1. Nhập khẩu song song – anh là ai?
Nhập khẩu song song (hoặc thương mại song song – parallel import) là hoạt động trong đó một bên mua hợp pháp sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) dưới bất kỳ hình thức nào tại một quốc gia (A) và sau đó nhập khẩu sản phẩm vào một quốc gia khác (B), nơi có sự bảo hộ SHTT “song song” đối với sản phẩm nói trên, mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu tại thị trường B – thị trường thứ hai. Thực tiễn này đôi khi được gọi là “thị trường xám” (grey market) hay “thị trường không chính thức” vì các sản phẩm được phân phối bởi một kênh không chính thức, khác với hệ thống phân phối được cho phép của chủ sở hữu quyền. Cần nhấn mạnh rằng hàng nhập khẩu song song không phải là hàng nhái hay hàng giả. Chúng là hàng chính hãng được mua hợp pháp ngay từ đầu nhưng được phân phối bởi một kênh không được phép tại nước nhập khẩu (B). Vì lý do này, không có gì “mờ ám” về chất lượng sản phẩm. Thuật ngữ “grey market” chỉ đề cập đến việc sắp xếp phân phối mà thôi.
Nhập khẩu song song không được định nghĩa bởi hiệp định TRIPS, nhưng nó phát triển từ học thuyết “hết quyền” (exhaustion of rights) được quy định bởi Điều 6 của TRIPS.
2. Học thuyết “hết quyền”
Điều 6: Trạng thái đã khai thác hết*
Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, phù hợp với quy định của các Điều 3 và 4, không được sử dụng một quy định nào trong Hiệp định này để đề cập đến trạng thái đã khai thác hết của quyền sở hữu trí tuệ.
*Bản dịch tiếng Việt gọi là Trạng thái đã khai thác hết, tuy nhiên học giả Việt Nam thường sử dụng thuật ngữ “hết quyền”.
“Hết quyền” không phải là một khái niệm pháp lý mà là một hiện tượng tự phát để xác định thời điểm kết thúc quyền kiểm soát của chủ sở hữu quyền SHTT đối với sản phẩm được bảo hộ (De Carvalho, N.P., 2018, The TRIPS Regime of Patents and Test Data, 5th edn, Wolters Kluwer). Một khi chủ sở hữu đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu tiên, người này sẽ mất quyền kiểm soát đối với việc phân phối, bán lại hoặc tái nhập khẩu sản phẩm đó. Nói chính xác hơn, họ vẫn là chủ sở hữu của quyền SHTT tồn tại trong sản phẩm bảo hộ, nhưng họ không thể phản đối hay có bất kỳ ảnh hưởng nào trong quá trình lưu hành sản phẩm sau đó. Chủ sở hữu vẫn có thể thực hiện quyền SHTT của mình, chẳng hạn như ngăn cản một ai đó sản xuất (reproduce) và bán sản phẩm đó mà không xin phép nhưng không thể ngăn người khác bán lại sản phẩm được mua từ các nguồn được ủy quyền. Do đó, quyền SHTT của anh ấy bị coi là “cạn kiệt” sau lần bán đầu tiên. Vì lý do này, học thuyết “hết quyền” còn được gọi là “học thuyết bán hàng lần đầu tiên” (first-sale doctrine).
Có thể hiểu như sau: Thuốc X được bảo hộ sáng chế đồng thời tại nước A và B. Chủ sở hữu (có thể cư ngụ tại bất kỳ quốc gia nào) thông qua nhiều nhà phân phối khác nhau, bán thuốc X với giá 5 đồng tại thị trường A và 15 đồng tại thị trường B, với lý do B là nước có thu nhập cao. Bất kì một cá nhân, tổ chức nào có thể mua X tại A một cách hợp pháp và nhập khẩu vào B để thu lợi dựa trên sự chênh lệch giá. Hiện tượng này chính là “nhập khẩu song song”. Trong trường hợp này, chủ sở hữu đã “cạn kiệt” quyền kiểm soát việc lưu thông X, sau khi đưa X ra thị trường A. Việc chủ sở hữu có thể kiểm soát thuốc X đến đâu phụ thuộc vào hình thức “hết quyền” mà mỗi quốc gia lựa chọn. Sự tự do lập pháp này được Điều 6 của TRIPS cho phép.
Có ba hình thức “hết quyền” như sau: quốc gia (national), khu vực (regional) và quốc tế (international).
(1) Theo hình thức “hết quyền quốc gia” (national exhaustion), quyền kiểm soát sản phẩm của chủ sở hữu đã chấm dứt ở nơi mà việc phân phối hay lưu thông sản phẩm diễn ra lần đầu tiên, trong khi quyền đó ở các thị trường khác vẫn được giữ nguyên. Chẳng hạn trong ví dụ trên, bất kỳ cá nhân/tổ chức nào có thể mua đi bán lại sản phẩm X, nhưng chỉ trong phạm vi lãnh thổ nước A mà thôi vì quyền kiểm soát của chủ sở hữu chỉ “hết” tại đây. Chế định “hết quyền quốc gia” trao tặng chủ sở hữu quyền kiểm soát việc lưu thông hàng hoá ở mức cao nhất. Người này có thể tách biệt thị trường và áp dụng giá cả chênh lệch ở các thị trường khác nhau.
(2) Theo hình thức “hết quyền khu vực” (regional exhaustion), quyền kiểm soát của chủ sở hữu sẽ chấm dứt khi việc lưu thông đầu tiên xảy ra ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của một hiệp định thương mại tự do hoặc liên minh thuế quan. Liên minh châu Âu là một ví dụ của hình thức này.
(3) Theo chế độ “hết quyền quốc tế” (international exhaustion), quyền kiểm soát của chủ sở hữu sẽ hoàn toàn bị triệt tiêu khi sản phẩm được tiếp thị ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chế định này làm phát sinh nhập khẩu song song. Đây là hình thức mà quyền kiểm soát của chủ sở hữu ở mức thấp nhất, trong khi đó kha khá các quốc gia ưa chuộng hình thức này vì nó cho phép chính phủ hoặc người tiêu dùng “dạo giá” (shop around) để nguồn hàng có giá thấp nhất.
3. Ảnh hưởng của Điều 6
Bởi vì Điều 6 của TRIPS cho phép các quốc gia thành viên tự do thực hiện hình thức “hết quyền”, các quy tắc về nhập khẩu song song trở nên phức tạp vì chúng không chỉ khác nhau giữa các quốc gia mà còn khác nhau tùy thuộc vào loại quyền SHTT bị ảnh hưởng (nhãn hiệu hay sáng chế ). Ở Mỹ, trong khi các hoạt động nhập khẩu song song đối với nhãn hiệu bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm hạn chế hàng giả và hàng nhái, thì tòa án có vẻ linh hoạt hơn trong lĩnh vực sáng chế (UNCTAD-ICTSD, 2005 Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press).
Mặt khác, các nước đang phát triển như Nam Phi và các nước ở Châu Mỹ Latinh có vẻ ủng hộ thương mại song song nói chung. Trong khi đó, tự do lưu thông hàng hoá lại là một trong bốn trụ cột của liên minh châu Âu – EU (ba trụ cột còn lại là tự do di chuyển vốn, tự do thiết lập và cung cấp dịch vụ, tự do di chuyển của công dân) để đạt được và duy trì một thị trường chung duy nhất, vì vậy EU sử dụng hình thức “hết quyền khu vực”.
Các nền kinh tế nhỏ và tiên tiến như Hồng Kông, New Zealand, Israel và Singapore, vốn được hưởng lợi phần lớn từ thương mại tự do và cạnh tranh, đều cho phép thương mại song song. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế nhỏ bước vào kỷ nguyên của các hiệp định thương mại song phương với các nước như Mỹ, họ buộc phải áp dụng những hạn chế nhất định, đặc biệt là đối với lĩnh vực sáng chế và dược phẩm.
Tác giả: Vân Anh
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
Về tác giả
Vân Anh
Vân Anh hiện đang là giảng viên (Assistant Professor) môn luật Sở hữu trí tuệ tại đại học Durham, vương quốc Anh. Blog cá nhân: https://www.vananhle.net/.