“ Em không nghĩ là em có thể đầu tư đi học kĩ năng mới được, có cách nào khác không chị?”
Cuộc nói chuyện đi vào ngõ cụt như rất nhiều cuộc nói chuyện khác mà tôi có với các em hay các bạn khác. Tôi cũng không ngạc nhiên khi em trả lời tôi như vậy, dù đau lòng nhưng tôi có nói thẳng thắn với em:
“Vậy thì khó để tạm biệt lương 8 triệu lắm em, chị không có cách nào khác để chỉ em cả!”
8h sáng (giờ New York) thứ 7 tuần đầu tiên của tháng 10, tôi nhận được tin nhắn từ một em nhỏ xinh thành viên của IPLovers. Em mạnh dạn nhắn tin giới thiệu bản thân và hỏi tôi rằng “cho em xin 10 phút video call với chị được không ạ? Em muốn hỏi xin chị cách để thoát tình cảnh hiện tại.”
Tôi đồng ý với em và tôi cũng tò mò “tình cảnh hiện tại là tình cảnh gì?”
8h sáng chủ nhật tuần đầu tiên của tháng 10, chúng tôi thực hiện cuộc gọi này. Chúng tôi có một cuộc nói chuyện Skype dài hơn 10 phút rất nhiều bắt đầu với việc em giải thích tình cảnh hiện tại: “em làm nhân viên một văn phòng luật đã được 5 năm và mắc kẹt với mức lương 8 triệu”. Em nói khi em mới ra trường mức lương này vẫn đủ cho em sống nhưng năm kia em có thêm một em bé và chồng em thì cũng có mức lương tương tự. Sống tại Hồ Chí Minh, lương của hai vợ chồng em chỉ gọi là đủ sống. Em có nói với tôi rằng đã đề xuất xin tăng lương nhưng không thành vì công việc khối lượng vẫn vậy và em cũng không đóng góp gì khác cho công ty.
Em có thử đi phỏng vấn chỗ mới nhưng với trình độ và kĩ năng hiện tại thì không xin được mức lương bật lên hẳn so với mức 8 triệu. Em cũng có nói tỉ lệ đỗ phỏng vấn của em cũng không cao.
Em hỏi tôi: “ Làm thế nào để tạm biệt mức lương này hả chị?”
Tôi khá là trăn trở bởi những điều tôi muốn nói với em không phải quá quen thuộc với nhiều người, và tôi biết có lẽ em sẽ nói em không làm được nhưng em đã mạnh dạn hỏi – tôi xin mạnh dạn khuyên: “ Em cần nâng cấp kĩ năng, dù tốn phí nhưng phải chấp nhận đầu tư học để nâng cấp kĩ năng, nếu không em sẽ không thể vươn lên được”.
Kĩ năng trong ngành luật SHTT bao gồm những gì, tôi xin liệt kê một số ví dụ:
Nhãn hiệu | Sáng chế |
Tra cứu knock-out | Tra cứu chuyên sâu |
Tra cứu chuyên sâu | Tra cứu Prior-Art |
Cách viết/mô tả dịch vụ, hàng hóa chuẩn chỉnh trong hồ sơ Madrid, hồ sơ các nước | Nộp đơn PCT |
Cách mô tả nhãn hiệu trong hồ sơ quốc tế hay hồ sơ các nước | Cách xin thẩm định chuyên sâu đối với hồ sơ PCT |
Tư vấn tách hay gộp hồ sơ trong Madrid | Cách xem xét 7 hình ảnh mẫu cho một đơn kiểu dáng công nghiệp theo Hague |
Tiếng anh dùng trong văn phòng luật | Tiếng anh dùng trong trao đổi các vấn đề liên quan tới sáng chế quốc tế trong văn phòng luật |
Thẩm đinh nhãn hiêu trong công ty/tập đoàn lớn | Thẩm định sáng chế trong công ty/tập đoàn lớn |
Giám sát một nhãn hiệu và vi pham nhãn hiêu | Giám sát sáng chế và vi phạm sáng chế |
Đây là ví dụ của công việc mà tôi làm hàng ngày, cũng là những kĩ năng tôi bỏ rất nhiều tiền để học. Tôi nói với em rằng chỉ với một vài kĩ năng như vậy, nếu em thuần thục nó, có thể giúp em lên lương và khẳng định vị thế trong công ty.
Nhưng em sẽ phải tìm cách học nó miễn phí hoặc trả phí tùy nguồn, nhưng đa phần để học một kĩ năng thành thục, có người chỉ dạy cụ thể em sẽ phải trả phí hoặc rất nhiều phí.
Trả phí để nâng cấp bản thân, đây là lối phát triển phổ biến của người Mỹ trong sự nghiệp:
Những người nổi tiếng trên thế giới đều tìm tòi kĩ năng và nâng cấp bản thân, tự hoc và áp dụng kiến thức để trở nên thành công, để trở nên giàu có. Họ không bỏ qua một cơ hôi nào mà họ nhận định là sẽ giúp bản thân tiến lên vượt bậc. Có người ăn ít để dành tiền đi học, có người đi bộ 50km để tham gia đào tạo, có người thức đêm triền miên để luyện cho thành thục kĩ năng.
Nói tới tự học và nâng cấp kĩ năng để thành công không thể không nói tới ngôi sao của “Terminator”
Arnold Schwarzenegger là hình ảnh thu nhỏ của người đàn ông tự lập, vươn lên nhờ việc dám nghĩ dám làm, tự học và nâng cấp bản thân. Sinh ra và lớn lên ở Áo vào thời điểm mà nước này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau Thế chiến thứ hai, Arnold lớn lên trong một môi trường mà chứng nghiện rượu tràn lan, nơi mà chủ nghĩa phòng thủ là tiêu chuẩn, và giấc mơ lớn (big dream) bị chê cười. Nhưng Arnold không quan tâm. Ông không muốn sống cuộc sống Áo truyền thống mà cha mẹ sắp đặt, ông muốn chuyển đến Mỹ, vùng đất của tự do. Do đó, Ông đã ấp ủ một kế hoạch để trở thành một người thành công trong việc xây dựng cơ thể (body-buiilding), và sau đó sử dụng thành công đó để tham gia vào các bộ phim. Thực tế chứng minh ông đã làm được điều đó.
Ông tiếp tục khẳng định mình bằng cách trở thành người đàn ông trẻ nhất từng giành chiến thắng trong cuộc thi Mr Universe, và sau đó giành được năm danh hiệu Mr. Universe và bảy danh hiệu Mr. Olympia.
Sau khi đạt được những gì ông đã đặt ra trong sự nghiệp thể hình, ông tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp diễn xuất mà ông ấy hằng mơ ước. Học hỏi ngaỳ đêm từ các lớp diễn xuất đồng thời tự ngâm cứu các hình thái diễn xuất ở nhà, ông đã tỏa sáng trong nhiều bộ phim. Các bộ phim bom tấn thu về hơn 3 tỷ đô la cho ông ấy và giúp ông củng cố hình ảnh huyền thoại của bản thân tại Holywood cho tới bây giờ.
Một ví dụ khác về người trân trọng việc học và nâng cấp kĩ năng của bản thân phải nói tới nhà làm phim huyền thoại: Steven Spielberg
Hầu hết mọi người không biết điều này, nhưng Steven Spielberg đã ba lần bị từ chối khỏi trường điện ảnh. Nhưng ông ấy đã không để những lời từ chối đó ngăn cản mình và ông ấy tiếp tục nộp đơn cho đến khi được chấp nhận. Cuối cùng thì Cal State, Long Beach cũng chấp nhận ông ấy vào chương trình phim của họ.
May mắn thay cho Spielberg, sau đó ông tiếp tục tận dụng cơ hội của mình tại Cal State để thực tập không lương tại Universal Studios.
Tất nhiên, kỳ thực tập này sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng nó đã kéo dài đủ lâu để ông ấy học cách lẻn vào studio mà không bị phát hiện, để ông ấy có thể liên tục thu thập thông tin về những gì cần thiết để trở nên thành công trong công việc quay phim và kinh doanh.
Bên cạnh việc thực tập, ông liên tục học thêm và thu thập thêm kiến thức từ mọi phương tiện và các cá nhân khác nhau trong ngành phim để gia tăng kĩ năng quay phim của mình. Nhờ đó, sau nhiều lần bị từ chối, các giám đốc điều hành cuối cùng đã hài lòng với bản demo phim của ông và cho ông ấy quay phim chính thức. Nhiều bộ phim của ông giành được các giải thưởng lớn và củng cố vị trí của Steven Spielberg trong ngành. Steven Spielberg hiện là một trong những nhà làm phim có ảnh hưởng nhất trong lịch sử và là một trong những nhà làm phim giàu có nhất thế giới.
( ba bộ phim bom tấn do Steven Spielberg đạo diễn)
Cuộc nói chuyện đã kéo dài được 30 phút và tôi đã đưa em rất nhiều ví dụ của những người trên thế giới và ở Việt Nam đạt được thành công nhờ việc đầu tư cho việc học các kĩ năng mới, các kĩ năng chuyên sâu.
Tôi chia sẻ với em rằng chúng ta thường không nắm bắt những cơ hội trước mắt và suy nghĩ rằng “ để sau”. Để sau là lúc nào trên lịch thì chúng ta không biết và cũng không định ra. Bởi thế, cơ hội để nâng cấp bản thân và bứt phá trong sự nghiệp trôi đi, và cũng bởi thế, mức lương 5 triệu hay 8 triệu cứ quấn quanh con đường sự nghiệp của chúng ta.
Khi mới khởi điểm làm việc ở New York, công ty đầu tiên trả tôi 14.000 đô một năm trước thuế, tôi được liệt vào diện low-income ở thành phố này, được phép lấy phiếu thức ăn và đồ tiêu dùng mà tổ chức từ thiện hỗ trợ cho người nghèo ở NY. Tôi biết rằng việc duy nhất để thoát khỏi mức lương này là chứng minh cho các nhà tuyển dụng thấy tôi có thể làm được những việc cần kĩ năng đặc biệt mà họ đang cần, tôi đem những kĩ năng học được này ra làm nền tảng để thỏa thuận lương hoặc xin tăng lương.
Cuộc nói chuyện đã gần tới kết thúc bởi tôi phải ngắt máy đi làm việc, để lại cho em lời khuyên rằng “em nên đầu tư nâng cấp học thức và kĩ năng của bản thân mình, không có con đường làm giàu nhanh chóng nào mà bền vững cả, làm giàu nhờ tri thức bản thân là con đường tốt nhất và vững chãi nhất, kiến thức e đầu tư, kĩ năng em thu về sẽ luôn là của em, không thể mất đi được, và chúng sẽ tiếp tục mang lợi nhuận về cho em nếu em biết cách dùng”.
Tôi biết em vẫn băn khoăn sau lời khuyên cuối cùng nhưng tôi không thể ngồi cùng em trăn trở thêm, bởi quyết định nâng cấp bản thân, bứt phá khỏi một cột mốc mức lương nào đó là quyết định cá nhân mỗi người.
Mỗi chúng ta đều cần đưa ra lựa chọn: THỤT LÙI HOẶC TIẾN LÊN. Không có dậm chân tại chỗ bởi khi thế giới liên tục chuyển động về phía trước, chúng ta đứng yên tức là chúng ta thụt lùi.
Đừng đợi chờ tới “ một lúc nào đó” hay “ sau này”. Lịch không có ngày nào ghi như vậy cả, nếu chúng ta muốn “tạm biệt lương x triệu” chúng ta phải tự thân tìm kiếm cơ hội trau dồi kĩ năng và kiến thức.
Nếu chúng ta không phát triển, không nâng cấp bản thân, vậy “lương 8 triệu” sẽ là tương lai hay quá khứ của bạn đây?
Nguồn ảnh: Strive.co, quotefancy.com, imdb.com
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
Về tác giả
Min Min
Amy Nguyễn đang lãnh đạo IPGEEKLAB với vai trò CEO, một cơ sở nghiên cứu sở hữu trí tuệ (IP) và cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ 360 độ, với hai đầu cầu ở New York, Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh, Việt Nam. Amy tu nghiệp từ các chương trình IP cao cấp từ Đại học Pennsylvania, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), và Đại học Jagiellonian tại Ba Lan. Amy hiện đóng vai trò cố vấn chính trong Tiểu ban Chuyên gia IP của Ủy ban Pháp luật về Sở Hữu Trí Tuệ của Phụ nữ tại Hiệp hội Luật Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực IP số, tập trung vào khai thác dòng tiền từ IP, thương mại hóa IP và lập kế hoạch chiến lược, Amy là một cố vấn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nhà sản xuất trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, trò chơi điện tử, thương mại điện tử và thời trang cao cấp; cô giúp họ định hướng và bảo vệ quyền sáng tạo và thương mại của họ.