Từ Khoa học máy tính đến Quản trị tài sản trí tuệ, tại sao không?

Buổi sáng cuối tuần, Ngân chuẩn bị ra vườn tưới cây và chờ đợi tin nhắn để được nói chuyện cùng anh Quang, diễn giả cho webinar sắp đến của IP Lovers. Nội dung của webinar lần này là Quản trị Tài sản trí tuệ (TSTT) trong Doanh nghiệp và Trường Đại học.

Chỉ 5 phút sau, Ngân nhận được tin nhắn của anh Quang, “anh có thể online bây giờ Ngân có nói chuyện được không?” Mình liền gửi ngay link Google meet để bắt đầu cuộc trò chuyện.

Chỉ gần 1 tiếng trao đổi với anh Quang, mình đã có thêm rất nhiều thông tin thú vị, không chỉ về công việc Quản trị viên TSTT; một công việc còn khá mới nhưng đã bắt đầu xuất hiện tại một số công ty của Việt Nam.

Ngân cũng biết chi tiết hơn những tác nghiệp cần quan tâm trong việc Quản trị các TSTT trong doanh nghiệp, và lý do tại sao các doanh nghiệp nên có bộ phận Quản trị TSTT chuyên trách. Điều mà từ trước đến giờ mọi người hay nghĩ là công việc chính chỉ dân “pháp lý” mới có thể phụ trách.

Đặc biệt, Ngân còn biết thêm về con đường sự nghiệp của anh từ một Tiến sĩ Khoa học máy tính đến nay đang là Chánh văn phòng của Viện Quản trị TSTT Minh Đức.

Chi tiết là gì mời bạn theo dõi phần trò chuyện của Ngân và anh Quang ngay bên dưới.

————–

Ngân: Anh Quang có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình với các thành viên của IP Lovers được không ạ?

Anh Quang: Hiện anh đang là Chánh văn phòng, Nghiên cứu viên tại Viện Quản trị TSTT Minh Đức. Anh đã từng là Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (5 năm) và Phó trưởng Bộ phận Quản trị TSTT (3 năm) tại Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM.

Ngân: Anh có thể chia sẻ một số thông tin về Viện Quản trị TSTT Minh Đức được không ạ?

Anh Quang: Đầu tiên Viện Quản trị TSTT Minh Đức có chức năng hệ thống hóa lý luận về Quản trị TSTT theo thực tiễn Việt Nam, do TS. Đào Minh Đức chủ trì phát triển qua Chương trình Đào tạo Quản trị viên TSTT, do Sở KH&CN TP.HCM và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN phối hợp tổ chức, từ năm 2005 đến nay.

Hoạt động chính của Viện là:

  • Nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực phối kết pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan với lý luận về đầu tư và quản trị vào hoạt động quản trị TSTT;
  • Biên soạn tài liệu, sách, giáo trình cơ bản chuyên sâu về quản trị TSTT;
  • Phát triển & cung ứng đội ngũ giảng viên về quản trị TSTT cho Chương trình Đào tạo Quản trị viên TSTT của Sở KHCN TP. HCM và các tổ chức đối tác;
  • Đào tạo, tập huấn theo nhu cầu của các doanh nghiệp, trường, viện…và tham vấn tình huống thực tế thông qua đào tạo.

Cho đến tháng 12 năm 2020, chương trình Quản trị viên TSTT của Viện đã có 657 thành viên hoàn thành Mô-đun 1: Tài sản trí tuệ trong kinh doanh và hoạt động R&D (30 giờ).

Chi tiết thông tin, các bạn có thể xem slide bên dưới:

Ngân: Nội dung chính anh sẽ chia sẻ trong buổi webinar tối thứ ba tuần này là gì?

Anh Quang: Những nội dung chính anh sẽ chia sẻ là:

  1. Nhận diện Tài sản trí tuệ (trong đó có Quyền Sở hữu trí tuệ – IP)
  2. Quy trình Dr. Quang về Quản trị Tài sản trí tuệ
  3. Ưu đãi thuế 50%-100% dành cho Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (Khởi nghiệp)

Ngân: Em thực sự rất tò mò về tiềm năng nghề Quản trị viên TSTT trong 3 đến 5 năm tới, vì một số bạn sinh viên đã hỏi em câu này? Ngoài ra, ngay trong Group IP Lovers, hiện nay đã dần có một số công ty đăng tuyển chính thức vị trí này.

Anh Quang: Đây là một nghề nghiệp tiềm năng trong tương lai. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp lớn và vừa chưa quan tâm đến việc Quản trị TSTT nhiều bởi họ chỉ quan tâm đến mở rộng thị phần, có khách hàng trước đã. Sau đó phát triển thành công rồi mới nghiên cứu và tìm hiểu các cách thức quản lý và khai thác các TSTT.

Tuy nhiên, anh nghĩ công ty nào cũng có các TSTT. Nếu chúng ta hiểu, và nhìn rõ được tài sản này nên được quản trị như thế nào, cách thức đầu tư khai thác hiệu quả ra sao ngay từ đầu. Sau đó nâng cấp việc khai thác đó thành những ứng xử chuyên nghiệp và hiệu quả (best practices) thì sẽ một công cụ quan trọng cho sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Nhưng hiện nay, đa số các công ty chỉ nhìn nhận việc quản trị TSTT chỉ ở góc độ đơn thuần các đối tượng SHTT (IP). Nhân viên trong công ty chủ yếu quan tâm đến các thủ tục hành chính nhằm xác lập quyền là chính. Họ chưa nhìn nhận, đào sâu khái niệm Quản trị TSTT (IP management).

Các luật sư của phòng pháp chế thường xử lý những vấn đề liên quan đến các đối tượng SHTT hoặc thuê dịch vụ bên ngoài. Họ thường ít chú trọng đến việc tuyển dụng một người chuyên trách như một Quản trị viên TSTT, hoặc đào tạo thêm những kỹ năng quản trị cho những nhân viên trong công ty như luật sư, chuyên viên pháp lý, marketing; những người có cường độ tiếp xúc và làm việc nhiều với các TSTT trong doanh nghiệp..

Tuy nhiên, một Quản trị viên TSTT bên cạnh việc nắm vững các nguyên tắc và thủ tục hành chính để bảo hộ đó, họ còn biết tư vấn, kết nối các phòng ban, tham mưu cũng như trực tiếp thực hiện những tác nghiệp quản trị các TSTT trong doanh nghiệp.

Ngân: Theo anh công việc của một Quản trị viên TSTT đã phổ biến ở các nước phát triển hay chưa? 

Anh Quang: Thực sự ngay cả những nước phát triển như Úc tại các trường Đại học cũng chưa có những vị trí chuyên trách về Quản trị TSTT. Đây cũng là điều anh nhận thấy từ chính trải nghiệm của bản thân. Anh đã hoàn thành việc học Thạc sĩ (2005) và Tiến sĩ (2012) trong lĩnh vực Công nghệ thông tin theo diện học bổng toàn phần tại Đại học La Trobe, Úc.

Tuy nhiên, hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam nếu nắm được tầm quan trọng của việc thiết lập một hệ thống quản trị các TSTT hiệu quả trong doanh nghiệp, cũng như có nhân viên chuyên trách và hỗ trợ. Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả, an toàn và phù hợp để có thể phát triển không chỉ nhanh mà còn mạnh trong tương lai.

Ngân: Cảm ơn anh về những thông tin chia sẻ rất hữu ích ngày hôm nay. Chắc những phần chính sẽ được anh chia sẻ tối thứ 3 tuần này anh nhé. Kết thúc buổi nói chuyện, anh có thể cho em hỏi nếu muốn biết thêm về các chương trình hay nội dung Viện Quản trị TSTT Minh Đức đang nghiên cứu, em nên tìm ở đâu?

Anh Quang: Hiện tại, các bạn có thể theo dõi các thông báo của Viện khi có mở các khóa huấn luyện. Ngoài ra, bạn có thể subscribe kênh Youtube của Viện tại đây để có thể theo dõi những clip chia sẻ về Quản trị TSTT trong doanh nghiệp mà Viện đã thực hiện.

Ngân: Cảm ơn anh và hẹn gặp lại anh vào tối mai.

Nếu bạn nào chưa đăng ký webinar ngày mai, có thể đăng ký tại đây.

Chia sẻ thêm: TS. Nguyễn Hồng Quang hiện cũng đang tham vấn, nghiên cứu và đào tạo về Quản trị Tài sản trí tuệ (Quyền tác giả, Thương hiệu, Nhãn hiệu, Bí mật kinh doanh, Sáng chế, …) tại các Doanh nghiệp và các Cơ sở giáo dục. Nếu Quý công ty nào có nhu cầu liên hệ, có thể gửi thông tin về địa chỉ: quangvn@gmail.com

Cảm ơn các bạn đã đọc. Hẹn gặp lại các bạn vào tối thứ 3, 20/09/2022 lúc 8PM-9:30 PM.

Thân mến,

Ngân Trần

Về tác giả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post “Review phim” và ranh giới của ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
Next post Series Khởi nghiệp – No.3: Rủi ro kinh doanh: 5 sai lầm lớn nhất về sở hữu trí tuệ mà các công ty khởi nghiệp mắc phải
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x