Những ngày này là những ngày cực kì bận rộn vì văn phòng chúng tôi đang ở giai đoạn cao điểm của mùa sáng chế (patent season), dù vậy tôi vẫn cố gắng dành chút thời gian để trả lời một số tin nhắn hoặc email đến từ các em sinh viên bởi tôi không muốn để những lá thư chân thành mốc meo trong hòm thư điện tử của tôi.
Trong số một chục cái email xin ý kiến, có một email thuộc về một em sinh viên tôi đã cho ý kiến chi tiết về định hướng nghề nghiệp cách đây chừng đâu 5 tháng. Em hồ hởi báo tin với tôi rằng ba ngày sau khi nói chuyện với tôi, em đã trúng tuyển đi làm với một bên công ty bảo hiểm, em làm cho bộ phận pháp chế bên họ. Đọc ba dòng đầu, tôi mừng rớt nước mắt. Dù ngoại hình có chút đầu gấu, nhưng tôi thực ra là người rất đa cảm và yêu thích việc thể hiện tình cảm, tôi đã tính lập tức viết cho em vài dòng chúc mừng kèm một cái icon đáng yêu, nhưng những câu chữ từ dòng thứ 4 đổ đi khiến tôi dừng lại, thay vì viết lời chúc mừng, tôi phải viết cho em một bức thư với nội dung hoàn toàn khác.
Tâm trạng chùng xuống ít nhiều, tôi vẫn quyết định nói với em cái tôi cần nói, và có lẽ những điều tôi đã gửi vào thư cho em, tôi cũng muốn gửi gắm cho các bạn đang đi làm.
Trong thư, em kể rằng ở công ty em rất vui, em được các đồng nghiệp rủ uống trà sữa hay đi mua sắm cùng, tần suất ba lần một tuần. Bộ phận của em cùng các bộ phận khác đi dã ngoại, đi chùa, đi team building cùng nhau khá thường xuyên. Lịch làm việc ở công ty tuy dài, mỗi ngày em ở công ty khoảng 9 tiếng hoặc hơn, nhưng không quá áp lực, và em nghĩ có lẽ mọi người yêu quý em nên không giao cho em quá nhiều đầu việc để làm.
Em còn nói với tôi qua thư rằng em được rất nhiều người tâm sự chuyện cá nhân và vì thế em cảm thấy gần gũi với họ. Dù mới chỉ ở đây năm tháng, em biết mặt hầu hết mọi người làm việc trong ba tầng lầu của công ty. Sếp trưởng của em cũng rất tín nhiệm, giao cho em tổ chức một số sự kiện team building của ban em nói riêng và kết hợp với các ban khác nói chung.
Em không hề đả động gì với tôi rằng em đã học được gì, đã có thêm định hướng gì, biết thêm vấn đề pháp luật mới gì trong công việc mới ở bộ phận sáng chế. Tôi có mở box và chat với em, nhưng em cũng nói rằng về mặt công việc, em chỉ phụ trách một số việc bàn giấy và nhập dữ liệu hợp đồng.
EM CÓ QUÊN GÌ KHÔNG?
Với tấm bằng đại học luật, em vào công ty để cống hiến cho công ty và trau dồi năng lực cho bản thân, đã năm tháng trôi qua, nghiệp vụ luật em đã trau dồi được bao nhiêu?
Mỗi tám tiếng một ngày đã có thể là cơ hội tuyệt vời để em cọ xát với hệ thống điều luật bảo hiểm của công ty – cho các gói bảo hiểm khác nhau, soạn thảo hợp đồng của khách hàng, lên danh sách các nguy cơ mà bộ phận pháp chế của em cần xem xét, cách thức xử lí vấn đề liên quan tới bể hợp đồng…
Mỗi một lần tương tác với đồng nghiệp là mỗi một lần em có thể hỏi xin bí quyết làm việc, cách thức quản lí thời gian, cách thức xử lí tình huống của họ.
Mỗi cuộc họp đầu tuần là giây phút em có thể xung phong xin đầu việc để làm. Hãy xin những đầu việc em không giỏi và gợi ý sếp giao một người có thể đưa ra vài hướng dẫn và kiểm tra kết quả của em. Năng lực của một cá nhân ở công sở thường được thể hiện qua số lượng và cấp độ công việc được giao. Ai sẽ giao dự án hay hợp đồng quan trọng cho người không thể làm được việc?
Thực tế, dù ở công sở hay làm tự do (freelance), khi em có nhiều công việc chất lượng mà người khác gửi gắm cho em là lúc em biết năng lực của mình được công nhận. Vậy em có nên vui vẻ về việc sếp chẳng giao cho em mấy việc không?
Thời gian quý báu mỗi ngày mỗi tháng ở công ty đều nên được dùng vào mục đích nâng cấp kĩ năng bản thân và xây từng viên gạch cho sự nghiệp của em.
Việc quan hệ tốt với đồng nghiệp, việc lắng nghe khi họ giãi bày, việc tham gia hoạt động teambuilding, hay sự kiện công ty là rất tuyệt vời, NHƯNG ĐÓ KHÔNG PHẢI ĐIỂM CHÍNH, không nên chiếm nhiều hơn 5%(1 tiếng 2 phút) tổng thời gian của em ở công ty mỗi ngày. Cuối tuần, nếu không phải sự kiện teambuilding của công ty tổng, tôi khuyên em: đừng đi!
Tại sao?
Tôi có từng đố các bạn sinh viên trong một buổi webinar: các bạn có biết chúng ta có trung bình bao nhiều cuối tuần (weekend) trong cuộc đời?
Nếu chúng ta chỉ có thời gian học vào mỗi cuối tuần, một khóa học thường mất 6 tháng – tức là 24 cuối tuần. Vậy nếu hiện tại các bạn sinh viên đang ở thanh xuân 20 tuổi, bạn dành mỗi cuối tuần để học, bạn cũng chỉ hoàn thành được chừng đâu 120 khóa học loại sáu tháng. Số khóa học này không bao nhiêu so với bể tri thức. Vậy quay lại câu chuyện em sinh viên mà tôi hướng dẫn, nếu em đi teambuidling của nhóm em hoặc kết hợp nhóm khác mỗi hai tuần, vậy em còn bao nhiêu thời gian tự học để nâng cấp bản thân? Em còn bao nhiêu cuối tuần để thúc đẩy sự nghiệp lên tầm cao hay dành thời gian cho những người em nên thực sự dành thời gian cho?
Mỗi đầu năm, các em đều viết cho mình một danh sách mục tiêu cần đạt trong năm đó, nhưng bước chân vào môi trường làm việc có nhiều thứ khiến các em xao nhãng, các em có thể sẽ để tháng tháng năm năm trôi qua mà không thực hiện hành động cần thiết để đạt được mục tiêu.
Tôi không hề trách các em trong việc để bản thân xao nhãng hay ham vui, bởi vì đó là cơ chế tự nhiên của não bộ con người nói chung. Bộ não của chúng ta thích ở chế độ lái tự động. Chúng ta, về mặt tự nhiên, thích làm những việc dễ dàng và đi trên một con đường dễ dàng. Bản thân mỗi người cần nhiều năng lượng để hình thành và duy trì kỷ luật cao trong một việc gì đó.
Bạn có biết chất hóa học trong não của chúng ta được gọi là dopamine không? Hóa chất này khiến chúng ta cảm thấy thích thú. Và điều gì xảy ra khi não cảm nhận được dopamine?
Chúng ta có xu hướng tiếp tục làm những việc dễ dàng hay những hoạt động vui chơi vì não bộ muốn thế. Các ví dụ về những thú vui dễ dàng là:
- Lướt Instagram
- Lướt Facebook
- Xem Youtube
- Ăn món ăn ngon
- Tham gia vui chơi theo nhóm
- Buôn chuyện theo nhóm
Hãy tưởng tượng điều này: chúng ta cần hoàn thành bài tập về nhà cho một khóa học luật, tuy nhiên, chúng ta để điện thoại bên cạnh vì bạn bè của chúng ta đang nhắn tin cho chúng ta và chẳng ai muốn bỏ lỡ nó.
Vậy thì đoán xem nào?
Chúng ta không thể tập trung nổi vào bài tập và bộ não cũng KHÔNG muốn tập trung vào bài tập về nhà, bởi vì điện thoại thú vị hơn nhiều. Não bộ biết điều này và sẽ sản sinh ra cảm giác chống đối. Nếu chúng ta chấp nhận tín hiệu này từ bộ não, chúng ta sẽ không học bài nữa mà thay vào đó chúng ta sẽ xem điện thoại.
Cũng như thế, ở công ty, việc đi xung quanh tán gẫu với đồng nghiệp thì vui hơn nhiều so với rà soát hợp đồng luật cũ – trừ phi bạn bị sếp ép. Và nếu đó là công việc tự nguyện – thôi quên đi!
Việc đi uống trà sữa và teambuilding cuối tuần cũng là thứ mà bộ não sẽ muốn làm thay vì ngồi nhà và học các khóa học luật một mình. Và chúng ta, bao gồm cả em sinh viên đã gửi cho tôi bức thư, đều đối mặt hoặc từng đối mặt với những câu hỏi sau: Tại sao chúng ta không làm những gì chúng ta biết cần phải hoàn thành? Tại sao rất khó để tập trung và hoàn thành những gì chúng ta bắt đầu? Trong thời đại kỹ thuật số của chúng ta, liệu có hy vọng thu thập đủ năng lượng để tập trung vào những gì thực sự quan trọng để chúng ta có thể sống một cuộc sống mà chúng ta muốn không?.
Câu trả lời là có, chúng ta có thể tập trung cao độ, chúng ta có thể tìm cách chứng minh năng lực và phát triển vượt bậc trong môi trường công sở, và đối với mục tiêu cá nhân, chúng ta có thể xây dựng một chuỗi hàng trăm hành động nhỏ để đạt được mục tiêu mong muốn. Chúng ta phải là chủ bộ não của mình, không phải người ngồi ở ghế phụ để mặc não bộ hành xử theo cảm xúc lên xuống.
Và dù bài viết này sẽ chưa đề cập tới cách thức khiến các em tập trung đạt mục tiêu nhưng bài viết này là lời cảnh tỉnh tới rất nhiều người rằng hiện tại, mỗi ngày họ tới công ty làm việc đều làm những việc nhỏ nhặt không có mấy giá trị cho sự phát triển nghề nghiệp, họ thỏa hiệp với hoàn cảnh hiện tại. Đồng thời, họ cũng chìm đắm vào các hoạt động khiến họ xao nhãng mục tiêu, đánh lạc hướng sự tập trung của bộ não, và từ đó khiến họ thui chột.
Thay vì gửi đi một bức thư chúc mừng, tôi gửi cho em đôi dòng tâm sự chân tình, mong sự chân tình sẽ khiến em cũng như nhiều người đang ở hoàn cảnh tương tự thức tỉnh.
Thay vì chọn xao nhãng, hãy chọn tập trung. Thay vì chọn dễ dàng, hãy chọn khó khăn. Bởi, cơ hội để bạn tỏa sáng và thành công hầu như đều ngụy trang dưới hình thái: CÔNG VIỆC.
Nguồn ảnh: Pinterest.com / Quotefancy.com /brainlesstales.com
© All rights reserved.
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog.
Về tác giả
Min Min
Amy Nguyễn đang lãnh đạo IPGEEKLAB với vai trò CEO, một cơ sở nghiên cứu sở hữu trí tuệ (IP) và cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ 360 độ, với hai đầu cầu ở New York, Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh, Việt Nam. Amy tu nghiệp từ các chương trình IP cao cấp từ Đại học Pennsylvania, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), và Đại học Jagiellonian tại Ba Lan. Amy hiện đóng vai trò cố vấn chính trong Tiểu ban Chuyên gia IP của Ủy ban Pháp luật về Sở Hữu Trí Tuệ của Phụ nữ tại Hiệp hội Luật Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực IP số, tập trung vào khai thác dòng tiền từ IP, thương mại hóa IP và lập kế hoạch chiến lược, Amy là một cố vấn đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nhà sản xuất trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, trò chơi điện tử, thương mại điện tử và thời trang cao cấp; cô giúp họ định hướng và bảo vệ quyền sáng tạo và thương mại của họ.