn đời trong đó đã khiến cho toàn bộ quá trình giao dịch không đơn thuần là cấp phép mà đã trở thành hoạt động bán hàng phù hợp với định nghĩa vừa nêu. Trong đó, người dùng được lưu trữ vĩnh viễn một bản sao của chương trình máy tính cùng hàng loạt phần mềm cập nhật, vá lỗi. Chính bởi vậy, Oracle phải chịu sự điều chỉnh của nguyên tắc hết quyền theo quy định tại Điều 4 (2) Chỉ thị 2009/24/EC.

Thứ hai, do nguyên tắc hết quyền được áp dụng, trong vụ việc này, Oracle mất khả năng can thiệp vào việc định đoạt bản sao phần mềm của mình sau khi sản phẩm được bán cho khách hàng. UsedSoft mua sản phẩm từ khách hàng của Oracle và từ chính Oracle nên được Tòa xác định là “chủ thể có được (sản phẩm) hơp pháp” (“lawful acquirer”) theo quy định tại Điều 5(1), do đó, họ có toàn quyền tái sản xuất chương trình máy tính mà không cần sự đồng ý hay ủy quyền của nhà sản xuất (Judgment of the Court 2012: đoạn 73).

Thứ ba, phần mềm đã được đưa ra thị trường hợp pháp bởi chính chủ sở hữu quyền là Oracle và bản thân công ty này đã được bù đắp xứng đáng đối với sản phẩm trí tuệ của mình (từ khách hàng, bao gồm cả UsedSoft). Đồng thời, theo hồ sơ vụ việc, người dùng ban đầu của sản phẩm (trước khi được chuyển giao sang cho khách hàng của UsedSoft) cũng đã tiến hành xóa bỏ toàn bộ dữ liệu trước khi chuyển giao.

Từ các yếu tố trên, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu xác định hoạt động kinh doanh của UsedSoft là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Dù vậy, do phần mềm của Oracle được bán theo tập thể, UsedSoft cũng phải tái tiêu thụ sản phẩm theo hình thức đó chứ không được bán cho từng cá nhân đơn lẻ. Vụ kiện nổi cộm này đã mở ra những hướng thay đổi, phát triển mới: một là, về mặt công nghệ, các công ty chế tạo chương trình máy tính bắt đầu chú ý đến việc cấp phép sử dụng có thời hạn để tránh việc bị xem là hoạt động bán hàng, nâng cấp hoạt động bảo hành thành dịch vụ trực tuyến (do nguyên tắc hết quyền không áp dụng với dịch vụ) (Berry 2012); hai là, về mặt pháp luật, vụ kiện “mở ra một khả năng trong tương lai gần khi mà các nhà làm luật sẽ chấp thuận mở rộng áp dụng nguyên tắc hết quyền tác giả đối với cả tác phẩm kỹ thuật số và các loại hình phi vật chất khác ở châu Âu” (Diriyai 2014: 35).


Về tác giả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post Tổng kết và công bố giải thưởng IPLOVERS Essay Competition 2022
Next post WEBINAR SỐ 8: Gatekeeper liability for online IP infringement in China
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x