WE DON’T GET TO BE GOOD AT EVERYTHING
#Careerguidance
“Đấy là một ý tưởng tồi đấy Trâm ạ” – một giáo sư cũng là luật sư và là người cố vấn trong chương trình học sở hữu trí tuệ (SHTT) nói với tôi, bằng một giọng điệu vô cùng buồn phiền, khi tôi đề đạt ý tưởng sau này có thể trở thành “general lawyer in Intelectual Property (IP)”, tức là mảng nào của luật SHTT tôi cũng làm.
Tôi có tranh luận với thầy là nếu lựa chọn dịch vụ và lựa chọn khách hàng thì tôi sẽ chết đói mất vì khách hàng đến với trăm kiểu yêu cầu từ mọi lĩnh vực của SHTT. Thầy nhấp cà phê và nói với tôi rằng “ trong 50 năm hành nghề SHTT, thầy có thể khẳng định rằng không ai giỏi tất cả các lĩnh vực (WE DON’T GET TO BE GOOD AT EVERYTHING) và chọn được lĩnh vực mà mình đam mê và trở nên xuất sắc trong lĩnh vực đó là yếu tố mang tới thành công”.
Phải mất tới sáu năm, tôi mới thực sự thấm nhuần những điều ngày hôm đó thầy chỉ bảo tôi.
Người Việt Nam (VN) có câu “ Biết mỗi thứ một tí tức là không biết gì”. Tôi nghĩ ý kiến này áp dụng với ngành luật SHTT là khá chuẩn xác. Nếu như nhiều thập kỉ trước, ở các nước phát triển, SHTT đã phân hóa mạnh mẽ và chuyên sâu thì tại VN, SHTT giờ bắt đầu đang cựa mình phân hóa nhưng lại với tốc độ nhanh một cách ngạc nhiên. Hiện tại, ở VN, đã có luật sư nhãn hiệu riêng, luật sư sáng chế riêng, và luật sư bản quyền riêng, và dù có thể họ làm trong cùng một văn phòng luật SHTT cung cấp cả ba dịch vụ trên, nhưng họ thường không làm chồng lấn công việc của nhau. Họ tiếp nhận các vụ tư vấn và tố tụng trong mảng của mình, đồng thời, họ tiếp tục đầu tư phát triển kiến thức trong lĩnh vực mà họ đã chọn. Ở Mỹ, chúng tôi gọi những người có nhận thức mạnh mẽ về việc chuyên môn hóa bản thân là những người “ cực kì khôn ngoan”.
Sự khôn ngoan này, mỗi người chúng ta đều có thể học tập. Vậy làm thế nào để chuyên môn hóa bản thân? Làm thế nào để có thể lựa chọn và phát triển “niche” (có thể gọi trong hoàn cảnh bài viết này là lĩnh vực sở trường)?
Những lời khuyên dưới đây có thể giúp ích chỉ đường cho luật sư trẻ tuổi, sinh viên, người muốn chuyển đổi ngành nghề sang luật, và đặc biệt những người đang bơi trong biển lớn của SHTT và chưa biết mình muốn làm gì về mặt chuyên môn:
1. Nghiên cứu thị trường
Từ từ đã! Đây đâu phải là chiến dịch quảng cáo hay chiến dịch của ngân hàng, tại sao phải nghiên cứu thị trường?
Nghiên cứu thị trường là bước chúng ta luôn phải làm, thậm chí làm đi làm lại và làm nhiều lần trong một thời gian dài để biết được những ngành nghề và lĩnh vực nào trên thị trường đang phát triển, có tiềm năng phát triển, có công nghệ mới nhưng chưa có luật cụ thể hay quy định cụ thể; hoặc ngành nghề và lĩnh vực đã có luật và quy định riêng nhưng chưa bao quát chi tiết dẫn tới nhiều vấn đề vi phạm.
Nghiên cứu thị trường còn để biết trong các ngành nghề đã phát triển, có những lỗ hổng nào chưa được vá, những nhu cầu pháp lý nào xuất hiện hàng năm với tần suất dày đặc, mà chúng ta có thể cung cấp dịch vụ để giải quyết.
Nghiên cứu thị trường còn có thể mang đến thông tin về những hình thái dịch vụ pháp lý mới, bên cạnh văn phòng luật truyền thống, từ đó đưa cho chúng ta lựa chọn trong việc: đầu quân làm việc theo cách truyền thống hay tham gia làm việc theo cách hiện đại, hoặc lựa chọn làm một công việc 100% tư vấn pháp lý và tố tụng hay công việc đan xen nhiều yếu tố khác.
Ví dụ về hình thức công ty dịch vụ luật mới: tổ chức BTI Consulting cung cấp dự báo hàng năm cho các công ty luật, tổ chức tin tức kinh doanh và công nghệ để từ đó các tổ chức này có thể xác định các chuyển biến mới, lĩnh vực mới, điểm đầu tư mới. Từ đó các công ty luật, tổ chức tin tức kinh doanh và công nghệ có thể thiết kế dịch vụ mới và tuyển dụng nhân tài sao cho phù hợp với xu thế đang lên.
2. Nghiên cứu sở trường, sở đoản, và sở thích của bản thân
Mark McGwire từng nói: “If you want to maximize your total potential, you have to know yourself first”. (Dịch là: “nếu bạn muốn tối đa hóa toàn bộ tiềm năng của mình, trước tiên bạn phải hiểu rõ bản thân mình”)
Chúng ta sống trong một xã hội bận rộn và dễ phân tâm. Chúng ta tương tác với quan điểm của mọi người hàng ngày nhưng hiếm khi tương tác với quan điểm của bản thân mình. Bạn có biết bạn là ai? Bạn có biết mình có sở trường, sở đoản và sở thích gì?
Chúng ta có thể dành hàng giờ trên mạng xã hội nhưng không dành nổi một giờ đồng hồ để nói chuyện với bản thân mình xem tiềm năng của chúng ta thế nào.
Việc tìm ra màu sắc của bản thân mình vốn dĩ là việc chúng ta phải tự thân làm, nhưng giờ đây chúng ta phải đi quanh hỏi rất nhiều người, những người quen và không quen, về việc chúng ta là ai, để tìm câu trả lời. Việc này ngớ ngẩn như việc bạn cất tiền ở một góc nào đó sâu trong nhà rồi sang hàng xóm hỏi xem bạn đã để tiền ở góc nào, buồn cười hơn là người hàng xóm đó có khi chưa một lần ghé thăm nhà bạn hoặc thậm chí không rõ nhà bạn ở đâu.
Để có thể chuyên môn hóa con đường sự nghiệp, để có thể tìm ra lĩnh vực bản thân thật đam mê, bạn buộc phải thực hiện bước thứ hai này.
Hãy viết ra – ĐỪNG CHỈ NGHĨ TRONG ĐẦU, hãy tự viết ra theo ý của bạn hoặc sử dụng mẫu viết dưới để liệt kê sở trường và sở đoản mà theo bạn có liên quan tới nghề nghiệp:
Trong một ví dụ cá nhân của tôi thì tôi có viết:
“Mình giỏi ở kỹ năng viết theo phong cách kể chuyện
Mình còn yếu ở việc nhìn ra điểm sai trong các hồ sơ liên quan tới công nghệ hóa học”.
Mẫu liệt kê:
Cách viết ra này rất hữu ích, không chỉ giúp bạn nhận thức được bản thân mình có gì mà còn giúp bạn định hướng được công việc nào sẽ phù hợp với bạn, dựa trên tính cách, sở trường, và sở đoản của bản thân.
Những ngày đầu tiên mới vào nghề, tôi có viết một bảng như trên, trong đó có ghi: “ Mình giỏi ở việc chịu áp lực công việc và giải quyết các hồ sơ mang tính siêu gấp (urgent)”.
Cũng nhờ việc viết ra và nhận thức được bản thân có tính cách này, tôi thường mang ưu điểm này đi nói trong các buổi xin việc và ghi điểm với nhà tuyển dụng. Ở văn phòng tôi công tác hiện tại, tôi chính là người giải quyết các hồ sơ quốc tế mà khách hàng yêu cầu theo phong cách “nay gửi, mai nộp, hoặc trưa gửi chiều nộp”. Dù áp lực, nhưng đây là giá trị rất riêng của tôi mà khó có thể tìm người thay thế.
Ngoài ra hãy cân nhắc sở thích cá nhân của bạn, bởi vì bạn hoàn toàn có thể tìm được lĩnh vực mà có thể kết hợp với sở thích của bản thân và phát triển chuyên nghiệp dựa trên nền tảng đó.
Tôi có một anh bạn là chuyên viên SHTT, anh có sở thích liên quan tới cá: nuôi cá và câu cá. Tôi có nói với anh về việc kết hợp sở thích với công việc trong một bữa ăn gia đình thì nhận lại được cái bĩu môi của em họ anh với lí do rằng cái kiểu sở thích đấy thì chả làm ăn được gì. Nhưng anh không đồng ý với cô em họ, may thay, anh đồng ý với tôi về việc này. Hiện tại, sau 5 năm, anh có dịch vụ SHTT riêng cho các công ty thức ăn cho cá, dịch vụ câu cá, thậm chí đăng kí sáng chế cho các công ty sản xuất cần câu ở Bắc Mỹ.
(Ví dụ một sáng chế về móc cần câu)
Hay một câu chuyện nổi tiếng khác ở Mỹ về Staci Trager – cô kết hợp luật với thời trang – hai niềm đam mê của cô – để trở thành một luật sư thời trang. Ông cố và ông nội của cô kinh doanh dệt may, mẹ cô là nhà thiết kế thời trang, và trước khi theo học trường luật, cô là giám đốc điều hành của một công ty quần áo dành cho phụ nữ khởi nghiệp. Cô đã kết hợp sở thích, kinh nghiệm nghề nghiệp, với chuyên môn pháp lý để hiện thực hóa ước mơ của bản thân. Hiện tại, Staci đang đứng đầu bộ phận luật thời trang tại Nixon Peabody LLP.
Vậy còn bạn?
Sở thích của bạn là gì? Hãy thực sự hỏi bản thân điều này và viết ra, hãy cố gắng viết thật chi tiết bởi bạn hoàn toàn có thể xây dựng chuyên môn công việc kết hợp với sở thích của mình.
3. Hãy chú ý tới xu hướng cá nhân trong công việc của bạn
Bạn đang có công việc? Thật tuyệt, vậy bạn muốn chuyên môn hóa nó? Nghe tiềm năng đó!
Để làm được điều đó, bạn hãy chú ý tới xu hướng cá nhân trong công việc của bạn.
Bạn thích công việc trong mảng nào nhất? Bạn thích đầu việc nào nhất trong số các nhiệm vụ được giao? Bạn thấy hứng thú với vấn đề gì trong hồ sơ khách hàng? Bạn có thích tố tụng tại tòa hay bạn thích tư vấn cho cá nhân? Bạn muốn nhân rộng loại công việc nào? Bạn thích thể loại khách hàng nào: nhà nước, công ty tư nhân, cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup, hay các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế?
Hãy bỏ qua vấn đề tiền bạc khi trả lời các câu hỏi trên và mặc định mức thu nhập của các đối tượng và lĩnh vực là giống nhau.
Để tìm ra được xu hướng cá nhân, bạn phải để tâm tới hành vi của bạn ở chốn công sở và thành thật với lòng mình.
Bạn phải giữ một nguyên tắc đó là : bỏ qua vấn đề tiền bạc khi tìm hiểu xu hướng làm việc của bản thân.
Ví dụ về việc phát triển chuyên môn dựa trên xu hướng cá nhân: Sharon Toerek, một luật sư sở hữu trí tuệ nổi tiếng cho các công ty quảng cáo ở Bắc Mỹ chia sẻ với đồng nghiệp rằng cô ấy thường xuyên để tâm các khách hàng bên mảng quảng cáo, vì lí do nào đó, những vấn đề pháp lý ở mảng này rất thu hút cô. Và khi công tác ở văn phòng, cô thường tìm kiếm các khách hàng và vấn đề liên quan tới SHTT từ các công ty tiếp thị và quảng cáo. Về sau, cô quyết định chuyên môn hóa ngành này và đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng.
4. Xây dựng và bồi đắp kiến thức chuyên môn của bạn
Nếu bạn làm ba bước trên theo chỉ dẫn một cách thường xuyên, sau một thời gian, tôi nghĩ bạn đã khá hiểu bản thân mình. Bạn đã nắm bắt được bạn thích gì, điểm yếu, điểm mạnh, sở thích, và xu hướng cá nhân của bạn. Bạn cũng nắm bắt được tình hình thị trường. Vậy, đã đến lúc bạn xây dựng và bồi đắp chuyên môn cho bản thân.
Hãy thử nghĩ xem nếu một người đọc tiểu sử của bạn trên Linkedin hoặc trang giới thiệu của bạn, họ có thể nhận biết được bạn là chuyên gia luật trong lĩnh vực nào hay không? Hãy viết câu trả lời ra và lấy đó làm mục tiêu cho việc chuyên môn hóa sự nghiệp của bạn.
Bạn có thể tự viết theo lối viết tự do hoặc sử dụng mẫu dưới đây:
__________(điền tên thật của bạn) là chuyên gia luật__________________( viết lĩnh vực luật ra, ví dụ: luật SHTT) có chuyên môn sâu rộng___________( viết vấn đề, ví dụ: về giải quyết tranh chấp, về hòa giải, về tư vấn, về thiết kế chiến lược…) trong lĩnh vực _____________( nhãn hiệu tiêu dùng, sáng chế thuốc, dữ liệu máy tính, bản quyền âm nhạc và phim ảnh….) ở khu vực_______ ( viết khu vực ra: Châu Á, Châu Âu, Đông Nam Á, Châu Phi, hoặc tên các quốc gia cụ thể). |
Lưu ý: Viết cụ thể, thực tế, không ôm đồm, viết xong hãy dán nó ở nơi bạn thường nhìn thấy: tủ lạnh, bàn máy tính… |
Bạn hãy đầu tư thời gian và tiền bạc tham gia các khóa học để nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân. Hãy tận dụng các nguồn học miễn phí, tuy nhiên đừng ngại trả phí để có được những kỹ năng thật sự giá trị mà các luật sư hoặc chuyên gia dạy trong các khóa học cao cấp.
Bạn nên tình nguyện viết các bài báo hoặc ấn phẩm liên quan tới chuyên môn bản thân cho các hiệp hội nổi tiếng trong ngành của bạn hoặc blog của công ty bạn.
Bạn hãy nhớ rằng không ai bắt đầu mà biết hết, hãy tích lũy kiến thức dần dần, một ngày ngoảnh lại, bạn sẽ ngạc nhiên vì bản thân đã thực sự trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn chọn.
5. Lời kết:
Sáu năm về trước thầy tôi từng nói nếu tôi có hội, hãy chia sẻ những điều tôi học được và trải nghiệm được cho người khác, bởi cho đi là nhận lại, và bởi khi bạn dạy ai đó là một lần bạn dạy lại bản thân mình. Đến tận giờ, tôi vẫn giữ thói quen nghiên cứu thị trường mỗi quý xem có lĩnh vực nào đang lên hay vấn đề pháp lý nào nóng hổi; tôi cũng giữ thói quen xem xét năng lực bản thân mỗi tháng, xem tháng vừa qua tôi đã học được kĩ năng gì mới, tôi còn yếu phần nào. Ngoài ra, tôi có hai tờ chuyên môn mà tôi viết và dán lên tủ lạnh, ngày ngày vào bếp, tôi luôn nhìn vào đó và nhắc nhở bản thân về mục tiêu chuyên môn hóa tôi đề ra để tôi không lạc lối và không chạy theo xu hướng.
Các bạn của tôi ơi, không bao giờ là muộn để tìm hiểu xem mình là ai và mình muốn gì, cũng không bao giờ là muộn để thực hiện việc chuyên môn hóa bản thân. Việc tìm được công việc bạn muốn hay gây dựng sự nghiệp chuyên môn bạn mơ ước không xa vời và bất khả thi chút nào, bạn hãy thử những bước trên và sẽ rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy con đường mà bạn muốn đi thành hình ngay trước mắt bạn.
Tác giả: Trâm Nguyễn (Min Min)
- Bài viết tham khảo thông tin từ nguồn: https://www.forbes.com/sites/forbesagencycouncil/2018/05/24/three-steps-to-developing-a-successful-legal-niche/?sh=6670f0ad6dfa
- Nguồn hình ảnh: Google Patent, Linkedin.com, và quotefancy.com
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
Bài viết rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của Min Min.
Cảm ơn Thu Hương đã đọc và ủng hộ :*