Có lẽ, tới thời điểm này, hầu như chúng ta đều biết copyright KHÔNG bảo vệ ý tưởng (idea) mà chỉ bảo vệ sự thể hiện của ý tưởng (expression of idea) đó. Đây là một giới hạn cũng như là một nguyên tắc lâu đời của luật bản quyền, tạo điều kiện cho sự phát triển của một phạm vi công cộng (public domain) phong phú. Nguyên tắc này đã được khẳng định lại trong hiệp định TRIPS ở điều 9(2): Luật bản quyền bảo hộ sự biểu hiện của ý tưởng và không bảo hộ cho các ý tưởng, thủ tục, phương pháp hoạt động hoặc các khái niệm toán học.
Tuy nhiên ranh giới giữa ý tưởng và sự thể hiện ý tưởng không phải bao giờ cũng dễ dàng vạch ra. Rất khó để có câu trả lời, khi nào ý tưởng kết thúc và khi nào sự thể hiện của ý tưởng bắt đầu? Có thể nói cặp đôi ý tưởng/thể hiện (the idea/expression dichotomy) là khái niệm khó nhất trong luật bản quyền.
Plix Products Ltd vs Frank M. Winstone (Merchants) Ltd [1986] F.S.R. 63 (New Zealand: High Court), khẳng định lại phán quyết [1986] F.S.R. 608 (New Zealand: Court of Appeal)
[Nhân viên của nguyên đơn đã thiết kế các túi nhựa đựng kiwi tuân theo các thông số kỹ thuật do hội đồng tiếp thị kiwi thông qua. Bị đơn đã hướng dẫn bằng miệng cho một nhà thiết kế tạo ra các túi đựng kiwi tương tự, tuân theo các thông số kỹ thuật nói trên và số đo quả kiwi của chính anh ta. Nhà thiết kế chưa bao giờ nhìn thấy các túi thiết kế của nguyên đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn đã kiện thành công hành vi phạm bản quyền.]
Thông qua vụ việc này, thẩm phán Pritchard đã giải thích rằng (người viết lược dịch): có hai loại “ý tưởng” liên quan đến việc tạo ra một tác phẩm là đối tượng của luật bản quyền. Trước hết là ý tưởng chung hoặc khái niệm cơ bản của tác phẩm. Ý tưởng này được hình thành (hoặc cấy ghép) trong tâm trí của tác giả. Anh ta bắt đầu viết một bài thơ hoặc một cuốn tiểu thuyết về tình yêu đơn phương hoặc vẽ một con chó đang nghe máy hát hoặc làm một túi đựng quả kiwi – hoặc bất cứ dự án nào anh ta có trong đầu. Mặc dù “ý tưởng” này vẫn là suy nghĩ trong đầu của tác giả, nhưng tất nhiên, nó không phải là bản quyền. … Việc một người vật chất hoá ý tưởng loại này thành một dạng hữu hình không dẫn đến sự độc quyền trong ý tưởng.
“Ý tưởng” thứ hai là lúc tác giả chuyển khái niệm cơ bản thành một dạng cụ thể – tức là sự “thể hiện” ý tưởng – mà không cần trang bị cho nó các chi tiết về hình thức và hình dạng. Người viết tiểu thuyết sẽ nghĩ về các nhân vật, lời thoại, các chi tiết của cốt truyện, v.v. Nghệ sĩ sẽ nghĩ đến một độ nghiêng nhất định đối với đầu của chú chó, ảnh hưởng của phối cảnh, màu sắc, ánh sáng và bóng râm. Nhà sản xuất bao bì cũng sẽ thiết kế các hình dạng, hình thức, hoa văn mà theo đó anh ta tin rằng mình thể hiện ý tưởng cơ bản cho bao bì một cách hiệu quả nhất. Mỗi tác giả sẽ dựa trên kỹ năng, kiến thức về chủ đề, kết quả nghiên cứu, trí tưởng tượng của riêng mình để hình thành ý tưởng về cách họ sẽ diễn đạt khái niệm cơ bản. Tất cả các phương thức biểu đạt này đều có nguồn gốc trong tâm trí tác giả – đây cũng là những “ý tưởng”. Khi những ý tưởng này được thể hiện dưới dạng cụ thể, thì lúc này độc quyền sẽ được cấp.
Tất nhiên, vấn đề khó khăn là làm sao xác định khi nào khái niệm cơ bản kết thúc và việc thể hiện khái niệm bắt đầu. Đó là một “ranh giới không thể xác định được”. Ý tưởng cơ bản (hoặc khái niệm) không nhất thiết phải đơn giản – nó có thể phức tạp. Nó có thể là một cái gì đó sáng tạo; hoặc bình thường, thực dụng hoặc tầm thường. Cách tác giả đối xử với chủ đề, các hình thức mà anh ta sử dụng để diễn đạt khái niệm cơ bản, có thể từ thô thiển và đơn giản đến công phu và phức tạp. Chính lúc này, tác giả sử dụng các kỹ năng và ngành công nghiệp để mang lại bản quyền cho tác phẩm.
Vì vậy, những người tìm cách tạo ra một sản phẩm có cùng mô tả với sản phẩm mà người khác sở hữu bản quyền phải cẩn thận. Nếu anh ta sao chép các chi tiết đúng với cách diễn đạt chứ không phải khái niệm cơ bản, anh ta sẽ vi phạm bản quyền. Đó là lý do tại sao, khi ý tưởng cơ bản được thể hiện ở dạng thô thiển hoặc đơn giản, kẻ đạo văn tiềm năng hoặc đối thủ cạnh tranh kinh doanh có thể tiến rất gần đến bản sao chính xác của tác phẩm có bản quyền. Nhưng nếu cách diễn đạt công phu, phức tạp hoặc chi tiết thì anh ta phải giữ khoảng cách: sản phẩm duy nhất anh ta tạo ra mà không vi phạm có thể không giống với tác phẩm có bản quyền.
Tại Anh, một trong những vụ việc giải quyết câu hỏi Luật bản quyền không bảo hộ cái gì là vụ việc Norowzian v. Arks Ltd (No. 2) [2000] E.M.L.R. 67 (U.K.: Court of Appeal). Phán quyết đã đưa ra kết luận rằng: Luật bản quyền không bảo hộ phong cách, hay technique.
Nguyên đơn là nghệ sĩ Norowzian đã quay một đoạn phim ngắn có tên “Joy” trên tầng thượng của một tòa nhà, có cảnh một người đàn ông đang nhảy theo nhạc. Norowzian sau đó đã chỉnh sửa bộ phim, cắt bỏ các phân cảnh cụ thể, tạo cảm giác người vũ công thực hiện các động tác gần như siêu thực, không thể thực hiện được. Sau đó, một quảng cáo truyền hình của hãng bia Guinness có hình ảnh một người đàn ông đang nhảy theo cách tương tự. Điệu nhảy, bối cảnh và âm nhạc khác nhau, nhưng quảng cáo (có tên “Anticipation”) đã sao chép kỹ thuật quay phim của Norowzian và ý tưởng về một người đàn ông thực hiện điều không thể. Khi Norowzian kiện nhà làm phim và hãng Guinness vì vi phạm bản quyền, các bị đơn cho rằng họ chỉ sao chép ý tưởng của bộ phim trước đó chứ không phải cách thể hiện của nó. Tòa án đã đồng ý với các bị cáo.
Thẩm phán Nourse đã phán quyết rằng mặc dù có sự giống nhau nổi bật giữa phong cách quay phim, dựng phim và kỹ thuật của hai bộ phim, nhưng bản quyền không tồn tại trong phong cách hoặc kỹ thuật đơn thuần. Luật sư bị đơn đã lấy một ví dụ điển hình. Đó là kỹ thuật Pointillism (bút pháp điểm hoạ) được khởi nguồn bởi các nhà theo trường pháp Tân ấn tượng (Neo-Impressionism) Seurat và Signac. Tương tự như vậy, chúng ta không thể cấm một nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật vẽ của bức hoạ La Baignade, Asnières trưng bày tại Salon des Artistes Indépendants vào năm 1884 để vẽ một cảnh ở Provence, Seurat. Chúng ta không thể cấm việc bắt chước “nhịp điệu” trong câu thơ của Gerard Manley Hopkins hoặc bản dựng theo chủ đề của bản giao hưởng thứ hai của Sibelius. Vì vậy, ở vụ việc này chủ đề của hai bộ phim là rất khác nhau, sự tương đồng về phong cách và kỹ thuật không đủ để đưa ra nguyên nhân dẫn đến hành vi chống lại các bị cáo.
Image: Matt Duncan on Unsplash
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
Về tác giả
Vân Anh
Vân Anh hiện đang là giảng viên (Assistant Professor) môn luật Sở hữu trí tuệ tại đại học Durham, vương quốc Anh. Blog cá nhân: https://www.vananhle.net/.