Phần 2: Sáng chế tạo ra trong quá trình lao động (Employee Inventions)

Phần 1 “Sáng chế tạo ra trong quá trình lao động (Employee Inventions)” đã giới thiệu hai trường hợp mà sáng chế sẽ thuộc về người sử dụng lao động (NSDLĐ). Theo Mục 39 Đạo luật sáng chế của Anh năm 1977 (UK Patents Act – PA), nếu (1) người lao động (NLĐ) được thuê để làm nhiệm vụ sáng tạo và đổi mới (Research and Development – R&D) hoặc (2) NLĐ có nghĩa vụ đặc biệt để nâng cao lợi ích của NSDLĐ dù họ không được thuê để làm R&D, thì sáng chế (inventions) thuộc về NLĐ.

Để áp dụng Mục 39, NLĐ cần chứng minh sáng chế được tạo ra trong quá trình lao động. Nhìn chung đây không phải là một yêu cầu quá khó ngoại trừ trường hợp các sáng chế tạo ra bởi các nhà tư vấn, các học giả, giảng viên thỉnh giảng của các trường đại học, sinh viên, nhà nghiên cứu biệt phái, vì bản chất lao động giữa những người này và người được gọi là chủ không rõ ràng lắm.

Trước những năm 1980, nhiều trường đại học ở Anh không tìm cách khẳng định quyền sở hữu đối với các sáng chế do NLĐ tạo ra. Lý do là vì thu nhập của các trường đại học chủ yếu đến từ các khoản trợ cấp của chính phủ và học phí của sinh viên. Vì vậy, các cơ sở giáo dục không quan tâm đến việc thương mại hóa các sáng chế nói riêng và các tài sản trí tuệ nói chung. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi, nhiều trường đại học đã thành lập nên các văn phòng chuyển giao công nghệ để giúp trích xuất nguồn thu từ các tài sản trí tuệ và khẳng định quyền sở hữu.

Có một vụ việc rất nổi tiếng về mối quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ trong môi trường giáo dục. Đó là vụ việc tại Úc giữa Đại học Tây Úc (University of Western Australia – UWA) và Giáo sư Gray (University of Western Australia v Gray [2009] FCAFC 116). Gray được tuyển dụng toàn thời gian với tư cách là giáo sư phẫu thuật tại UWA từ năm 1985 và đã ký một hợp đồng lao động tiêu chuẩn với trường đại học. Hợp đồng quy định các nhiệm vụ và trách nhiệm của ông như sau:

  • giảng dạy, chấm thi, chỉ đạo, và giám sát công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình;
  • thực hiện nghiên cứu và khuyến khích nghiên cứu giữa nhân viên và sinh viên;
  • thực hiện các công việc thích hợp khác.

Khi còn làm việc tại UWA, Giáo sư Gray đã tiến hành một số nghiên cứu và phát triển liên quan đến công nghệ sản xuất và sử dụng vi cầu để điều trị mục tiêu khối. Ông đã nộp một số bằng sáng chế mang tên ông và những người khác liên quan đến những công nghệ đó.

Khi hợp đồng lao động giữa Gray và UWA chấm dứt vào năm 1997, ông đã chuyển nhượng các quyền tài sản liên quan đến sáng chế của mình cho công ty Sirtex Medical Ltd. Công ty này đã được niêm yết cổ phiếu vào năm 2000, lúc đó Gray đang là giám đốc sở hữu một số lượng cổ phần đáng kể.

Năm 2004, UWA đã đưa ra một lá thư cho Sirtex tuyên bố rằng tất cả tài sản trong các công nghệ liên quan thuộc về UWA và rằng Sirtex phải sửa đổi sổ đăng ký cổ phiếu của mình để ghi lại quyền lợi của UWA. Tháng 12/2004, UWA bắt đầu thực hiện quá trình tố tụng chống lại Gray. Trước khi vụ việc này xảy ra, có một giả định chung rằng sáng chế của người làm công tác học thuật trong quá trình làm việc sẽ thuộc về NSDLĐ. Tuy nhiên, Tòa án Liên bang Úc bác bỏ tất cả các khiếu nại của UWA và cho rằng trong trường hợp thỏa thuận không quy định khác, các quyền liên quan đến sáng chế của cán bộ trong quá trình nghiên cứu sẽ thuộc về họ với tư cách là nhà sáng chế theo Đạo luật Sáng chế 1990 của Úc.

Có thể nói rằng, bản chất của việc nghiên cứu trong môi trường học thuật hoàn toàn khác với môi trường tư nhân bởi vì các nhà nghiên cứu không bắt buộc phải thực hiện một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Mặt khác, các nhà khoa học trong lĩnh vực tư nhân thường có các cam kết cụ thể do doanh nghiệp đưa ra. Chưa hết, các nhà nghiên cứu trong trường đại học là người quyết định thời điểm công bố kết quả nghiên cứu. Họ là những người nộp đơn xin tài trợ để tiến hành dự án của họ. Theo lệ thông thường, họ sẽ được tự do mang theo kết quả nghiên cứu nếu chuyển sang một môi trường làm việc khác.

Sáng chế được tạo ra khi NLĐ được thuê để làm nhiệm vụ R&D

Nhiệm vụ của một nhân viên sẽ được xác định bởi bản mô tả công việc và hợp đồng lao động. Tuy nhiên, các nhiệm vụ thực tế mà NLĐ đảm nhận cũng phải được xem xét vì hầu hết công việc của một nhân viên thường phát triển và thay đổi theo thời gian. Và những câu hỏi cần đặt ra là sáng chế được tạo ra ở đâu, khi nào, liệu NLĐ có sử dụng các phương tiện được cấp trong quá trình làm việc của mình hay không? Mối quan hệ giữa sáng chế và lĩnh vực hoạt động của NSDLĐ? Nếu sáng chế và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp trùng nhau, khả năng cao là sáng chế thuộc về NSDLĐ. Và tòa án cũng cho rằng bất kỳ phát minh nào hữu ích cho NSDLĐ sẽ thuộc phạm vi nhiệm vụ của NLĐ.

Nhìn chung, khi một nhân viên để làm công việc liên quan đến sáng tạo, nghiên cứu hoặc thiết kế, một kì vọng hợp lý có thể xảy ra đó là việc thực hiện nhiệm vụ của NLĐ có thể dẫn đến một sáng chế và do đó thuộc về người NSDLĐ. Và trường hợp này xảy ra ngay cả khi khía cạnh sáng tạo chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhiệm vụ của NLĐ.

Greater Glasgow Health Board’s Application

Tiến sĩ Montgomery yêu cầu cơ quan sở hữu trí tuệ của Anh (UK Intellectual Property Office – UKIPO) là nhà sáng chế duy nhất của thiết bị đo khoảng cách quang học để sử dụng với kính soi mắt gián tiếp, cho phép thực hiện đo võng mạc hiệu quả hơn. Vào thời điểm đưa ra sáng chế này, Tiến sĩ Montgomery đã được Hội đồng Y tế Greater Glasgow (GGHB) tuyển dụng với tư cách là bác sĩ hành nghề tại Khoa Nhãn khoa. GGHB đã nộp đơn yêu cầu là chủ sở hữu của sáng chế theo mục 12 của PA 77. Giám định viên nhận thấy rằng sáng chế trong đơn đề nghị được thực hiện trong quá trình lao động của Tiến sĩ Montgomery. Do đó, nó thuộc sở hữu của GGHB theo Mục 39 (1) (a) của PA 77.

Kháng nghị từ quyết định của giám định viên đã được Thẩm phán Laddie đồng ý khi đánh giá “nhiệm vụ thông thường” của Tiến sĩ Montgomery. Thẩm phán Laddie cho rằng việc xem xét không chỉ giới hạn trong hợp đồng lao động (trong đó chỉ ra rằng bác sĩ có trách nhiệm lâm sàng, nhiệm vụ giảng dạy và kỳ vọng tận dụng các cơ sở nghiên cứu) mà còn phải tính đến các nhiệm vụ thực sự của nhân viên. Khi xem xét những gì Tiến sĩ Montgomery đã làm trên thực tế, thẩm phán Laddie nhận thấy rằng nghiên cứu và sáng chế không phải là một phần nhiệm vụ thông thường của ông. Thay vào đó, ông chủ yếu tham gia vào điều trị lâm sàng, thỉnh thoảng có giảng dạy. Vì vậy, tiến sĩ Montgomery được quyền giữ lại sáng chế độc quyền.

Sáng chế được tạo ra khi NLĐ có nhiệm vụ đặc biệt

Đây là tình huống mà sáng chế của nhân viên cũng sẽ thuộc về NSDLĐ, khi mà địa vị của NLĐ trong doanh nghiệp tạo ra nghĩa vụ đặc biệt đối với lợi ích của doanh nghiệp. Điều này thường xảy ra khi NLĐ giữ chức vụ cao cấp như quản lý, điều hành, giám đốc. Những nhân viên như vậy được coi là bản ngã khác (alter ego) của NSDLĐ và họ có nghĩa vụ trung thành với NSDLĐ. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Một nhân viên phải có cấp bậc “thấp” như thế nào để được giữ lại những sáng chế mà họ tạo ra trong quá trình lao động? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ so sánh hai trường hợp sau đây.

Harris’ Patent [1985] RPC 19

Harris là nhân viên người quản lý làm việc cho Reiss, một công ty sản xuất van theo hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (licence) của Sistag. Trong quá trình làm việc, Harris đã phát minh ra một loại van đặc biệt kiểm soát dòng chảy của bụi qua các ống dẫn, trong khi đó nhiệm vụ hàng ngày của anh chỉ giới hạn ở việc bán hàng và dịch vụ hậu mãi. Mặc dù có chức danh quản lý, Harris không có quyền thuê và sa thải nhân viên. Anh không có quyền chấp thuận ngày nghỉ của nhân viên dưới quyền, và càng không tham gia các cuộc họp hội đồng quản trị ngay cả khi nó liên quan đến bộ phận anh đang làm việc. Vì vậy, mặc dù là là nhân viên quản lý, địa vị và trách nhiệm của Harris trong công ty không tạo cho anh một nghĩa vụ đặc biệt trong việc thúc đẩy lợi ích của công ty. Kết quả đưa ra là sáng chế thuộc về Harris.

Staeng Ltd’s Patent [1996] RPC 183

Neely là giám đốc phát triển sản phẩm của Hellerman, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cáp. Hellerman đã hợp tác với một công ty khác trong cùng lĩnh vực – Staeng. Trong một lần hợp tác, Neely của Hellerman và Robertson từ Staeng đã làm việc cùng nhau và đã phát triển một số sáng chế và hai bằng độc quyền đã được cấp cho ông Robertson. Ông Neely đã nộp đơn yêu cầu UKIPO công nhận ông là nhà sáng chế và chủ sở hữu duy nhất của các bằng sáng chế đã được cấp cho Staeng. Tuy nhiên phán quyết cho thấy rằng sáng chế thuộc về Hellerman.

Xem xét bản mô tả công việc của Neely, nhân viên điều trần thấy rằng ông được giao nhiệm vụ sáng tạo bằng cách sử dụng các cuộc thảo luận với khách hàng để tạo ra ý tưởng cho sản phẩm mới và nghĩ ra cách sử dụng mới cho các sản phẩm hiện có. Và ông cũng là người trực tiếp làm việc cho công ty mẹ và đã được công ty và các đồng nghiệp xác định là một giám đốc điều hành cấp cao. Chưa kể, Neely còn tham gia vào kế hoạch chia lợi nhuận của công ty. Vì vậy, so với Harris trong trường hợp trước, Neely hoạt động ở mức độ cao cấp hơn nhiều. Và nếu Harris giải quyết các vấn đề của khách hàng bằng cách chuyển những vấn đề này cho công ty Sistag, thì Neely có trách nhiệm cao hơn là sắp xếp hợp lý và tái cấu trúc sản phẩm cho Hellerman. Và nếu Harris không tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị, ông Neely đã tham gia vào các cuộc họp như vậy với tư cách là giám đốc. Mặc dù có những ràng buộc về khả năng thuê, sa thải và chi tiêu tài chính của Neely, nhưng về mặt này, quyền hạn của ông rõ ràng vượt xa Harris. Vì vậy, ông Neely có nghĩa vụ đặc biệt để nâng cao lợi ích của công ty mình và sáng chế được kết luận thuộc về NSDLĐ.


Tác giả: Vân Anh

  • Hình ảnh: tác giả chụp trường đại học thành viên Christ Church của đại học Oxford

© All rights reserved.

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.

Về tác giả

4 2 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
2 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Min Min
Admin
2 năm trước

Bổ ích quá đi! e học được rất nhiều thứ từ bài này

Previous post “Think Different”- Thế khó của Apple trong bảo hộ nhãn hiệu ở Liên minh Châu Âu
Next post WE DON’T GET TO BE GOOD AT EVERYTHING
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x