(Bài được đăng trên tạp chí kinh tế Sài gòn ngày 11/8/2022)
Một trong những lĩnh vực bị bỏ qua nhiều nhất đối với bất kỳ công ty khởi nghiệp trong quá trình khởi nghiệp là sở hữu trí tuệ (SHTT). Và bỏ qua hay dành sự không quan tâm đúng mực cho SHTT có thể là một sai lầm đắt giá. Vì thế, để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể biết thêm về vấn đề SHTT trong việc khởi nghiệp, tác giả Min Min (chuyên viên luật SHTT hiện đang công tác tại Mỹ) đã viết một series bốn bài về SHTT trong khởi nghiệp đả động tới các vấn đề chính là doanh nghiệp Startups đang gặp phải.
Doanh nghiệp cần lưu ý rằng doanh nghiệp không nên KHỞI NGHIỆP TRÊN MÂU THUẪN và doanh nghiệp phải học cách nói KHÔNG, học cách nói KHÔNG phù hợp trong làm ăn và trước cơ hội rất quan trọng, nhưng nếu doanh nghiệp được tạo nên trên nền tảng của phát minh hay sản phẩm hữu ích, hữu dụng, thì doanh nghiệp hãy học cách nói CÓ với việc tìm hiểu về bảo vệ độc quyền sáng chế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp có thể bỏ chút thời gian ra HẸN HÒ VỚI SÁNG CHẾ. Hẹn hò nghiêm túc rồi doanh nghiệp có thể tính tới ” kết hôn với sáng chế”. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp chú trọng tới marketing cho đối tượng là gen Z, việc tìm một con đường tới trái tim của gen Z thông qua nhãn hiệu là điều rất nên làm.
Quay lại vấn đề khởi nghiệp, khi nói tới khởi nghiệp, mọi người thường nói tới chiến lược và cách thức khởi nghiệp. Hệ quy chiếu của các nhà sáng lập công ty hầu như ở giai đoạn đầu chỉ tập trung vào sản phẩm và các kênh bán hàng – hay là các phương thức để kiếm lợi nhuận. Đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, chiến lược chỉ bao gồm ba bước: Chạy (launch), tìm kiếm khách hàng, và từ đó tạo ra lợi nhuận.
Nhưng ba bước này tạp thành một vecto thẳng với ba điểm không vững, giống như một chiếc bập bênh mất chân lò xo ở giữa. Ba bước này đều là ba bước hành động và gắn liền với nhau, nhưng không có bước nào tạo ra giá trị thụ động hay giá trị bền vững. Thời điểm mà doanh nghiệp chạy hụt hơi là lúc hai điểm còn lại: khách hàng và lợi nhuận cũng sụt giảm theo. Vì thế, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tạo một giá trị bền vững, một điểm tựa mà từ đó doanh nghiệp có thể tự nhấc bản thân lên sau những cú ngã.
Câu nói của Archimedes đúng với SHTT trong khởi nghiệp, doanh nghiệp không thể chỉ duy trì một hình thái lợi nhuận là bán hàng tìm khách, doanh nghiệp muốn dòng tiền chảy vào kể cả khi công ty hoạt động chậm lại hay công ty tạm ngưng vì vấn đề khách quan. Và vì thế, để cung cấp cho công ty khởi nghiệp của bạn nền tảng vững chắc nhất có thể, SHTT phải là trung tâm chiến lược của bạn.
Tại sao SHTT nên là trọng tâm của chiến lược khởi nghiệp?
Những doanh nghiệp không bảo vệ tài sản trí tuệ của họ có thể thấy rằng họ bị bỏ lại phía sau những doanh nghiệp khác đang phát triển. Những người chơi dày dặn kinh nghiệm và lâu năm trên thị trường đều biết giá trị của SHTT, ví dụ IBM, Samsung và Apple đang nộp tới 18.000 bằng sáng chế mỗi năm. Họ đang bảo vệ công việc kinh doanh trong tương lai của họ, bởi họ hiểu tài sản giá trị nhất không còn là tài sản hữu hình mà là tài sản trí tuệ.
Một lí do giải thích cho việc tại sao doanh nghiệp nên quan tâm tới SHTT đó là: một công ty khởi nghiệp, bạn thường không có nhiều tài sản hữu hình hay tài sản vật chất. Các tài sản vật chất thường bị đốt cháy trong vài tuần và tháng đầu tiên của doanh nghiệp mới. Nhưng một loại tài sản mà bạn có thể có rất nhiều là khía cạnh trí tuệ của doanh nghiệp của bạn.
Những suy nghĩ và ý tưởng mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh so với những người khác thường là lý do khiến bạn khởi nghiệp ngay từ đầu. Chúng cần được bảo vệ bằng mọi giá. Và một lần nữa, chúng ta có thể nhìn vào những ví dụ thực tế để xem tại sao đây là một phần quan trọng của chiến lược kinh doanh. Ở thời kỳ đỉnh cao của quyền lực, Microsoft ước tính đã kiếm được từ 2 đến 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ việc kiếm tiền từ tài sản SHTT.
Nhiều người sẽ nghĩ rằng trong những ngày đầu khởi nghiệp không có tài sản trí tuệ nào cần được bảo vệ. Rốt cuộc, không có nhiều khách hàng, làm sao một công ty khởi nghiệp có thể có bất cứ thứ gì mà người khác muốn lấy cắp hay sao chép. Nhưng thật ra có rất nhiều điều trong giai đoạn sơ khai của một doanh nghiệp cần được bảo vệ, ví dụ bao gồm:
- Những ý tưởng mà doanh nghiệp đã được đưa ra
- Các kế hoạch tiếp thị, bao gồm logo, hình ảnh và ảnh chụp
- Bất kỳ mã nào được viết riêng cho một trang web hoặc ứng dụng.
- Nguyên mẫu máy móc cải tiến
- Một câu nói mang tính biểu tượng…
Một khi những điều này được liệt kê, nhận thức và bảo hộ thì một doanh nghiệp đã bắt đầu có một cái gì đó là duy nhất của họ – một cái gì đó mà những người khác trong cùng lĩnh vực muốn có được.
Ví dụ, hồ sơ sáng chế của Alibaba ước tính công ty có khoảng 25.000 sáng chế đã được bảo hộ và đang hoạt động – không có gì ngạc nhiên khi Alibaba đạt được một trong những đợt IPO lớn nhất với hơn 230 tỷ USD, bởi các nhà đầu tư tin tưởng vào giá trị trí tuệ của Alibaba – giá trị mà thuyết phục các nhà đầu tư rằng Alibaba sẽ đi xa hơn nữa và sản sinh ra nhiều lợi nhuận hơn nữa.
5 sai lầm lớn nhất về sở hữu trí tuệ mà các công ty khởi nghiệp mắc phải
Đôi khi doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển vượt mong đợi và đạt được thành công rực rỡ, nhưng đôi khi lại thất bại. Có vô số lý do khiến các công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn nhưng lại không thành công, nhưng những lý do phổ biến nhất có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Khi đề cập đến doanh nghiệp và sở hữu trí tuệ của họ, nhiều công ty trẻ không nhận ra bề rộng của tài sản sở hữu trí tuệ tiềm năng của họ hoặc đánh giá cao tầm quan trọng của chúng. Mặc dù hoàn toàn có thể tránh được, nhưng có một số lỗi dai dẳng cản trở các công ty khởi nghiệp từ quá trình huy động vốn đến khi ra mắt và hơn thế nữa. Dưới đây là năm sai lầm lớn nhất, theo thứ tự giảm dần mà tôi đã chứng kiến trong thực tế và tooi khuyên các doanh nghiệp không nên bỏ qua:
Phương pháp tiếp cận SHTT “tự làm” -DIY
Kẻ giết người thầm lặng này xuất hiện ở các công ty non trẻ là điều dễ hiểu. Đối với một số công ty khởi nghiệp, nguồn tài trợ có thể khan hiếm hoặc ở giai đoạn sơ khai, buộc (các) nhà sáng lập doanh nhân phải đảm nhận các nhiệm vụ mà các doanh nhân này có ít hoặc không có khả năng (hoặc kinh nghiệm) để xử lý chúng. Phương pháp “tự làm” (DIY) mà các doanh nhân cho rằng là tốt nhất, hợp túi tiền nhất lại mang tới rủi ro cao nhất. Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và hướng dẫn thích hợp từ cố vấn sở hữu trí tuệ có trình độ. Các doanh nhân có kinh nghiệm thường hiểu tầm quan trọng của hướng dẫn như vậy và tham vấn ý kiến chuyên gia để dự đoán các nhu cầu về sở hữu trí tuệ của công ty họ.
Nhưng đối với những công ty non trẻ, ít kinh nghiệm, tìm hiểu và bảo hộ SHTT theo phong cách “tự làm”(DIY) có thể là một hố cát lún không đáy. Các công ty khởi nghiệp cần phải tham gia tư vấn chuyên gia SHTT có trình độ để giúp xác định nhu cầu và hướng dẫn các giải pháp ngay từ đầu.
Và dù bạn có tin hay không, dịch vụ tư vấn không hề đắt!
Và vì thế không có lý do gì để không tham vấn ban đầu với một luật sư có trình độ về SHTT. Một cuộc tư vấn như vậy sẽ giúp đặt nền tảng cho các quyền SHTT mà công ty khởi nghiệp có thể có (hoặc tìm kiếm) và các nhu cầu về SHTT của họ. Ít nhất, nó sẽ trang bị cho công ty sự hiểu biết về những gì họ cần phải làm để có thể lập kế hoạch cho phù hợp.
Nền tảng tài liệu không phù hợp và cách thức bảo mật tài liệu sai
Vấn đề này xảy ra với hầu hết các công ty khởi nghiệp, vì nhiều lý do. Cho dù hành vi này là kết quả của các “biểu mẫu” nhận được từ các đồng nghiệp khác hay là sự mở rộng tự nhiên của cách tiếp cận DIY được nêu ở trên, việc không giữ các tài liệu của công ty theo thứ tự và giữ chúng bảo mật đều rất nguy hiểm. Và khi nói đến SHTT, nó có thể gây ra sự sụp đổ trong kinh doanh. Vậy doanh nghiệp khởi nghiệp hãy để tâm tới sắp xếp và lựa chọn nền tảng lưu trữ thông tin cho kín kẽ và chặt chẽ; đồng thời, phải luôn tính tới bảo mật tài liệu liên quan tới SHTT, đặc biệt là trong trường hợp bạn không thể đăng kí bảo hộ cho tài liệu này.
Ví dụ: người sáng lập một công ty khởi nghiệp công nghệ có thể tìm cách sử dụng thỏa thuận không tiết lộ thông tin theo quy ước (NDA) với các nhà đầu tư tiềm năng. Thông thường, công ty khởi nghiệp rất ít hoặc không cân nhắc đến cách một thỏa thuận như vậy. Những thỏa thuận này thường được dùng để xác định “thông tin bí mật” liên quan tới phát minh, các điều khoản liên quan tới phát minh, các hành động cần làm, thỏa thuận cần những gì, loại trừ những gì và thời hạn của nó.
Hãy nói thế này cho ngắn gọn: Nếu bạn định tiết lộ thông tin bí mật của mình cho ai đó, hãy yêu cầu họ kí NDA.
Không phải là có lẽ sẽ kí. Không phải đôi khi sẽ kí. Mà là phải kí – mọi lúc.
Trong mọi trường hợp bạn tiết lộ thông tin liên quan tới SHTT của bạn, hãy yêu cầu các bên kí NDA. Không quan trọng việc bạn sử dụng NDA của riêng mình hay bên kia sử dụng mẫu của họ — mặc dù vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đọc nó trước khi kí.
Tại sao nên làm vậy?
Bởi đây là “phương pháp tiếp cận dây đai và dây treo” —bảo vệ hai chiều — nếu NDA được sử dụng sau khi bạn đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế. Nó bảo toàn quyền bảo hộ sáng chế của bạn nếu bạn tiết lộ thông tin trước khi nộp đơn đăng ký bằng sáng chế. Thông thường, tôi khuyên các công ty khởi nghiệp nên đăng ký bằng sáng chế và dùng cả NDA khi tiết lộ cho người mua hoặc bên công ty khác có tính rủi ro cao.
3. Bỏ qua các thông lệ IP tiêu chuẩn trong cuộc đua giành thị trường
Đây là một trong những sai lầm nguy hiểm nhất mà một doanh nghiệp mới thành lập có thể mắc phải. Như đã trình bày ở trên, quyền SHTT bảo vệ những thứ khác nhau và trong một số trường hợp, quyền SHTT không thể có được trừ khi thực hiện các bước cụ thể. Ví dụ, một công ty khởi nghiệp không thể hưởng lợi từ việc bảo vệ bí mật kinh doanh của mình trừ khi họ thực hiện các bước cụ thể để bảo vệ bí mật của thông tin đó. Tại Hoa Kỳ, điều này thường đòi hỏi các biện pháp vật lý và kỹ thuật để bảo vệ vốn sở hữu trí tuệ quý giá đó. Hơn nữa, các doanh nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ có thể loại bỏ quyền bảo hộ sáng chế của nước ngoài đối với một sáng chế nếu đã có sự tiết lộ công khai (mặc dù có ngoại lệ là có thể xin gia hạn 12 tháng sau khi tiết lộ để nộp đơn xin quyền bằng sáng chế của Hoa Kỳ).
Ở những nơi có liên quan đến nhãn hiệu, ít nhất, các công ty khởi nghiệp cần đảm bảo rằng họ đã thực hiện tìm kiếm nhãn hiệu để xem liệu nhãn hiệu đề xuất của họ đã được sử dụng bởi một công ty khác hay không. Thông thường, những thực hành như vậy là quy trình vận hành tiêu chuẩn, nhưng đối với nhiều công ty khởi nghiệp, các nhà sáng lập bỏ qua những thực hành này ngay từ đầu, có thể là vì họ không biết hoặc vì họ quá bận rộn với việc ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ.
4. Thực hiện hành vi bảo mật kinh doanh một cách hời hợt
Kết quả ư: một vé thua kiện trong tranh chấp hoặc một sự thật đã được định sẵn rằng doanh nghiệp của bạn sẽ mất tiền – rất nhiều tiền, nếu bạn thực hiện bảo mật kinh doanh một cách hời hợt.
Đóng dấu đỏ văn bản là không đủ. Về mặt bản chất, từ bí mật kinh doanh đã chỉ lối cho doanh nghiệp biết rằng đối với các văn bản về bí mật kinh doanh, càng ít người biết càng tốt, càng ít người được xem càng tốt. Doanh nghiệp của bạn không được xây dựng trong một sớm một chiều. Bạn đã làm việc chăm chỉ để tạo ra một doanh nghiệp độc nhất trong ngành. Đừng để việc quản lý kém các bí mật kinh doanh của bạn phá hủy tất cả công sức mà bạn đã bỏ vào công việc kinh doanh của mình.
Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp bạn là tạo một danh mục hoặc tạo một hay nhiều tài liệu và lưu trữ một tủ có khóa cao cấp. Ở trong tủ này, tất cả các tài liệu liên quan đến bí mật kinh doanh của bạn sẽ được để ở đây nhằm phục vụ cho vấn đề bảo mật. Đòng thời, hãy thu thập bằng sáng chế và nhãn hiệu của doanh nghiệp. Điều này cũng có thể bao gồm việc phỏng vấn những nhân viên quan trọng và thu thập bằng sáng chế và nhãn hiệu riêng của họ để đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn được bao phủ từ mọi góc độ.
Ngoài ra, tòa án sẽ xem xét một loạt các tài liệu pháp lý để xác định xem liệu doanh nghiệp của bạn có thực hiện các biện pháp thích hợp để giữ bí mật thông tin của bạn hay không trong trường hợp có tranh chấp hay kiện tụng. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn triển khai các thỏa thuận và hợp đồng liên quan tới bí mật kinh doanh đầy đủ toàn diện trong công ty. Một số thỏa thuận mà doanh nghiệp của bạn và nhân viên cần hoàn thành trong quá trình hình thành công ty là:
Thỏa thuận không cạnh tranh
Thỏa thuận không tiết lộ
Thỏa thuận bảo vệ BMKD khi nhân viên làm việc từ nhà
Hơn nữa, trong quá trình thành lập công ty, để bảo vệ bí mật thương mại, bạn phải xây dựng chính chính sách bảo mật. Điều quan trọng là các chính sách bảo vệ của bạn phải được truyền tải đến nhân viên. Nhân viên của bạn thường xuyên tiếp xúc với những bí mật này, và nếu họ không được thông báo về các chính sách, họ và bạn đều có thể gặp nguy hiểm. Bằng cách giáo dục nhân viên của bạn về các chính sách bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật của bạn sẽ được an toàn cùng với nhân viên của bạn.
5. Không có một kế hoạch bảo vệ và phát triển SHTT
Việc không phát triển (hoặc thực thi) một chiến lược SHTT, mà chiến lược này được suy nghĩ kỹ lưỡng và dày công nghiên cứu thường gây tử vong cho các công ty khởi nghiệp. Đây là sai lầm lớn nhất mà các công ty khởi nghiệp mắc phải. Các công ty trẻ thường phát triển tất cả các loại kế hoạch – kế hoạch kinh doanh để có vốn đầu tư, kế hoạch tiếp thị, kế hoạch tuyển dụng và thậm chí cả chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm – vậy tại sao họ thường bỏ qua kế hoạch giải quyết một số tài sản có giá trị nhất của công ty họ?
Có một số lý do được đưa ra trong tâm trí, nhưng lý do phổ biến nhất là sự sốt sắng muốn tiếp cận thị trường của họ. Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm của mình, hầu hết các công ty khởi nghiệp không thực hiện các bước cần thiết để xác định và bảo vệ tài sản SHTT của họ. Cách tiếp cận từng phần theo thời gian để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hầu như luôn tốn kém hơn nhiều so với cách tiếp cận toàn phần toàn diện ngay từ đầu . Các công ty khởi nghiệp nên – luôn luôn – dành thời gian báo trước với cố vấn SHTT có trình độ để phác thảo các tài sản SHTT hiện có và dự tính của họ cũng như phát triển một kế hoạch hành động để có được và bảo vệ chúng. Khi làm như vậy, một công ty khởi nghiệp có thể thu được giá trị đáng kể từ các tài sản SHTT mà công ty tạo ra và có thể tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị bên thứ ba xâm phạm. Nói một cách đơn giản, nếu bạn không lập kế hoạch, thì thiệt hại sớm hay muộn cũng sẽ gõ cửa doanh nghiệp của bạn.
Sở hữu trí tuệ gần như chắc chắn tồn tại trong công ty khởi nghiệp của bạn. Nếu bạn chưa nghĩ về điều đó thì bây giờ chắc chắn là lúc. Nếu bạn đã nghĩ về điều đó và chưa hành động, thì bạn nên xem xét những gì bạn có thể làm để phát triển doanh nghiệp của mình trong tương lai. Kết quả của việc bảo vệ hay không bảo vệ SHTT đều có thể tạo ra ảnh hưởng mang tính sống còn cho doanh nghiệp của bạn và bạn.
Nguồn ảnh: Pinterest.com
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
(+) Bài viết tham khảo thông tin trong bài báo: The five biggest IP mistakes startups make của tác giả Tom Kulik.
Về tác giả
Min Min
Amy Nguyễn đang lãnh đạo IPGEEKLAB với vai trò CEO, một cơ sở nghiên cứu sở hữu trí tuệ (IP) và cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ 360 độ, với hai đầu cầu ở New York, Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh, Việt Nam. Amy tu nghiệp từ các chương trình IP cao cấp từ Đại học Pennsylvania, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), và Đại học Jagiellonian tại Ba Lan. Amy hiện đóng vai trò cố vấn chính trong Tiểu ban Chuyên gia IP của Ủy ban Pháp luật về Sở Hữu Trí Tuệ của Phụ nữ tại Hiệp hội Luật Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực IP số, tập trung vào khai thác dòng tiền từ IP, thương mại hóa IP và lập kế hoạch chiến lược, Amy là một cố vấn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nhà sản xuất trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, trò chơi điện tử, thương mại điện tử và thời trang cao cấp; cô giúp họ định hướng và bảo vệ quyền sáng tạo và thương mại của họ.