Ngày mới ra trường, trong một khoá đào tạo về IP, một người bạn cùng lớp đã nói với mình: “Mục tiêu của chị sau này là làm việc tại WIPO!”. Lúc đó, mình cảm thấy vô cùng bất ngờ, và nghĩ rằng liệu đối với bản thân mình, đang ở Việt Nam, đặt mục tiêu làm việc cho một tổ chức quốc tế có phải là điều không tưởng không?
Không biết có bạn trẻ nào có chung suy nghĩ với mình khi đó không nhỉ ^^ Nhưng thực tế là, việc tham gia làm việc tại các tổ chức này không quá khó như mình tưởng. Hàng năm, vẫn có rất nhiều bạn trẻ tham gia làm việc tại các tổ chức này dưới tư cách là cộng tác viên, thực tập sinh, chuyên gia trẻ, tuy nhiên, theo mình biết thì số lượng người tham gia đến từ Việt Nam so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… vẫn chưa được nhiều lắm thôi. Vậy nên mình, dưới tư cách một người đã ứng tuyển thành công cho chương trình Young Professional Programme của WTO (*), chia sẻ một vài kinh nghiệm nho nhỏ của bản thân để giúp cho các bạn trẻ mong muốn tham gia làm việc tại các tổ chức quốc tế đỡ ngại ngần hơn nha!
(*) Một chút background của mình khi ứng tuyển cho WTO Young Professional Programme: Cử nhân Luật, Thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ tại Australia, có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại công ty luật sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ.
1. Tìm kiếm các cơ hội
Mỗi năm, các tổ chức quốc tế như WTO, WIPO, UN v.v. đều có các chương trình tuyển dụng thực tập sinh, chuyên gia trẻ (young professional). Các bạn hãy thường xuyên ghé thăm các trang chủ của các tổ chức quốc tế này để có thể tìm những cơ hội phù hợp với bản thân và nộp hồ sơ ứng tuyển nhé. Một cách khác để có thể tìm kiếm các cơ hội trên là thông qua LinkedIn, Facebook, Twitter chính thức của các tổ chức quốc tế, hoặc kết nối với những người làm việc tại các tổ chức quốc tế để có thể thường xuyên cập nhật các thông tin này.
2. Xây dựng hồ sơ cá nhân
Việc xây dựng hồ sơ cá nhân là một trong những bước quan trọng nhất để xác định sự thành công của các bạn khi ứng tuyển làm việc tại các tổ chức quốc tế. Hãy hình dung bước này giống như là việc đặt các nền móng đầu tiên cho việc xây nhà vậy đó. Nếu như các bạn đã đặt mục tiêu làm việc tại các tổ chức quốc tế từ trước, hãy xây dựng cho mình một hồ sơ phù hợp càng sớm càng tốt, để bản thân luôn sẵn sàng có thể ứng tuyển khi tìm được cơ hội phù hợp.
Bên cạnh các kinh nghiệm làm việc của bản thân, các bạn có thể làm đẹp hồ sơ của mình bằng cách đăng tải bài viết về sở hữu trí tuệ trên các báo, hoặc blog cá nhân của mình, hay tham gia các moot court. Hoặc đơn giản hơn, hãy thường xuyên tham gia các khóa học trực tuyến về sở hữu trí tuệ do WTO, WIPO tổ chức. Đó là một cách vừa để cập nhật kiến thức cho mình, vừa để làm giàu cho hồ sơ cá nhân – đây cũng là cách mà mình sử dụng. Khi đã xây dựng được một hồ sơ cá nhân tốt thì việc có một CV nổi bật để ứng tuyển tại các tổ chức này sẽ trở nên đơn giản hơn.
3. Chuẩn bị CV của bản thân – “Đừng thừa, đừng thiếu”
Một trong những câu hỏi mình thường thấy đó là làm thế nào để có thể có một CV nổi bật khi ứng tuyển cho các tổ chức quốc tế này. Ngoài việc cần phải xây dựng hồ sơ cá nhân như mình vừa đề cập phía trên thì khi ứng tuyển tại các tổ chức quốc tế các bạn hãy chuẩn bị một CV “chất như nước cất”, “đừng thừa, đừng thiếu”.
“Đừng thừa” – hãy dành thời gian nghiên cứu thật kĩ các yêu cầu của chương trình bạn dự định đăng ký rồi chọn và đưa vào CV của mình các nội dung liên quan nhất, cập nhật nhất, sát với điều kiện này. Không nên đưa toàn bộ các kinh nghiệm làm việc hoặc không liên quan trực tiếp đến chương trình mình ứng tuyển. Ví dụ, mình từng đọc những CV mà các bạn đưa kinh nghiệm làm gia sư part-time, hoặc các giải thưởng bạn đã có từ 10 năm trước, vân vân và mây mây. Những nội dung này không phải là không tốt, nhưng nó sẽ làm CV của bạn trở nên quá dài và loãng nếu như nó không giúp ích tới vị trí bạn muốn ứng tuyển.
“Đừng thiếu” – mình biết có nhiều bạn có background rất tốt, nhưng lại chưa biết cách thể hiện nó trên CV của mình sao cho nổi bật. Ví dụ, một trong những kỹ năng mà chương trình WTO Young Professionals Programme yêu cầu là khả năng phân tích, nghiên cứu tốt. Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê những kỹ năng này trong CV của bạn, hãy chứng tỏ mình đã có kỹ năng này bằng cách đưa vào CV các kinh nghiệm như tham gia viết các báo cáo trong lĩnh vực thương mại quốc tế, hoặc có các bài viết, khoá luận tốt nghiệp về các chủ đề này được đánh giá cao và kèm theo vài dòng mô tả thêm về các kinh nghiệm đó.
Ngoài ra, thường trong các chương trình này sẽ yêu cầu các bạn nộp kèm theo CV một motivation letter. Hãy dành thật nhiều thời gian để lên ý tưởng cho phần này nhé. Các bạn không cần viết quá dài – theo mình khoảng 2/3 trang A4 là vừa đủ. Vẫn theo quy tắc “đừng thừa, đừng thiếu”, các bạn hãy thể hiện sao cho bức thư của mình có nội dung thống nhất, giống như kể một câu chuyện vậy. Các bạn có thể viết rằng vì sao mình mong muốn được tham gia chương trình này, mình phù hợp với chương trình này ra sao, và mình sẽ sử dụng những kinh nghiệm có được sau khi tham gia chương trình này như thế nào… Một tip nhỏ mình muốn chia sẻ là các bạn không nên tham khảo văn mẫu trên google, vì thường các cách dùng từ trong các bài văn mẫu tuy hoa mỹ, nhưng nội dung lại thường chỉ chung chung, hoặc cũng không nên hỏi xin để tham khảo các motivation letter từ nhiều người, do trải nghiệm, kinh nghiệm của mỗi người là khác nhau, không thể sử dụng lại cho bản thân mình. Các bạn có thể gửi cho những người bạn của mình để “proof-read”, lấy ý kiến nếu được, và hãy viết cho tới khi bản thân cảm thấy thật ưng ý thì thôi. Nhưng, hãy là chính mình, thể hiện cái tôi của mình thật tốt trên trang giấy nhé!
4. Luyện tập, luyện tập
Thông thường, thời gian để các tổ chức quốc tế chọn lựa ra các hồ sơ vào vòng tiếp theo thường khá lâu. Kinh nghiệm của mình đối với chương trình WTO YPP là mất khoảng hơn 1 tháng để có kết quả phòng sơ loại hồ sơ, và từ 5 tới 6 tháng để nhận được kết quả cuối cùng. Như vậy thì trong khoảng thời gian này các bạn có thể dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức cho các vòng thi viết và phỏng vấn nếu có. Một mẹo nhỏ của mình đấy là hãy liên hệ và hỏi kinh nghiệm từ các bạn đã tham gia chương trình này. Hầu hết các bạn đi trước đều rất nhiệt tình trong việc đưa ra các lời khuyên để mình có thể thành công trong việc ứng tuyển.
Đối với vòng phỏng vấn, mình dành ra khoảng hai tuần trước khi phỏng vấn để chuẩn bị các câu trả lời có thể phải đưa ra trong buổi phỏng vấn và luyện tập sao cho có thể trả lời thật mượt mà bằng cách nói trước gương hoặc nhờ một người bạn đóng giả là người phỏng vấn. Như vậy, đến buổi phỏng vấn, bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng, tự tin trả lời hơn.
Và cuối cùng – Đừng ngại thất bại!
Người xưa vẫn có câu “Thất bại là mẹ thành công” và mình thấy câu nói đó luôn đúng. Nếu như lần đầu tiên, các bạn ứng tuyển vẫn chưa thành công thì hãy đừng ngại ngần thử lại trong những lần sau nhé. Hãy dành thời gian để đánh giá lại lần ứng tuyển vừa rồi của mình để xem rằng mình có thể cải thiện ở những điểm nào. Bản thân mình cũng đã thất bại trong lần đầu tiên ứng tuyển – mình đã không được chọn tham gia chương trình sau vòng phỏng vấn, và ngay sau đó mình đã dành thời gian để rà soát lại hồ sơ, bổ sung kiến thức để chuẩn bị cho lần ứng tuyển cho chương trình năm tiếp theo. Và tại lần ứng tuyển tiếp theo thì mình đã nhận được trái ngọt:
Hi vọng bài chia sẻ này của mình sẽ giúp ích cho các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực sở hữu trí tuệ và có mong muốn làm việc tại các tổ chức quốc tế như WIPO, WTO, và mong rằng sẽ thấy được nhiều khuôn mặt đến từ Việt Nam tham gia làm việc tại các tổ chức này trong thời gian sắp tới nha!