“Sự thật” về tiếng Anh pháp lý

1. Hãy quên đi “Tiếng Anh pháp lý”
Chúng ta thường khá chú trọng vào một môn học gọi là “Tiếng Anh pháp lý” (Legal English) với mong muốn đó là công cụ giúp nâng cao trình độ tiếng Anh nhanh chóng. Thậm chí một số bạn còn tìm tài liệu chuyên về tiếng Anh pháp lý trong lĩnh vực IP. Điều này dĩ nhiên đúng và quan trọng, nhưng có vẻ nhưng đang bị đề cao quá mức.
Suy cho cùng, tiếng Anh pháp lý vẫn chỉ là tiếng Anh. Một phần lý do có thể còn xuất phát từ quan niệm mặc định ngành luật yêu cầu rất cao về ngôn ngữ. Chẳng hạn, tiêu chuẩn thông thường để được nhận học bậc thạc sĩ tại các nước nói tiếng Anh là IELTS 6.5, nhưng đối với ngành luật sẽ cần IELTS 7.0. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tiêu chuẩn đầu vào này là tiếng Anh phổ thông. Điều đó có nghĩa là kể cả người bản xứ cũng tin rằng, chỉ cần với tiếng Anh phổ thông, chúng ta đã có thể bắt đầu học luật.
Ngôn ngữ pháp lý sẽ dần hình thành một cách tự nhiên trong quá trình học tập, sử dụng liên quan đến các nội dung pháp luật. Cũng giống như trong tiếng Việt, không ai dạy chúng ta môn tiếng Việt pháp lý cả. Vậy cách tốt nhất là các bạn tập trung vào việc học tiếng Anh phổ thông. Thường thì nếu đặt ra mục tiêu cụ thể gắn với 1 hệ thống đánh giá nào đó như IELTS, TOEFL,..người học sẽ tránh bị lạc lối. Song song với đó, các bạn dành thời gian để đọc tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh, giúp nâng cao vốn từ vựng, thuật ngữ,…
Những người mới có thể bắt đầu bằng các khóa học IP cơ bản miễn phí trên WIPO Academy, Coursera,…Ngoài ra, một số khóa nâng cao của WIPO có giá đâu đó 40 USD (khoảng 1 triệu đồng) có lẽ cũng không phải là quá cao. Mình nghĩ số tiền này là khá xứng đáng khi các bạn được tiếp cận với bộ tài liệu công phu, có webinar bổ trợ, có người hướng dẫn thảo luận và hệ thống bài kiểm tra đánh giá bài bản.
2. Môi trường là yếu tố quyết định
Ngôn ngữ là thứ rất khó nhớ nhưng lại dễ quên. Ngay cả tiếng mẹ đẻ, mình cũng tự thấy khả năng viết của mình sụt giảm khá nhiều so với thời cấp ba học chuyên văn, dăm bữa nửa tháng lại phải viết chục trang giấy ????. Ngày trước, mình cũng từng đi xin tài liệu học tiếng Anh pháp lý giống nhiều bạn. Và một người anh mình quen làm ở firm quốc tế trả lời: “Tài liệu gì em, đi làm gặp hoài thì biết thôi”. Đó chính là tầm quan trọng của môi trường.
Mình tạm chia thành hai loại môi trường thường có thể giúp chúng ta cải thiện ngoại ngữ chuyên ngành nhanh chóng: du học, hoặc công việc (có yếu tố) quốc tế. Điều này là khá dễ hiểu khi ở những môi trường đó, đôi khi phải sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Bấy giờ, chúng ta vừa có điều kiện để trau dồi, cải thiện, và đồng thời cũng là động lực (áp lực!?) nếu như không muốn bị đào thải. Môi trường học tập, làm việc chính là khóa học tiếng Anh pháp lý tuyệt vời nhất dành cho mỗi người.
Đến đây, một số bạn có lẽ sẽ cười trừ, nghĩ rằng đâu phải ai cũng may mắn được tiếp cận hai môi trường đấy đâu. Thành thật thì mình cũng không biết làm gì ngoài cười trừ giống các bạn. Thôi thì, lạc quan mà nói, nếu như chúng ta không ở trong hai môi trường đấy, thì tiếng Anh pháp lý rốt cuộc cũng chỉ là chim kêu vượn hú.
Cần làm gì để tiếp cận được hai môi trường đấy? Chuyên môn là nền tảng, ngoại ngữ là công cụ. Các bạn không có cách nào khác ngoài bắt đầu từ tiếng Anh phổ thông, “cày” điểm số tốt qua các chứng chỉ. Để đạt được điểm cao trong IELTS, TOEFL thì chắc group này không phải là nơi thích hợp để trả lời. Dĩ nhiên là chúng ta cũng nên ý thức được rằng, IELTS TOEFL ngày nay là một cuộc chiến hao tổn tiền bạc, thời gian, sức lực. Nhưng thời điểm này có lẽ không có lựa chọn nào khác cho bất kỳ ai muốn “có yếu tố quốc tế”.
3. Simon hay Mat Clark
Không biết bây giờ bác nào mới là lẽ phải trong IELTS Writing, nhưng thời mình học thì là cuộc chiến giữa hai trường phái viết: đơn giản như Simon hay màu mè hoa lá như Mat Clark. Khổ là bác nào cũng nổi tiếng, uy tín, và tự chấm bài mình band 9.0. Cá nhân mình thì tự nhận đệ tử của bác Simon, đơn giản là vì đọc bài của bác Mat rối như canh hẹ, mình gà mờ đâu hiểu gì mà học theo ????.
Vậy hai ông này thì liên quan gì đến tiếng Anh pháp lý? Ừ thì có liên quan chút chút, nên “mượn mây vẽ trăng”. Trong giới học thuật pháp lý cũng tồn tại hai trường phái viết. Nếu các bạn cử nhân luật có trình độ IELTS 6.5 7.0 trở lên đọc một bài viết học thuật mà càng đọc càng không hiểu, thì đó là trường phải thứ nhất, cũng phổ biến nhất (tạm gọi là phái Mat Clark). Phái này có lẽ chỉ dành cho người bản địa (chắc cũng cỡ chuyên văn bản địa), hoặc những người siêu việt. Còn với những người không siêu việt lắm, hãy nhìn sang phái thứ hai.
Phái thứ hai là phái Simon, viết càng đơn giản càng tốt, truyền đúng và đủ thông điệp là được. Mình mạo muội nghĩ có khi bác Simon chắc cũng không giỏi văn phổ thông lắm =))). Lợi thế của trường phái này là các bạn với khả năng ngoại ngữ cơ bản có thể bắt đầu tiếp cận được ngay. Thậm chí đã có những quyển sách (hay hình như còn được nâng tầm thành Campaign) về Plain Legal English (tạm dịch: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Anh pháp lý).
Nhưng cũng như trong văn học, đỉnh cao của viết là viết ngắn (thơ Haiku chẳng hạn). Để viết được ngắn gọn, cô đọng, súc tích đòi hỏi phải có sự rèn luyện lâu dài từ tư duy. Làm sao để cùng một nội dung, thay vì truyền tải trong 50 chữ, bây giờ chỉ viết 10 chữ là một vấn đề vô cùng nan giải, nhất là lại liên quan đến pháp lý. Mặc dù vậy, đây có lẽ là cách tiếp cận về kỹ năng viết phù hợp nhất cho số đông người Việt.

Về tác giả

5 2 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post Webinar số 14: Lawyers meet AI
Next post WEBINAR 15: Dữ liệu dưới góc nhìn pháp lý
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x