Để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể biết thêm về vấn đề SHTT trong việc khởi nghiệp, tác giả Min Min (chuyên viên luật SHTT hiện đang công tác tại Mỹ) đã viết một series bốn bài về SHTT trong khởi nghiệp đả động tới các vấn đề chính là doanh nghiệp Startups đang gặp phải. Lần theo dấu các bài trong series tại đây:

  • Doanh nghiệp cần lưu ý rằng doanh nghiệp không nên KHỞI NGHIỆP TRÊN MÂU THUẪN
  • Và doanh nghiệp phải học cách nói KHÔNG, học cách nói KHÔNG phù hợp trong làm ăn và trước cơ hội rất quan trọng
  • Nếu doanh nghiệp được tạo nên trên nền tảng của phát minh hay sản phẩm hữu ích, hữu dụng, thì doanh nghiệp hãy học cách nói CÓ với việc tìm hiểu về bảo vệ độc quyền sáng chế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp có thể bỏ chút thời gian ra HẸN HÒ VỚI SÁNG CHẾ. Hẹn hò nghiêm túc rồi doanh nghiệp có thể tính tới ” kết hôn với sáng chế”.
  • Ngoài ra, nếu doanh nghiệp chú trọng tới marketing cho đối tượng là gen Z, việc tìm một con đường tới trái tim của gen Z thông qua nhãn hiệu là điều rất nên làm.

-MIN MIN (*)-

Hãy bàn về vấn đề lãng mạn đã tồn tại rất lâu trong lịch sử loài người những không bao giờ cũ: CHỈ HẸN HÒ HAY HẸN HÒ ĐỂ KẾT HÔN?

Doanh nghiệp thường chỉ hẹn hò với sáng chế, thậm chí hẹn hò nhanh hoặc hẹn hò ảo; doanh nghiệp chưa cân nhắc đi sâu tìm hiểu sáng chế như thể sáng chế là người bạn đời tiềm năng của doanh nghiệp. Dù vậy, giá trị của sáng chế và bằng độc quyền sáng chế là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong việc tạo ưu thế cạnh tranh tranh và dòng tiền cho doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp phải cân đo xem chỉ hẹn hò đơn thuần hay hẹn hò rồi tiến tới hôn nhân với sáng chế bằng việc xin bằng độc quyền sáng chế?

 

Ở hầu hết các nơi trên thế giới, một buổi hẹn hò thường là một sự sắp xếp có chủ đích mang tính bay bổng, lãng mạn, và giàu hàm ý nghệ thuật. Hành động tìm hiểu nhau được gọi là hẹn hò. Trên thực tế, thuật ngữ hẹn hò có một phạm vi rộng. Một số người rất nghiêm túc trong giai đoạn đầu này, trong khi những người khác có thể chỉ chơi đùa cho vui, giết thời gian nhàn rỗi. Hẹn hò giúp mỗi người có cơ hội tìm hiểu nhau và hiểu được những hoài bão của mình. Đây là một giai đoạn thử để xem liệu cả hai bạn có phù hợp với nhau hay không.

Trong hẹn hò, không có sự cam kết như hôn nhân, tùy vào vị trí địa lí, hẹn hò có thể không bao hàm ranh giới trong việc tìm hiểu một người duy nhất.

Trong khởi nghiệp, việc tìm hiểu và tiến tới đăng kí độc quyền sáng chế một phát minh cũng giống như việc hẹn hò. Các nhà phát minh ở Việt Nam –  hay nói theo định nghĩa rộng là những người tạo ra một sản phẩm có tính hữu dụng hoặc một phương pháp có tính hữu dụng thường chỉ hẹn hò “cho biết” về độc quyền sáng chế, họ không thực sự tìm hiểu sâu, không áp dụng, cũng không biết làm thế nào để tận dụng quyền này trong quá trình mở rộng và phát triển công ty.

Vậy thế nào là sáng chế?

Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (Hoàng Phê, 2003) trang 846 có giải thích từ sáng chế là “Sáng chế: Nghĩ và chế tạo ra cái trước đó chưa từng có”.

Trong khi đó, luật sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam quy định rằng: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.”

Vậy thế nào là bằng độc quyền sáng chế hay gọi ngắn gọn là bằng sáng chế?

Bằng độc quyền sáng chế là một văn bản pháp lý trao cho chủ sở hữu độc quyền kiểm soát việc sử dụng sáng chế, bằng này ghi nhận chủ sở hữu, tác giả, đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ của sáng chế. Để được cấp bằng độc quyền sáng chế ở VN, sáng chế phải đáp ứng các điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Bằng sáng chế được coi là “ giấy đăng kí kết hôn giữa chủ sở hữu và sáng chế được đề cập tới trong đăng kí”.

 

LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA BẰNG (ĐỘC QUYỀN) SÁNG CHẾ

Bằng sáng chế cung cấp cho bạn khả năng bảo vệ sáng chế của mình bắt đầu từ ngày cấp bằng sáng chế. Không ai có thể sản xuất, bán hoặc nhập khẩu phát minh đã được cấp bằng sáng chế của bạn mà không nhận được sự đồng ý của bạn trước. Bằng sáng chế cho phép bạn sử dụng phát minh hoặc quy trình đã được cấp bằng sáng chế của mình và độc quyền kiếm lợi từ nó trong vòng 20 năm kể từ ngày bạn nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Việc trở thành người đầu tiên sở hữu bằng sáng chế mang lại cho người sở hữu các quyền lợi dồi dào hơn trong quá trình đàm phán, gọi vốn, tham gia thi khởi nghiệp. Do đó, nếu bạn là người đang tìm kiếm nguồn vốn cho một ý tưởng, thật khôn ngoan nếu bạn đăng ký bằng sáng chế cho phát minh của mình trước khi tiết lộ ý tưởng cho các nhà đầu tư tiềm năng để ngăn họ ăn cắp ý tưởng bằng sáng chế của bạn và đăng ký bằng sáng chế dưới tên họ cho phát mình của bạn.

Nếu bạn là người đầu tiên xin cấp bằng sáng chế, bạn sẽ là chủ sở hữu duy nhất của sáng chế đó.

Bằng sáng chế cho phép bạn cấp một hoặc một nhóm quyền riêng biệt về sáng chế này cho người khác sử dụng với mức phí hoặc tiền bản quyền đã thỏa thuận. Đây là một lợi thế rất lớn cho những người muốn cấp phép hoặc bán quyền sáng chế của họ cho các công ty hoặc cá nhân để thu lợi nhuận. Đồng thời, tính phí bản quyền cho việc sử dụng bằng sáng chế của bạn (giả sử là 5%) có thể là một lựa chọn tốt cho những nhà phát minh không có đủ nguồn lực và chi phí để đưa phát minh đã được cấp bằng sáng chế ra thị trường.

Việc cấp bằng sáng chế cho sản phẩm hoặc thiết kế của bạn giúp doanh nghiệp hạn chế cạnh tranh. Chỉ cần tưởng tượng bạn được cấp bằng sáng chế cho một phát minh được bán bởi cả bạn và đối thủ cạnh tranh của bạn. Bằng cách xin cấp bằng sáng chế thành công cho sản phẩm, bạn sẽ có quyền yêu cầu đối thủ cạnh tranh của bạn ngừng sản xuất và ngừng bán sản phẩm cạnh tranh của họ, do đó giành được thị phần lớn hơn bằng cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh của bạn.

Việc có bằng sáng chế hoặc danh mục bằng sáng chế là cực kỳ có giá trị đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khi bạn cho rằng các nhà đầu tư tiềm năng có thể đầu tư vào công ty của bạn chỉ đơn giản là để có quyền sử dụng một bằng sáng chế hoặc bộ bằng sáng chế cụ thể.

 

EM (BẰNG SÁNG CHẾ) RẤT TỐT SAO TÔI VẪN TIẾC?

Đối với việc xin bằng độc quyền sáng chế ở VN, phần lớn các doanh nghiệp vẫn hành xử theo lối “ em rất tốt nhưng tôi rất tiếc”.

Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, vẫn hẹn hò với sáng chế một thời gian chỉ để tìm hiều, những đến cuối vẫn quyết định không kết hôn và không sống với sáng chế 20 năm dưới chứng tin của một tấm giấy có tên “ bằng độc quyền sáng chế”, mặc dù, lợi ích kinh tế tuyệt vời của sáng chế là không thể bác bỏ.

Tại sao hẹn hò lại không đơm quả ngọt?

Tại sao kết thúc có hậu lại ít xảy ra?

Lí do đầu tiên không phải là tiền, lí do đầu tiên là sự không chú trọng tới giá trị mà bằng sáng chế có thể đem tới cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở VN từ thời kì mở cửa vẫn quen với tạo thu nhập chủ động qua việc tìm kiếm đối tác, khách hàng và mở rộng thị trường. Lối kinh doanh chủ động này tốn rất nhiều sức người và của cải, vì thế việc duy trì lối kinh doanh chủ động này thường choán hết sự quan tâm của doanh nghiệp. Bằng sáng chế mang tới một luồng gió mới, đó là thu nhập thụ động. Ngoại trừ việc bằng sáng chế mang tới hiệu ứng an toàn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển, bằng sáng chế còn có thể được mua bán hay li-xăng – tức là mang về thu nhập thụ động cho công ty. Dù vậy, tâm lí ngưạ quen đường cũ của doanh nghiệp trong nước hiện nay được cho là rào cản khiến doanh nghiệp không quan tâm và vì thế không xin bảo hộ sáng chế cho phát mình của mình.

Lí do thứ hai là tiền, trước khi doanh nghiệp thực sự tính toán kĩ lưỡng họ sẽ mất bao nhiêu tiền để đăng kí bảo hộ độc quyền sáng chế, doanh nghiệp đã có định kiến về việc xin bảo hộ độc quyền sáng chế rất tốn kém, dù trên thực tế, xin đăng kí bảo hộ độc quyền sáng chế ở VN khá hợp lí với túi tiền của người dân nói chung (tính cả phí luật sư và phí nhà nước). Thay vì phải trả 6,000$ là mức khởi điểm cho đăng kí sáng chế ở Mỹ, ở VN, doanh nghiệp chỉ phải trả khoảng ⅓ mức phí này để có được bằng sáng chế ( một số phụ phí nhà nước có thể được thêm vào hoặc thay đổi theo thời gian).

Lí do thứ ba là tâm lý e ngại, tâm lý doanh nghiệp ở VN vẫn thường e ngại khi nhắc tới luật sư. Nếu ở các quốc gia phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường có cho mình một luật sư mà họ có thể tham vấn về SHTT thường xuyên, các doanh nghiệp VN chỉ tìm luật sư khi “ nước ngập tới cổ” hoặc “ có biến”. Việc tìm luật sư tham vấn và định giá tài sản trí tuệ trước khi đăng kí bảo hộ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp e ngại bước 1: tham vấn luật sư SHTT thì bước 2 và các bước sau đó đều sẽ bị gạt đi. Khi tổng thể một chu trình tham vấn, bao gồm định giá phát minh, đăng kí bảo hộ sáng chế, cuối cùng là “kết hôn” với sáng chế bằng quyền bảo hộ độc quyền, đều bị gạt đi thì phát minh của doanh nghiệp sẽ là con mồi béo bở cho hành vi trộm cắp chất xám.

Lí do cuối cùng là sự tự ti, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, thay vì tìm chuyên gia định giá giá trị phát minh của mình, đã lập tức cho rằng phát minh của mình không có nhiều giá trị vì “ trông có vẻ đơn giản” hay “ có thể là ai cũng có thể làm được”. Trên thế giới có rất nhiều phát minh tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vì được cấp quyền bảo hộ độc quyền sáng chế nên phát minh đó trở thành mỏ vàng của doanh nghiệp, ví dụ như phát minh kiểu dáng chai bia, lon soda, hay chai đựng nước ngọt:

Hình ảnh USPTO: một sáng chế đã được bảo hộ độc quyền về kiểu dáng chai đựng nước ngọt – sáng chế thuộc về tập đoàn Coca Cola.

 

ĐỪNG HẸN HÒ – HÃY KẾT HÔN

Bằng sáng chế rất đáng giá và có giá trị đối với những nhà phát minh muốn kiểm soát phát minh của họ, cách sử dụng phát minh đó và ngăn chặn bất kỳ ai khác trục lợi từ ý tưởng của họ.

Điều quan trọng nhất cần làm khi cho ra quyết định cuối cùng về việc xin cấp bằng sáng chế là giữ một tinh thần cởi mở. Khi hẹn hò với sáng chế, hãy dành thời gian đủ lâu và đồng hành cùng chuyên gia SHTT để xem xét “có nên tiến tới một mối quan hệ 20 năm được nhà nước cấp quyền bảo hộ hay không?”. Và nếu như câu trả lời là có, hãy đừng ngần ngại mà tiến tới “ hôn nhân với sáng chế” bằng cách xin một tấm bằng sáng chế để khẳng định chủ thể của mối quan hệ này.

Việc dồn tâm huyết và công sức cũng như tiền bạc khi “ hẹn hò với sáng chế” nhưng lại không tiến tới hôn nhân vì một trong các lí do kể trên là hành động không khôn ngoan, nếu không muốn nói là dại dột. Đừng để doanh nghiệp đối thủ nẫng tay trên “ cô gái “ của bạn.

Vì thế, thay vì chỉ hẹn hò đơn thuần, hãy kết hôn với sáng chế!

 

Nguồn ảnh: Pixels.com and USPTO

© All rights reserved.

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.

Về tác giả

Previous post Series Khởi nghiệp – No.3: Rủi ro kinh doanh: 5 sai lầm lớn nhất về sở hữu trí tuệ mà các công ty khởi nghiệp mắc phải
Next post Series Khởi nghiệp-No.2: KHỞI NGHIỆP VỚI CHỮ KHÔNG (NO)
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products