“Quả táo khuyết” đang đối đầu với cả họ nhà táo trong một cuộc chiến lạ lùng về nhãn hiệu

Tập đoàn Apple muốn có quyền đối với hình ảnh những quả táo ở Thụy Sĩ – một trong hàng chục quốc gia mà tập đoàn này đang phô trương sức mạnh pháp lý của họ.

Hiệp hội Trái cây Thụy Sĩ (Fruit Union Suisse, viết tắt là FUS) đã thành lập được 111 năm. Trong phần lớn lịch sử của mình, biểu tượng của Hiệp hội này là sự kết hợp của hình ảnh một quả táo đỏ (một trong những loại trái cây phổ biến nhất ở Thụy Sĩ) và chữ thập màu trắng tượng trưng cho hình ảnh quốc kỳ của quốc gia Châu Âu này. Tuy nhiên, hiện tại tổ chức lâu đời nhất và lớn nhất của nông dân trồng cây ăn quả ở Thụy Sĩ đang lo lắng rằng họ có thể phải thay đổi logo của mình, bởi vì gã khổng lồ công nghệ Apple đang cố gắng giành lấy quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các hình ảnh mô tả về quả táo – với tư cách một loại trái cây.

Apple muốn sở hữu bản quyền hình ảnh trái táo thật
Nguồn: https://thanhnien.vn/apple-muon-so-huu-ban-quyen-hinh-anh-trai-tao-that-185230621115840841.htm

Jimmy Mariéthoz, giám đốc FUS đề cập đến logo mang tính biểu tượng của hãng công nghệ Apple như sau: “Điều này thật sự rất khó hiểu, bởi vì có vẻ như mục đích của họ không phải là bảo vệ biểu tượng quả táo bị cắn của mình. Mà mục đích thực sự của họ là muốn sở hữu quyền đối với hình ảnh của một quả táo thực sự, mà theo chúng tôi, đó là thứ thực sự gần như phổ biến do đó nên tất cả mọi người trên thế giới đều cần được sử dụng tự do”.

Không chỉ những người trồng cây ăn quả ở Thụy Sĩ bối rối, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác như một chiến lược mang tính toàn cầu của tập đoàn Apple. Theo những thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Apple đã đưa ra các yêu cầu tương tự tới hàng chục cơ quan SHTT trên toàn thế giới, với những mức độ thành công khác nhau. Riêng ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Armenia, yêu cầu của Apple đã được chấp nhận. Mong muốn của Apple về việc nắm giữ quyền SHTT của những thứ tưởng chừng như thông dụng như trái cây đã phản ánh sự phát triển năng động, mạnh mẽ của ngành công nghiệp SHTT toàn cầu. Chính điều này đã tạo cho các công ty một nỗi ám ảnh trong việc cạnh tranh với những nhãn hiệu mà họ không thực sự cần đến.

Apple vẫn không đưa ra bất kỳ phản hồi nào

Những nỗ lực của Apple để bảo hộ nhãn hiệu của họ ở Thụy Sĩ đã bắt đầu từ năm 2017, khi gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino, California nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tới Viện SHTT Thụy Sĩ (IPI) yêu cầu quyền bảo hộ đối với “hình ảnh mô tả chân thực, đen trắng của một quả táo thuộc giống Granny Smith – một giống táo xanh thường gặp. Yêu cầu này bao gồm một danh sách phủ rộng lên một loạt các mục đích sử dụng tiềm năng của dấu hiệu này, trong đó hầu hết là trên phần cứng và các sản phẩm tiêu dùng điện tử, kỹ thuật số, nghe nhìn. Sau một cuộc giằng co kéo dài giữa hai bên, IPI đã chấp thuận một phần yêu cầu của Apple vào mùa thu năm ngoái. Trong thông báo của mình, IPI đã viện dẫn một nguyên tắc pháp lý đánh giá hình ảnh chung của hàng hóa thông thường như táo là thuộc sở hữu của cộng đồng. Do vậy, Apple chỉ có thể có các quyền liên quan đến một số hàng hóa nhất định mà họ muốn. Đến mùa xuân năm tiếp theo, Apple đã nộp văn bản khiếu nại về quyết định này.

Quả táo Granny Smith – hình ảnh nguyên mẫu của logo Apple (Nguồn: Wikipedia)

Vụ việc giờ đây đang chuyển qua giai đoạn giải quyết tại các tòa án liên quan đến những hàng hóa mà IPI đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu cho Apple. Theo một quan chức của IPI, họ không thể tiết lộ danh sách những hàng hóa này nếu không có sự đồng ý của Apple, vì các thủ tục tố tụng vẫn đang chờ xử lý, nhưng nó bao gồm các nền tảng nghe nhìn dùng cho TV và các thiết bị truyền dẫn khác.

Mariéthoz chia sẻ rằng FUS rất lo ngại vì không có thông tin rõ ràng về việc sử dụng hình dạng quả táo mà Apple cố gắng bảo vệ, đồng thời, công ty này đã và đang theo đuổi quyết liệt những trường hợp mà họ cho là vi phạm nhãn hiệu của họ. “Chúng tôi lo ngại rằng bất kỳ hình thức thể hiện thị giác nào của quả táo, tức bất kỳ thứ gì có thể nghe nhìn hoặc được liên kết với các công nghệ mới và phương tiện truyền thông, đều có thể bị ảnh hưởng một cách tiềm tàng. Đó sẽ là một hạn chế rất, rất lớn đối với chúng tôi. Về mặt lý thuyết, mỗi khi chúng tôi tiến hành việc quảng cáo sản phẩm với một quả táo, chúng tôi có thể đối mặt với những rủi ro đáng kể.”

Trong vài năm qua, Apple đã theo đuổi việc phát triển một ứng dụng chuẩn bị bữa ăn với một logo hình quả lê, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ Frankie Pineapple, một tuyến đường đạp xe của Đức, một cặp đôi người sản xuất văn phòng phẩm, một khu phố trường học, v.v. Công ty cũng đã có một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ với nhãn hiệu của Apple Corp (thuộc sở hữu của nhóm nhạc The Beatles) và cuối cùng đã được giải quyết vào năm 2007.

ME Music on Twitter: "#OTD Oct11,1991 #Apple Computers 1st settles a lawsuit with The Beatles Apple Corp name & logo rights more suits come later. 2007 Apple computer bought out Apple Beatles
Nguồn: https://twitter.com/espofootball/status/1447564644122447877

Một cuộc điều tra vào năm 2022 của Dự án Minh bạch Công nghệ (Tech Transparency Project), một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về Công nghệ Lớn (Big Tech), đã phát hiện ra rằng từ năm 2019 đến năm 2021, số lượng đơn phản đối nhằm nỗ lực thực thi quyền SHTT đối với nhãn hiệu của Apple nhiều hơn cả số lượng đơn của cả Microsoft, Facebook, Amazon và Google. Nhiều thuật ngữ phổ biến như “Windows” hoặc “Prime” cũng đã được những công ty này đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu.

Apple vốn đã có một vụ việc làm tiền lệ ở Thụy Sĩ. Vào năm 2010, công ty có giá trị nghìn tỷ đô này đã yêu cầu một hợp tác xã tạp hóa nhỏ của Thụy Sĩ tham gia vào một thỏa thuận ngoài tòa án tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ đưa thêm dấu vết cắn vào logo của mình, vốn là một quả táo đỏ tươi xuất hiện bên trong xe đẩy mua hàng. Theo như vị giám đốc hợp tác xã này vào thời điểm đó chia sẻ, đó là việc mà họ “chưa bao giờ nghĩ đến.”

Mặc dù vậy, mọi thứ không phải lúc nào cũng đi theo cách mà Apple muốn. Vào năm 2012, Cơ quan Đường sắt Liên bang Thụy Sĩ đã giành được khoản bồi thường trị giá 21 triệu đô la sau khi chứng minh rằng Apple đã sao chép thiết kế của đồng hồ đường sắt Thụy Sĩ. Vào năm 2015, một nhãn hiệu “quả táo” có sẵn ở Thụy Sĩ vốn được một nhà sản xuất đồng hồ mua lại vào những năm 1980, đã buộc Apple phải trì hoãn việc ra mắt Apple Watch nổi tiếng tại quốc gia này.

Apple chỉ đang yêu cầu quyền đối với hình ảnh đen trắng của quả táo. Tuy nhiên, theo Cyrill Rigamonti, một giảng viên luật SHTT tại Đại học Bern, điều đó thực sự có thể mang lại cho Apple một sự bảo vệ rộng lớn nhất đối với hình dạng quả táo, khi cho phép công ty này theo đuổi các mô tả quả táo với nhiều màu sắc khác nhau. “Tiếp sau đó, một câu hỏi sẽ được đặt ra, liệu có khả năng gây nhầm lẫn đối với một số quả táo không giống hệt nhau khác hay không?”

From Fruit to Fame: The Evolution of the Apple Logo​ - Tailor Brands
Logo của Apple qua các năm (Nguồn: https://www.tailorbrands.com/blog/apple-logo)

Irene Calboli, một giáo sư tại Trường Luật, Đại học Texas A&M và là thành viên nghiên cứu tại Đại học Geneva, nói rằng ở Thụy Sĩ, bất kỳ ai có thể chứng minh lịch sử sử dụng dấu hiệu bị tranh chấp trước đó đều được bảo vệ trong một tranh chấp nhãn hiệu tiềm ẩn. Điều đó có nghĩa là Apple khó có thể thực thi nhãn hiệu của mình đối với các tổ chức đã sử dụng biểu tượng quả táo trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, vị nữ giáo này cũng bổ sung thêm quan điểm rằng các công ty lớn, giàu có thường có thể đe dọa các doanh nghiệp nhỏ hơn đi đến với một sự tuân thủ. “Hệ thống này nghiêng rất nhiều về phía những người có nhiều tiền hơn. Chỉ xét riêng một vụ kiện tụng tốn kém để chống lại một công ty lớn như Apple cũng đủ để khiến bất kỳ đối thủ nào nản lòng và ngăn họ làm một việc đáng lẽ là hoàn toàn hợp pháp”.

Funders and sympathy: how counsel win David v Goliath battles | Managing Intellectual Property
Làm thế nào để một chàng David tí hon có thể chiến thắng gã khổng lồ Goliath trong những tranh chấp về IP? (Nguồn: https://www.managingip.com/article/2af2mkpxq44txl8zr6t4w/funders-and-sympathy-how-counsel-win-david-v-goliath-battles)

Calboli cho rằng việc kinh doanh nhãn hiệu toàn cầu có tính chất tự duy trì. “Rất nhiều người kiếm được nhiều tiền từ quyền đối với nhãn hiệu bằng cách đăng ký chúng. Các cơ quan quản lý SHTT cũng có tội như các luật sư, bởi vì các văn phòng muốn có doanh thu nên họ đồng ý cấp đăng ký cho những sản phẩm, dịch vụ mà các công ty không cần. Đó chính là bản chất ngành công nghiệp nhãn hiệu của chúng ta.” Bà cho biết thêm, các công ty nhỏ hơn, chẳng hạn như những người trồng táo ở Thụy Sĩ, cần học cách vận hành một hệ thống để bảo vệ tài sản trí tuệ của chính họ. “Khi chúng ta đang khiêu vũ, rất khó để chúng ta dừng lại điệu nhảy. Cũng tương tự như vậy, vì hệ thống đã vận hành như thế, nên tốt hơn hết là mọi người đều sử dụng nó thay vì chỉ những công ty lớn.”

Chúng ta có thể cần thêm nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm để biết được quyết định của tòa án Thụy Sĩ về vụ việc này. Hàng triệu người trồng táo Thụy Sĩ như đang ngồi trên đống lửa khi nghĩ về viễn cảnh họ phải thay đổi thương hiệu nếu Tòa án đưa ra một quyết định bất lợi cho họ. “Chúng tôi không muốn cạnh tranh với Apple; chúng tôi cũng không có ý định tham gia vào cùng lĩnh vực với họ,” người đứng đầu FUS nói, đồng thời cho biết thêm rằng một trong những điều phàn nàn lớn nhất của hơn 8.000 nông dân trồng táo mà ông đại diện đó là: “Apple không phát minh ra táo. Còn chúng tôi đã tồn tại được 111 năm. Và tôi nghĩ rằng những quả táo đã và sẽ tiếp tục tồn tại hàng nghìn năm nữa”.

Link bài gốc: https://www.wired.com/story/apple-vs-apples-trademark-battle/

Về tác giả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Previous post Tranh luận gay gắt về “quyền sửa chữa” (Right to Repair) trong ngành công nghiệp ô tô ở Hoa Kỳ
Next post Khi nhãn hiệu không thể một tay che cả tên miền
0
Your Cart is empty!

It looks like you haven't added any items to your cart yet.

Browse Products
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x